Trong phần 1, mình đã trả lời câu hỏi “Là 1 blogger có 65,000 người theo dõi, mình có thực sự có tầm ảnh hưởng không?”
Trong bài viết đó, mình đã đưa ra
1 định nghĩa: Tầm ảnh hưởng là khả năng thay đổi suy nghĩ, cảm xúc, hoặc hành động của người khác.
và 1 công thức: Tầm Ảnh Hưởng = Độ Phủ x Độ Sâu
Với ý chính ở đây là: 65,000 người theo dõi chỉ nói lên ĐỘ PHỦ (Reach) của mình, chứ con số đó không nói lên được mình ảnh hưởng đến từng người đọc ở mức nào - ĐỘ SÂU của từng mối quan hệ.
Trong phần 2 của series này, mình muốn trả lời câu hỏi:
Việc có tầm ảnh hưởng có phải là mục tiêu của mình khi viết trên mạng không?
Qua việc trả lời câu hỏi này, mình hy vọng những bạn đọc mục tiêu của bài viết này (các blogger, blogger-wannabe, hoặc thậm chí là creator và creator-wannabe) có thể tự vấn và thành thật hơn với động lực sáng tạo của mình.
Mình muốn neo (anchor) tinh thần của bài viết này bằng câu nói sau của Tony Hsieh:
Đừng đánh giá động lực là tốt hay xấu. Chỉ cần tự hỏi tại sao bạn đang làm những gì bạn đang làm là được.
Công thức duy nhất của bài viết này là:
Viết để có tầm ảnh hưởng = Viết để nổi tiếng (“có tầm”) x Viết để “ảnh hưởng”
Một người viết chỉ tập trung vào “ảnh hưởng”
sẽ không quan tâm tới số lượng người họ đang tác động, họ chỉ quan tâm tới chất lượng tác động của họ thôi.
10 năm chỉ viết cho 10 người, nhưng 10 người đó trở thành người tốt hơn 100 lần vì tương tác với nội dung của họ, họ cũng làm.
Không có 1 website, fanpage, hay newsletter gì cũng bình thường. Họ có thể viết và chỉ gửi cho 10 người này đọc là đủ.
Thứ họ đang xây dựng là 1 mối quan hệ sâu sắc, đáng tin cậy với người đọc, để có thể tạo ảnh hưởng lớn tới họ, chứ không phải 1 “thương hiệu cá nhân”, hay “thư viện content” cho mình.
Một người viết chỉ tập trung vào “tầm”
sẽ không quan tâm tới chất lượng tác động của họ lắm. Chiến lược nào giúp tăng số người họ đang reach thì họ sẽ làm.
Người viết để nổi tiếng “sợ flop hơn sợ phốt”.
Ít người viết để nổi tiếng dám nhận là họ đang viết để nổi tiếng. Vì danh vọng không phải là một mục tiêu được xã hội tuyên dương lắm.
Nhưng, nếu 100% thành thật với nhau, mình dám cá là 99.99% người viết online CÓ MONG MUỐN nổi tiếng ở một level nào đó.
Nếu không thì bạn cứ viết nhật ký thôi, việc gì phải đăng lên mạng phải không? Vậy thì…
Nổi tiếng để làm gì?
Mình nghĩ mình là một người có một chút “tiếng” - 65,000 followers là một con số không nhỏ. Ở vị trí này, mình hoàn toàn hiểu tại sao các bạn chưa nổi sẽ muốn nổi, chưa có fame sẽ muốn có fame.
Khi bạn có đòn bẩy của sự nổi tiếng, bạn có thể tiếp cận tới những cơ hội và network rất đặc biệt.
Người viết nổi thì được mời xuất bản sách, được “lên báo”, “lên TV”, “lên TEDx”. Tiền và cơ hội kiếm tiền bắt đầu xuất hiện. Bạn được mời đi “truyền cảm hứng”, chia sẻ ở sự kiện này, xuất hiện ở sự kiện kia - nơi có những người có tiếng, có tiền hoặc có quyền bạn từng hoặc đang ngưỡng mộ khác.
