Ngày này 1 năm trước, mình mất nick Facebook, Instagram, và cái fanpage này.
Kỉ niệm 1 năm bỏ viết để bán pod, mình muốn chia sẻ 10 lý do tại sao bạn không nên bắt đầu 1 blog cá nhân:
1. Việc blog mệt hơn bạn tưởng RẤT NHIỀU
Vì duy trì thói quen viết không chỉ là duy trì thói quen ngồi vào bàn và gõ gõ vài tiếng là xong. Duy trì thói quen viết là duy trì cả những thói quen xung quanh việc viết như tập thể dục, tiêu thụ nội dung chất lượng qua podcast, đọc sách, ghi chú và sắp xếp ghi chú…
Nghe thấy 1 câu thoại hay trong rạp chiếu phim, bạn phải ngay lập tức trùm áo khoác lên, note nó lại và gửi cho chính mình. Người yêu có thể giận, nhưng ý tưởng nhất định không được mất.
Đang tận hưởng series yêu thích trên Netflix vào buổi tối chủ nhật thì bạn nhớ ra là sáng mai phải gửi Newsletter mà draft thì chưa có chữ nào, thế là bạn nuốt nước mắt vào trong, tắt TV và ngồi vào bàn viết.
Việc blog mệt hơn bạn tưởng RẤT RẤT NHIỀU.
2. Đợi mãiiiii vẫn không thấy thành quả
Nếu bạn đang đi tìm sự nổi tiếng hoặc thành công nhanh chóng, đừng nghĩ đến chuyện đạt được nó qua blogging. Đừng nhìn vào những case study nổi lên dưới một năm, hoặc chỉ sau vài bài viết.
Họ không đại diện cho 99% các bloggers và những người đã từng thử làm blogger ngoài kia. Hầu hết chúng ta sẽ bắt đầu ở dưới lòng đất - với những bài viết 1, 2 ngàn chữ chẳng ai đọc 🥲
3. Lúc nào cũng phải nghĩ về content
Chuẩn bị cho 1 cuộc sống mà mọi giây tỉnh táo, bạn cũng sẽ nghĩ xem “Chuyện này có thành content được không nhỉ?”
Bạn sẽ trở thành 1 con chuột hamster chạy mãi trong bánh xe, liên tục tìm kiếm ý tưởng và cảm hứng để tạo ra content và duy trì mối quan hệ với độc giả.
Dừng tìm → Dừng viết → Không có người đọc.
4. Chuẩn bị cho sự thất vọng bất ngờ
Sẽ có những bài viết mà khi hoàn thành, khiến bạn cảm thấy mình xứng đáng nhận được giải thưởng danh giá nhất của Hiệp hội Văn học Internet. Nhưng khi đăng tải, bạn không nhận được bất cứ 1 comment nào (trừ comment của mẹ bạn).
5. Nhưng không nhận được comment nào còn hơn là bị chửi, đúng không (?)
Trừ 1 số ít những creators RẤT DÀY cả kinh nghiệm lẫn mặt mà mình chơi cùng, hầu hết mọi người sợ bị ghét hơn là sợ không ai biết đến.
Nhưng, hãy chuẩn bị tinh thần cho sự độc hại của Internet
Mình đang nói đến những phần tử troll, anh hùng bàn phím, thích ném c*t vào hội nghị - những người mà sự tồn tại của họ dường như chỉ có 1 mục đích duy nhất, là lan tỏa sự tiêu cực.
Họ ngồi trong bóng tối, chờ bạn mắc một sai lầm, nói 1 thứ gì đó không đúng ý họ, để có thể đồng loạt lao ra cấu xé bạn.
Dĩ nhiên, hầu hết người đọc trên Internet không ứng xử như thế (mình hy vọng vậy). 99% các tương tác mình có khi viết trên mạng vẫn là tích cực. Nhưng trong 99 comment tích cực, thì chỉ cần có 1 comment tiêu cực thôi, là đủ để khiến bạn đ làm được gì cả ngày.
Negativity takes up more space than positivity.
Sự tiêu cực luôn có sức nặng hơn là sự tích cực.
6. Sáng tạo ngày càng đáng sợ
Khi bạn bắt đầu có nhiều người đọc hơn, việc thử nghiệm những nội dung, format, và phong cách mới sẽ trở nên đáng sợ hơn. Bạn sợ đánh mất những độc giả đã trung thành với mình, nhưng bạn cũng không muốn bị kẹt mãi ở trong 1 “định hình” không còn khiến bạn hạnh phúc khi sáng tạo nữa.
Bạn sẽ cảm thấy mình càng “nổi tiếng” thì quyền được thử nghiệm khi sáng tạo của mình càng bị hạn chế. Ủa thế “nổi tiếng” làm gì?
7. An ninh mạng
Đến 1 độ nổi tiếng nhất định thì bạn sẽ trở thành mục tiêu của các công ty bán pod (như mình). Và chỉ cần 1 cuộc tấn công bảo mật thành công thôi, bạn có thể mất TẤT CẢ những gì mình đã gây dựng suốt 5, 10 năm qua.
