Viết không phải là kết quả của tư duy; viết là phương tiện để tư duy hình thành.
~ Sonke Ahrens
Đối với mình, viết là hành động “phiên dịch” những suy nghĩ lộn xộn trong đầu của 1 người thành 1 văn bản mà người khác có thể đọc và hiểu.
Cách chúng ta nghĩ thì lộn xộn. Nhưng cách chúng ta đọc, hoặc kì vọng từ văn bản, thì lại tuyến tính (linear).
Vì thế, chúng ta thường kì vọng việc viết cũng là 1 quá trình tuyến tính, đi từ suy nghĩ trong đầu tới bài viết hoàn chỉnh bằng 1 đường thẳng.
Nhưng thực tế thì, việc viết lộn xộn hơn như vậy rất nhiều.
Suy nghĩ: Làm thế nào để giữ bạn thân và kết bạn mới sau đại học nhỉ?
Điểm dừng 1: Tài nguyên nào là quý giá nhất trong độ tuổi từ 22 đến 30?
Điểm dừng 2: Tại sao tôi lại cảm thấy tệ khi làm lãng phí thời gian của người khác?
Điểm dừng 3: Khi con chim đang bay, chân nó không chạm đất nhỉ?
Điểm dừng 5: Khi nào thì nên đi sâu hơn trong 1 cuộc trò chuyện nhỉ?
Điểm dừng 6: Số 4 đâu mất rồi?
Bài viết hoàn chỉnh: “Rướn” trong quan hệ xã hội là như thế nào?
Bởi vì chúng ta kì vọng việc viết cũng tuyến tính như việc đọc, chúng ta nghĩ rằng mọi câu chữ đều phải hoàn hảo NGAY KHI chúng rời khỏi đầu mình.
Chúng ta thường lầm tưởng rằng những cây viết xuất sắc cứ đặt bút xuống là ra thơ ra hoa, viết tới đâu là ý tứ rõ ràng súc tích tới đó.
Vì vậy, chúng ta đánh giá mọi câu từ mình viết NGAY KHI chúng vừa “ra đời”.
“Từ này chán quá!”, “Câu này lủng củng thế?”, “Đoạn này mình đang viết cái quần què gì thế này?”…
Việc này chẳng khác nào đánh giá 1 đứa bé 2 tuổi vì dáng đi của nó buồn cười, hay vốn từ của nó ít quá cả.
Giống như 1 đứa trẻ, suy nghĩ của chúng ta cần thời gian và sự chăm sóc để trưởng thành. Để những suy nghĩ lộn xộn “tiến hóa” thành 1 bài viết hoàn chỉnh, người viết cần phải…
”Ôm ấp sự lộn xộn”
1 kỹ thuật mình thường xuyên sử dụng để ôm ấp những suy nghĩ lộn xộn của mình có tên là “Viết Tự Do” (Freewriting).
Thay vì gạt bỏ tất cả những suy nghĩ, câu từ còn “chưa hoàn hảo” đi theo bản năng, Viết Tự Do ép mình phải cho phép TẤT CẢ những suy nghĩ lộn xộn được trải ra trên giấy.
Có 3 luật (3 KHÔNG) trong thực hành viết tự do của mình:
Không dừng gõ (hoặc viết)
Không đọc lại những gì mình viết
Không bắt lỗi chính tả
Quá trình Viết Tự Do như trên kéo dài 5 phút. Sau khi mình đã “xả” hết được những suy nghĩ rối rắm trong đầu ra, mình sẽ dành 3 đến 5 phút tiếp theo để “lọc” ra những câu từ và ý tưởng mình thấy thú vị nhất bằng cách đọc lại và highlight.
“Xả” hết rồi mới “lọc”.
Hay nói cách khác, trước khi “đánh giá” khả năng viết của bản thân, bạn phải chào đón mọi suy nghĩ, ý tưởng, và cách diễn đạt của mình đã!
1 bài viết hay cần nhiều bản nháp dở.
Người viết hay không phải là người viết câu nào là xuất sắc câu đấy.
Người viết hay là người đã quá quen thuộc và thoải mái với những bản nháp dở của mình.
Họ biết phía bên kia sự lủng củng, rối rắm, và tối nghĩa của những bản nháp, là sự tinh gọn, trau chuốt, và sáng sủa của những bài viết hoàn chỉnh.
Điều đầu tiên chúng ta cần làm, là ôm ấp sự lộn xộn của suy nghĩ, như những em bé mới “ra đời”.
Nhưng suy nghĩ hay hơn trẻ em ở chỗ là, ôm xong nếu không thích có thể vứt đi 🙂
🎁 Nếu bạn thấy kỹ thuật Viết Tự Do này thú vị nhưng chưa biết trông sẽ như thế nào, hãy gửi cho mình 1 email nha, mình sẽ gửi bạn video mình thực hành Viết Tự Do để đi từ 1 trang giấy trắng đến 1 bài viết hoàn chỉnh trong 1 tiếng!