Những người mà trước kia bạn chỉ có xem trên YouTube, tưởng tượng mình đang nói chuyện với họ qua sách, blog, podcast. Những người mà khi đến cùng sự kiện, bạn cũng không dám ra chào một câu, chỉ dám đứng từ xa trầm trồ với bạn bè.
NHƯNG, bạn bây giờ ngồi cùng hàng với họ. Bạn tự tin hơn. Bây giờ, với cái “tiếng” của chính mình, bạn được họ đối xử như bạn, chứ không phải “fan”.
Theo mình, khi bạn viết vì muốn nổi tiếng, mục tiêu sâu xa hơn của động cơ này có lẽ là 👇
Sự yêu mến, ghi nhận, và tôn trọng từ người khác
Sahil Bloom (1 creator/investor nổi tiếng) từng thú nhận rằng:
Tôi được thôi thúc bởi sự yêu mến và ghi nhận của người khác. Tôi không muốn trở nên 'nổi tiếng' theo nghĩa truyền thống, nhưng tôi thích việc mình có thể tác động tích cực đến hàng triệu người thông qua công việc của mình. Sự tôn trọng từ đồng nghiệp và những người theo dõi là quan trọng đối với tôi.
Mong muốn được yêu mến và tôn trọng bởi người khác là một mong muốn rất tự nhiên của con người - 1 loài động vật bầy đàn.
Mình rất đồng cảm với mong muốn này.
Nhưng,
Được yêu mến và tôn trọng bởi bao nhiêu người thì đủ?
là 1 câu hỏi mình nghĩ ít người viết tự vấn chính mình.
Chưa bao giờ trong lịch sử tiến hóa của loài người, “sự nổi tiếng” được phân phối rộng rãi như thời kỳ của mạng xã hội.
VD: Vua Lý Thái Tổ với dân số Đại Việt bấy giờ cũng chỉ có khoảng 3.8 triệu thần dân biết đến mình. Thua Streamer Võ Hà Linh với 4.3 triệu followers trên TikTok.
Vậy nên, khi bạn viết trên Internet VÀ là một người quan tâm đến ý kiến của người khác về mình:
1. ĐỪNG kỳ vọng cả Internet sẽ yêu quý bạn.
Bạn đang tạo ra những tác phẩm sẽ bị đánh giá bởi hàng trăm nghìn người với những giá trị và trải nghiệm sống hoàn toàn khác nhau, trên những không gian mạng xã hội khuyến khích hành vi công kích cá nhân chứ không phải đối thoại.
Không sớm thì muộn, SẼ CÓ NGƯỜI không thích work của bạn và cả bạn luôn.
Hãy chấp nhận chuyện đó.
2. Để bảo vệ chính mình, bạn phải trả lời được câu hỏi: “Sự yêu mến và tôn trọng TỪ AI là quan trọng?”
Không chỉ trong việc viết, mà còn trong cả cuộc sống nữa.
Câu trả lời thành thật của mình là: Gia đình + Vài người bạn thân + Đồng nghiệp + Học sinh. Hết.
Câu trả lời từ Người Kể Chuyện
Vài tuần trước, mình mới gặp lại anh Long - Người Kể Chuyện một thời, giờ đã deact page rồi, không viết online nữa.
Hơn 1 năm qua, anh Long tập trung vào công việc học và nghiên cứu đề tài tiến sĩ. Cuộc sống của anh xoay quanh những người bạn ở thành phố tầm chục nghìn dân, trên mạng thì chỉ giữ liên hệ với gia đình và vài người bạn rất thân.
Anh không còn viết cho cả trăm nghìn người như ngày xưa nữa. Nhưng mình cũng chưa bao giờ thấy anh Long vui và hạnh phúc như bây giờ.
Anh Long bảo với mình là anh nhận ra những con số, những connection mình có trên mạng, thực ra “ảo vl”. Và anh không cần nó để hạnh phúc.
Hmmm, nó khiến mình đặt ra 1 câu hỏi:
Những kết nối trên mạng có thật không?
