Khi nói đến “viết”, chúng ta thường nghĩ đến 1 người ngồi ở bàn làm việc, chăm chú nhìn vào màn hình laptop, tay gõ tách tách, thỉnh thoảng dừng lại để uống nước, đọc qua những gì mình vừa viết, gật gù suy nghĩ, rồi lại gõ tiếp.
Chúng ta sẽ không nghĩ đến 1 người ngồi trong rạp chiếu phim, thấy 1 câu thoại hay quá, rút điện thoại ra ghi lại và gửi cho chính mình.
Hoặc 1 người xin phép ghi note trong MỌI meeting online, bất kể người kia là bạn 10 năm chưa gặp hay 1 fan lần đầu tiên nói chuyện.
Hoặc 1 người từng làm cháy cơm khi tập trung ghi lại 1 ý tưởng hay từ 1 chiếc podcast đang nghe.
Hoặc 1 người dành 10 tiếng để đọc 1 cuốn sách, và 10 tiếng để xử lý ghi chú từ cuốn sách đấy.
Mình ở đây hôm nay để nói với bạn rằng: đúng, mình là người làm tất cả những việc trên và: Nếu bạn thực sự muốn viết nghiêm túc, bạn cần phải nhìn việc viết rộng hơn hành động ngồi im gõ bàn phím đi.
Việc viết không bắt đầu khi bạn gõ từ đầu tiên trên 1 trang giấy trắng.
Việc viết thực sự bắt đầu khi bạn nghiêm túc với việc take note.
Trong phần 1 của series “Note-taking cho Người viết”, mình sẽ giải thích 3 lý do tại sao bạn nên take notes. Teaser phần 2 sẽ được để ở cuối bài!
Bắt đầu nhé! 3 lý do bạn nên take notes:
1, Cảm hứng thường đến vào lúc ta không lường trước được.
Đang nấu ăn, đang xem phim, đang đọc sách, đang tập gym, đang meeting… Việc xin phép tạm dừng 1 cuộc trò chuyện để đi viết, vì người đối diện vừa có 1 câu nói khiến bạn nhận ra 1 bài học quan trọng thì khó. Nhưng xin phép take note trong cuộc trò chuyện thì rất dễ.
Vì cảm hứng đến vào những lúc ta không lường trước được, và ta không biết bao giờ mình sẽ cần sử dụng những ý tưởng đó, việc tốt nhất ta có thể làm để chuẩn bị cho những ngày mùa đông đói ý tưởng, là xây dựng 1 nhà kho lưu trữ nguyên liệu cho việc viết.
Người viết tốt không có nhiều cảm hứng hơn người bình thường. Họ chỉ giỏi hơn người bình thường trong việc nắm bắt và lưu trữ những cảm hứng này thôi.
2, Trí nhớ của chúng ta rất tệ.
Bạn nhớ được bao nhiêu phần trăm những ý tưởng từ 1 cuốn sách hay bạn đọc cách đây 3 tháng? Hay 1 podcast bạn nghe xong tấm tắc khen 1 tuần trước?
Hầu hết chúng ta đều có 1 trí nhớ rất tệ. Những nội dung truyền cảm hứng cho bạn bỏ việc ngày hôm nay, có thể sẽ bị lãng quên hoàn toàn trong 1 năm nữa.
Việc take note giúp bạn “outsource” việc ghi nhớ cho công nghệ, và dùng trí lực của mình để xử lý và chế biến những nguyên liệu thô thành những món ăn/ ý tưởng/ content cao cấp hơn.
3, Đối diện với 1 trang giấy trắng rất đáng sợ.
Bạn và mình đều biết cảm giác đó. Cảm giác vô vọng, nhìn chằm chằm vào con trỏ chuột đang nhấp nháy trên màn hình vì chẳng biết bắt đầu từ đâu. Ý tưởng trong đầu thì nhiều đấy, nhưng không biết mở đầu như thế nào, điểm đến là gì, và đi đến đó ra sao.
Sau hơn 3 năm viết lách, mình mạnh dạn nói là: Cách tốt nhất để vượt qua nỗi sợ trang giấy trắng, là không bao giờ bắt đầu từ 1 trang giấy trắng nữa.
Thay vào đó, hãy bắt đầu từ 1 chiếc note chưa hoàn chỉnh.
Mọi note của bạn đều là 1 manh mối để bắt đầu hoặc kết thúc 1 bài viết. Đó có thể là 1 câu hỏi hay bạn ghi lại từ 1 cuộc nói chuyện, 1 quote thú vị từ 1 cuốn sách bạn đang đọc, 1 con số khiến bạn bất ngờ khi đọc được trong 1 báo cáo, hoặc 1 hình ảnh bạn vội chụp lại từ bộ phim bạn vừa xem…
Khi nhìn thấy 1 note chưa hoàn chỉnh (tức là chưa thành 1 bài viết), mình cũng thấy rất ngứa ngáy và muốn hoàn thành nó. Tâm lý học gọi đây là hiệu ứng Zeigarnik, khi chúng ta mong muốn hoàn thành những thứ mình đã bắt đầu.
Notes vừa giúp bạn hết sợ giấy trắng, vừa khiến bạn muốn hoàn thành bài viết của mình.
Tóm lại là:
Việc take note giúp bạn: 1, Lưu trữ những cảm hứng bất ngờ 2, Tiết kiệm trí lực thường được dùng vào việc ghi nhớ, để đầu tư cho việc chế biến ý tưởng 3, Không bao giờ phải viết từ 1 trang giấy trắng nữa
Muốn viết nghiêm túc, bạn cần nhìn việc viết rộng ra, và thay đổi mối quan hệ của mình với việc take note.
Ở bài viết sau, mình sẽ chia sẻ workflow take note của mình, đi kèm với những hành động cụ thể bạn có thể làm để cải thiện workflow take note và viết của bản thân.
Subscribe Newsletter để không bỏ lỡ nhé!