Trong 1 cuộc khảo sát trên Goodreads, 55.7% vote sẽ cho 1 cuốn sách thêm thời gian kể cả khi họ đang không thích những gì mình đọc, và 24% vote sẽ hoàn thành mọi cuốn sách mình bắt đầu.
Với mình, đây là 2 con số đáng khen cho sự kiên trì, nhưng đáng báo động cho khả năng phân bổ nguồn lực hiệu quả.
4 năm thử nghiệm và mày mò với việc đọc giúp mình nhận ra rằng: Quyết định tốt nhất mình có thể làm cho bản thân là đặt một cuốn sách xuống khi cảm thấy nó không phù hợp với mình.
Mình có 4 lý do cho nguyên tắc này 👇
Lý do #1: Thích đọc đã. Chọn đọc cái gì “bổ” sau.
Read what you love, until you love to read. - Naval
“Đọc thứ bạn thích, cho đến khi bạn thích việc đọc.”
Nếu bạn chưa thích đọc thì hãy cứ đọc cái gì cho bạn THỪA động lực để lật tiếp sang trang tiếp theo, và khiến bạn háo hức để quay lại.
Truyện tranh, sách trinh thám, ngôn tình, self-help, sách tâm linh, khoa học viễn tưởng… Tiêu thụ cái gì cũng được, miễn có chữ và bạn thích đọc là được.
Lời khuyên này đến từ 1 người từng bị bắt đọc những cuốn sách được cho là “kinh điển” (ai cũng nên đọc), và ghét việc đọc từ đấy.
Khi mới đọc sách, xây dựng 1 thói quen và niềm yêu thích việc đọc quan trọng hơn là đọc những “áng văn bất hủ”.
Học yêu format (đọc) trước. Học cách chọn lọc nội dung sau.
Lý do #2: Bẫy chi phí chìm (Sunk Cost Fallacy)
Sunk Cost Fallacy có nguồn gốc từ Kinh Tế Học, trong đó, Sunk Cost chỉ những chi phí bạn không thể phục hồi được, khác với chi phí tương lai (prospective cost) - những chi phí bạn có thể tối giản hoặc tránh hoàn toàn.
Sunk Cost Fallacy chỉ hiện tượng 1 người tiếp tục thực hiện những hành động không có lợi vì họ tiếc những nguồn lực đã bỏ ra trong quá khứ.
Tưởng tượng bạn mua vé 100K đi xem 1 bộ phim 2 tiếng. 1 tiếng trôi qua và bạn biết chắc 100% là bộ phim này quá tệ rồi, không ai có thể cứu vớt được sự nhảm nhí của nó nữa. “Bạn có đứng dậy và rời khỏi rạp chiếu phim không?”
Trước khi biết về Sunk Cost Fallacy thì mình sẽ trả lời là không. Vì “mới xem được có 50K tiền vé mà 😠”.
Nhưng sau khi biết về Sunk Cost Fallacy thì mình mạnh dạn trả lời là “ĐI NGAY LẬP TỨC!” Vì mình không muốn mất thêm 1 tiếng quý giá của cuộc đời để xem 1 bộ phim mình ghét.
Trong tình huống đi xem phim, tiền, công sức, và thời gian thì cũng đã mất rồi, chi phí mà chúng ta có thể tránh chính là thời gian và công sức trong 1 tiếng tiếp theo.
Nếu bạn mắc Sunk Cost Fallacy khi đi xem phim thì cùng lắm bạn cũng sẽ chỉ mất 3 tiếng. Nhưng với 1 cuốn sách thì bạn có thể mất 15 - 20 tiếng nếu đọc nghiêm túc (đó là RẤT NHIỀU thời gian).
Vậy nên, nếu bạn đọc qua lời giới thiệu của 1 cuốn sách và nhận ra nó không giải quyết vấn đề bạn mở cuốn sách này ra để giải quyết, thì hãy đặt nó xuống ngay.
Việc chúng ta cần làm, không phải là nuốt nước mắt vào trong và đọc cho hết 1 cuốn sách vì đã trót dành 10 tiếng đọc 1 nửa rồi, mà hãy chấp nhận mình chọn sai và đặt sách xuống.