8. Mối quan hệ độc hại với mạng xã hội
Nếu bạn viết trên mạng xã hội - các nền tảng mà thuật toán có thể cho bạn lên voi xuống chó vào những lúc oái oăm nhất, bạn sẽ cảm thấy như mình đang ở trong 1 một cuộc hôn nhân độc hại mà bạn không thể dứt ra được, vì độc giả (con) của bạn còn ở đó.
9. Mối quan hệ trắc trở với người thân
Bạn bè, người thân của bạn có thể sẽ nhìn bạn với 1 ánh mắt rất khác qua những bài viết. “Mày là người như thế này á?”, “Sao mày chưa bao giờ kể chuyện đấy với tao?”, “Mày có cảm thấy như vậy thật không?”
Đúng. Bạn sẽ nhận ra là có những thứ bạn chỉ thoải mái chia sẻ với những người lạ trên Internet, chứ không phải với người thân hay bạn bè - những người mà “perception” họ có về bạn đã được hình thành từ rất lâu rồi trong quá khứ, với những căn tính (identity) không còn phù hợp với bạn của hiện tại nữa.
Có những thứ bạn chỉ thoải mái chia sẻ với những người lạ trên Internet,
chứ không phải với người thân hay bạn bè.
Và đây là 1 sự thật không dễ để bạn và nhiều người thân của mình có thể chấp nhận.
10. Cô đơn
Bạn sẽ cảm thấy cô đơn. Rất cô đơn.
Mặc dù bạn có hàng chục, trăm nghìn followers quấn quýt bên mình, trải nghiệm làm một người viết nhìn chung là cô đơn. Bạn sẽ phải tìm tới những bloggers khác để chia sẻ những khó khăn (hoặc khó chịu) mà chỉ có họ mới hiểu.
Bạn hiểu rồi đấy, cái giá của việc bắt đầu và duy trì 1 trang blog là không hề nhỏ.
Nhưng nếu bạn đã đọc cả 10 lý do trên, và vẫn muốn bắt đầu viết và chia sẻ những suy nghĩ của mình trên Internet.
Nếu việc có 1 trang blog cá nhân là việc bạn thực sự khao khát - 1 việc bạn chắc chắn sẽ tiếc nuối nếu không cho mình 1 cơ hội để thử, thì bạn không còn lựa chọn nào khác… Bạn phải bắt đầu blog.
Mình hy vọng bạn hiểu rằng mình đã ✨phóng đại✨ nhiều yếu tố trong bài viết này để test xem bạn có thực sự muốn blog không.
Nếu việc viết trên mạng toàn tiêu cực như thế này, chắc chắn mình sẽ không đam mê với nó như thế trong suốt 4 năm qua.
Mình bắt đầu blog này hơn 4 năm trước với mục đích đơn thuần là được kết nối với nhiều bạn học sinh Việt Nam chưa có cơ hội được sống những trải nghiệm mình có: học cấp 3 ở Trung Quốc, đại học ở Mỹ rồi một học kỳ đi khắp thế giới.
Mình đâu biết được Akwaaba sẽ cho mình khả năng chạm tới hơn 50,000 bạn đọc, cơ hội để nói ở TEDx, và được kết nối với rất nhiều người quan tâm đến những chủ đề mình tưởng chỉ mình quan tâm.
Việc blog cho mình 1 bệ phóng để sáng lập MỞ và cho đến bây giờ, vẫn là điều viên mãn nhất mình từng làm (và vẫn đang làm full-time).
Việc blog dạy mình phải sống mọi ngày với tâm thế sẵn sàng được truyền cảm hứng.
Việc blog dạy mình rằng mắc sai lầm trước công chúng là một phần không thể thiếu trong quá trình học hỏi.
Việc blog dạy mình phải tập trung vào sự tiến bộ, chứ không phải sự hoàn hảo.
Việc blog có thể dạy cho bạn những bài học gì?
Mình sẽ không thể biết được, và bạn cũng sẽ không thể biết được nếu bạn không cho phép mình thử.
Có lẽ bạn không nên bắt đầu 1 blog cá nhân. Nhưng mình hy vọng là bạn dám thử.
Mình mong tất cả chúng ta sẽ có đủ can đảm để chia sẻ những suy nghĩ, cảm xúc, bài học, và trải nghiệm đặc biệt mà mình có với thế giới.
Bắt đầu hành trình này 1 mình thì có thể hơi đáng sợ. Vậy nên, mình mời bạn bắt đầu cùng mình và 100 bloggers khác ở Writing On The Net #4.
Nếu bạn đã đọc đến đây rồi, “Blog đi, đừng sợ nữa.”
⌛ Đơn đăng ký sẽ đóng trong 10 ngày nữa. 20 suất cuối cùng.
📅 Khóa học sẽ diễn ra từ 19/10 đến 26/11.