[3 lời khuyên cho Creators] Làm dâu trăm họ, Chọn bản thân, và Không ngừng thử nghiệm
Kỷ niệm 4 năm thành lập blog :)
Hôm qua là tròn 4 năm mình thành lập blog và dấn thân vào con đường sáng tạo nội dung, ngọt bùi đắng cay đã nếm khá đủ, mình muốn viết bài này để chia sẻ 3 bài học xương máu của bản thân cho các creators hoặc creator-wanna-bes ngoài kia, ở bất cứ độ nổi tiếng nào.
3 lời khuyên dưới đây, mình nghĩ không chỉ áp dụng vào việc sáng tạo nội dụng, mà còn có thể được áp dụng vào việc sống trong 1 thế giới nhiều “hỗn loạn” nữa.
Lời khuyên #1: Bạn sẽ không bao giờ làm hài lòng tất cả mọi người.
Chấp nhận điều này! Có những người sẽ muốn bạn giải trí hơn, những người khác lại muốn bạn bớt cợt nhả đi. Có người muốn bạn làm thêm đồ thị, có người muốn bạn chỉ vẽ những đồ thị có dẫn chứng khoa học.
Nếu bạn lắng nghe ý kiến của TẤT CẢ mọi người, sản phẩm sáng tạo của bạn sẽ là 1 món “hổ lốn” rất “dân chủ”, ai cũng có phần, nhưng ăn thì dở ẹc.
Chính mình khi mới bắt đầu viết cũng đã rơi vào bẫy “muốn tất cả mọi người hài lòng”. Độc giả khi mình bắt đầu blog chia thành 2 nhóm rất rõ ràng: nhóm 1 là học sinh và đồng nghiệp của mình (16 - 22 tuổi), trong khi nhóm 2 là bạn của mẹ mình (các mẹ 1,2 con từ 34 - 50 tuổi).
Khi cố gắng viết cho cả 2 nhóm này, ngôn ngữ mình sử dụng và những nội dung mình có thể xoáy vào thường dừng lại ở 1 level rất “hoa hậu thân thiện”, “bạn của mọi nhà”. Tuy mình làm việc này rất tốt nhờ những năm tháng làm việc với phụ huynh ở trại hè, việc cố chiều cả 2 nhóm làm mình cảm thấy rất bức bối vì không được thỏa sức sáng tạo (và chửi thề).
Phải đến gần 2 năm sau, khi mình bắt đầu tự tin hơn, và quyết định sẽ chọn nhóm độc giả trẻ, mình mới được khai phóng về mặt sáng tạo, và độc giả cũng kéo đến vì họ cảm nhận được mình đang viết cho họ.
Viết cho tất cả mọi người, là chẳng viết cho ai cả.
Hãy trả lời bạn đang VIẾT CHO AI, và KHÔNG VIẾT CHO AI. Hãy nói rõ thông điệp này ngay từ đoạn mở đầu hoặc lời giới thiệu về blog. Kỹ năng kiểm soát kỳ vọng của độc giả là kỹ năng quan trọng nhất để thu hút đúng độc giả mục tiêu và tiễn những người không phù hợp đi sớm (và tiết kiệm thời gian cãi lộn của cả bạn và họ).
Nghe feedback của ai?
Hơn nữa, khi bạn càng rõ ràng về nhóm đối tượng mục tiêu mình muốn phục vụ, những feedback bạn nhận được sẽ càng có giá trị. Nếu không thì thứ bạn nhận được sẽ không phải là feedback, mà chỉ là 1 mớ những quan điểm và điều ước đến từ những người không thuộc đối tượng bạn muốn phục vụ.
Ý tưởng với quan điểm rẻ mà, nên người ta rất hào phóng “cho” bạn. Và vì nhiều người làm vậy ở vị thế “bề trên” của người “cho” nên họ nghĩ rằng bạn phải đón nhận, phải trân trọng từng câu từng chữ của họ. Nhưng bạn đừng quên là Ý tưởng thì dễ, Thực hiện mới khó, mà đó là việc bạn phải tự làm (Idea is cheap, Execution is expensive).
Nên bạn phải biết lượng sức của mình, tập trung vào execute để cái thiện feature nào cũng phải tự hỏi bản thân là “Sức lực này đang giải quyết feedback của ai?”, và “Họ có phải khán giả mục tiêu của mình không?”.
Lời khuyên #2: Tin bản thân. Chọn bản thân.
Muốn làm creator, bạn phải có 1 niềm tin nhất định vào trực giác và “taste” của bản thân.
Việc này rất quan trọng vì mình tin rằng bạn chỉ có thể phát triển bền vững nếu quá trình sáng tạo có những yếu tố bạn thực sự đam mê.