Đừng tiếc 10 tiếng đã mất. Hãy cứu lấy 10 tiếng tương lai của bạn.
Lý do #3: Hầu hết các ý tưởng hay không cần 200 trang để giải thích
Hầu hết những cuốn non-fiction mình đọc đều được viết hay nhất và có nhiều ý tưởng mới nhất ở 1/3 đoạn đầu tiên. Điều này cũng dễ hiểu vì giống như viết blog, sách muốn giữ được người đọc thì phần đầu phải RẤT HAY. Còn lại thường là viết cho đủ số trang yêu cầu.
Hơn nữa, hầu hết các sách phi hư cấu (non-fiction) chỉ có 1 ý tưởng chính. Sau đó thì tác giả đưa cho bạn 100 ví dụ hoặc nghiên cứu khác nhau để củng cố ý tưởng đó. Bạn không cần 100 ví dụ để hiểu 1 ý tưởng.
Một khi bạn đã nắm được ý tưởng chính, cứ thoải mái gập sách lại.
Lý do #4: Bạn đọc càng nhiều thì càng dễ bỏ sách
Bạn đọc càng nhiều, hiểu biết càng rộng thì việc bỏ sách càng có cơ sở. Với tần suất khoảng 4 triệu cuốn sách được xuất bản hằng năm (số liệu năm 2023), sẽ không có nhiều cuốn sách cho bạn những ý tưởng mới và đột phá (mà đây là mục tiêu trong việc đọc sách của mình).
Có những người bạn của mình từng lập luận là 1 cuốn sách chỉ cần cung cấp 1 góc nhìn khác 1-2% thôi là cũng đã xứng đáng thời gian bỏ ra (15 tiếng) rồi. Điều này có thể rất đúng nếu bạn đang muốn phát triển bộ kỹ năng và kiến thức rất sâu trong 1 chủ đề.
Nhưng với những người mới bắt đầu đọc và muốn phát triển theo hướng generalist (như mình), thì việc thu thập nhiều nhất có thể những mô hình tư duy (mental models) mới để nhìn thế giới qua nhiều lăng kính đa dạng là ưu tiên quan trọng nhất. Việc đào thật sâu vào 1 chủ đề hoặc model có thể đến sau.
As you know more, you’ll leave more books unfinished.
Focus on new concepts with predictive power. - Naval
Lời kết
Có 4 triệu cuốn sách được xuất bản hằng năm để thêm vào con số khoảng 160 triệu cuốn sách từng tồn tại từ trước tới giờ (theo ISBN).
Nếu bạn bắt đầu đọc sách từ năm 20 tuổi, và mỗi năm bạn đọc được 20 cuốn cho đến năm 80 tuổi, thì bạn sẽ đọc được 1200 cuốn sách cả đời.
Tại sao bạn phải phí thời gian ép mình ĐỌC HẾT những cuốn sách mình không thích?
Đời là quá ngắn để lãng phí thời gian vào những cuốn sách “tàm tạm”.
Bỏ sách thật nhanh và đừng bao giờ xấu hổ. - James Clear
“Về Đọc Sách” là series mình tổng hợp 2 tư duy và 3 kỹ năng quan trọng nhất với mình trong chuyện đọc.
Bộ 2 tư duy và 3 kỹ năng này biến mình từ 1 người căm ghét việc đọc và viết thành 1 người dạy viết và nghiện đọc 😅
Series này bao gồm 5 phần:
2 Tư Duy
Bỏ sách không xấu hổ
3 Kỹ Năng
Chọn Sách
Đọc Sách
Sở Hữu Sách
sẽ được publish trong ~10 ngày tiếp theo.
Những gì mình viết trong series này đều đến từ chiêm nghiệm cá nhân của mình sau 4 năm nghiêm túc đọc sách và tìm hiểu về cách đọc sách của 2 thinkers mình rất nể phục: James Clear và Naval Ravikant. Bộ tư duy và kỹ năng này áp dụng với mình vì chúng aligned với những giá trị sống của mình.
Các bạn hãy xem đây là 1 nguồn tham khảo cho thực hành đọc sách, chứ không phải chân lý nha 😜