Hãy tìm ra việc bạn thích nhất trong quá trình sáng tạo, kể cả khi không ai xem sản phẩm của mình. Đây là những việc bạn có thể làm hàng giờ liền, mà kết quả cuối cùng có ai xem không cũng chả quan trọng. Đây là những yếu tố sáng tạo bạn không được thỏa hiệp, kể cả khi 1 vài “khán giả mục tiêu“ đòi bạn thay đổi. (Vì có khi, họ không còn là khán giả mục tiêu của bạn nữa rồi.)
Đối với mình, việc viết và vẽ đồ thị vui vẻ là 2 yếu tố không thỏa hiệp (non-negotiable) của hiện tại.
Giữa sự phát triển cá nhân và nhu cầu phát triển của độc giả,
bạn phải ưu tiên sự phát triển cá nhân trước.
(Đây là quan điểm mình mới học được từ JVevermind trong tập podcast 2 năm trước với Have A Sip.)
Độc giả có thể sẽ phát triển cùng với định hướng của bạn, có thể không. Việc 1 top fan vài năm trước unfollow bạn là hoàn toàn bình thường. 2 người bạn thân hàng chục năm còn có thể có định hướng phát triển khác nhau, những người bạn online, gặp nhau trong 1 giai đoạn cuộc đời, rồi rẽ sang 2 con đường khác nhau không có gì bất ngờ hết.
Bổ sung thêm vào lời khuyên 1:
Bạn không thể và không nên làm hài lòng tất cả mọi người.
Đừng cố gắng níu kéo ai chỉ vì bạn và họ từng có 1 quá khứ đẹp.
Lời khuyên #3: Bất kể bạn nổi tiếng đến mức nào, đừng bao giờ dừng thử nghiệm những điều mới.
Niềm vui của việc sáng tạo, mà nói rộng hơn là việc sống, nằm ở khả năng mắc lỗi hoặc thất bại khi khám phá những giới hạn mới của bản thân.
Creators sợ mắc lỗi, không dám thử nghiệm cái mới, sớm hay muộn cũng sẽ bị những creators thế hệ mới đào thải. Những người nói creators không được phép mắc lỗi, chắc chắn chưa bao giờ sáng tạo cái gì nghiêm túc trong đời. Trong sáng tạo cũng như cuộc sống, độ lì đòn và khả năng đứng dậy đi tiếp của bạn càng cao, bạn sẽ đi được càng xa.
Thử nghiệm và sai số là 1 phần tất yếu của sự phát triển.
Tuy nhiên, bạn càng nổi tiếng thì trách nhiệm xã hội (public responsibility) của bạn càng cao. Khi bạn viết cho 10 người, xã hội sẽ kỳ vọng ít hơn từ bạn rất nhiều so với khi bạn viết cho 10 nghìn hay 100 nghìn người. Vì vậy, ở 1 level nổi tiếng nhất định, hãy thử nghiệm với 1 level kiểm soát rủi ro nhất định.
Biện pháp kiểm soát rủi ro mình sẽ sử dụng trong thời gian tới là:
Thử nghiệm nhỏ, trong không gian riêng tư, trước khi đem đi biểu diễn trước công chúng. Đăng bài trên nick Insta Private trước chẳng hạn. Xem network thân cận của mình phản ứng như thế nào. Thêm 1 tầng nữa là chủ động nhờ 1 vài người giống đối tượng mục tiêu trong network đọc và góp ý trước khi chia sẻ trên blog công khai.
Với biện pháp này, tần suất đăng bài của mình sẽ giảm trong thời gian đầu. Tuy nhiên, mình nghĩ đây là 1 phương án cần thiết cho 1 blogger với số lượng độc giả như mình, để kiểm soát những rủi ro có thể đi cùng việc chia sẻ thông tin hay quan điểm trên 1 kênh với tầm ảnh hưởng đáng kể.
Mình sẽ không được nghĩ sao, viết vậy, chia sẻ thế như những ngày không “nổi tiếng” tươi đẹp nữa (buồn, nhưng đây là 1 phần của việc lớn lên, không sao cả.)
Tóm lại, 3 lời khuyên mình có cho creators, ở bất cứ độ nổi tiếng nào là:
Bạn không thể và không nên làm hài lòng tất cả mọi người. Hãy trả lời bạn đang VIẾT CHO AI, và KHÔNG VIẾT CHO AI. Kiểm soát kỳ vọng của độc giả!
Tin bản thân. Chọn bản thân. Giữa sự phát triển cá nhân và nhu cầu phát triển của độc giả, bạn phải ưu tiên sự phát triển cá nhân trước. Độc giả có thể phát triển cùng mình, có thể không.
Liên tục thử nghiệm. Không thử nghiệm, không sai lầm thì không đột phá được. Nổi tiếng thì vẫn phải thử nghiệm, nhưng với level kiểm soát rủi ro cao hơn.
Bạn ấn tượng với bài học nào nhất? Nếu bạn là creator, bạn muốn bổ sung thêm bài học nào nữa? Comment trên Substack hoặc reply email nhé :)
Thích lời khuyên #3 :)) Đang chuẩn bị thử vẽ đồ thị đây