Mình nghĩ đến những kết nối mờ ảo trên Internet từ khi mình bắt đầu “có tiếng”:
Add friend nhưng không bao giờ nói chuyện
Thỉnh thoảng comment qua lại trên vài bài viết của nhau
Like thì vẫn thả, nhưng không biết có đọc không
Mối quan hệ cũng chỉ dừng lại ở mức “nhìn thấy” và “tương tác”, chứ không bao giờ là đào sâu hay giúp đỡ. Đ thật lắm nhỉ?
NHƯNG mặt khác thì
Viết trên Internet CÓ cho mình những mối quan hệ rất chất lượng - đồng nghiệp, anh em, mentor, học sinh cùng chí hướng - những mối quan hệ mới.
Và hâm nóng cả những mối quan hệ cũ nữa.
Viết online cho bạn bè nhìn thấy những mặt rất khác của mình - những lắng lo, suy nghĩ, nỗi sợ, khát khao mà có khi lúc tỉnh táo ngồi nói chuyện với nhau không dám chia sẻ. Mà chỉ trong cơn mê sảng của việc viết, một mình, mới dám nói ra, và gửi chúng lên mạng, mong rằng sẽ có ai đó đọc, hiểu mình, và hiểu rằng họ không cô đơn.
Ước có 1 ngày, bạn mình sẽ nói: “Mày trên mạng và mày ngoài đời khác nhau lắm, nhưng tao quý cả hai - cả Akwaaba Tùng và Tùng ngáo.”
Viết online cho mình kết nối với cả người lạ và người quen.
Nói rằng những kết nối trên mạng chỉ ảo không thật thì không hoàn toàn đúng.
Số likes với follows có thể ảo. Nhưng con người thì thật.
Bên cạnh hơn 65 nghìn kết nối ảo, mình cũng có được những kết nối thật. Sâu sắc. Đổi đời.
Tuấn Mon, Do Fuong, Vũ Hoàng Long, Lê Quang, Huyền, tất cả mọi người ở Writing On The Net, MỞ, Akwaaba Tour…
Nhưng, trước khi bạn nghĩ rằng chỉ viết online thôi là đủ để tạo ra những kết nối chất lượng, thì mình muốn bạn nghĩ lại. BỞI VÌ:
Mình sẽ không gặp anh Tuấn, anh Long, và Huyền nếu không chủ động nhắn tin cho mọi người, hẹn gặp gỡ và nói chuyện về ý tưởng dạy ở MỞ.
Mình sẽ không gặp Quang nếu không có sự kiện giao lưu với các bạn đọc blog ở Sài Gòn năm 2020.
Mình sẽ không gặp tất cả học sinh Writing On The Net nếu không dám mở 1 lớp học (mặc kệ bao nhiêu quan điểm trên mạng cho rằng nổi + mở lớp = lùa gà).
Viết online GIA TĂNG CƠ HỘI cho những kết nối chất lượng hình thành.
Nhưng, người viết phải là người chủ động nắm lấy những cơ hội đó, và nhào nặn chúng thành hình.
Viết để kết nối
3 tuần trước, mình gửi tin nhắn này vào cộng đồng cựu học sinh Writing On The Net:
10,000 likes shares comments ngoài kia không vui bằng nhìn thấy nhóm nho nhỏ của mình sinh hoạt cùng nhau.
“Nhóm nho nhỏ” này bao gồm 63 cựu học sinh Writing On The Net cùng tham gia thử thách 12 tuần Viết Đều và Hay mình khởi xướng - những cựu học sinh nhiệt tình nhất.
So với hơn 65,000 người theo dõi mình trên cả Facebook và Substack, 63 chiếm chưa đến 0.1%.
Nhưng, sự ghi nhận, yêu mến, và tôn trọng từ 0.1% này quan trọng với mình hơn 99.9% kia.
Đó là sự thật.
Khoảnh khắc hạnh phúc nhất
Khoảnh khắc hạnh phúc nhất suốt 5 năm viết lách của mình không phải khoảnh khắc 1 bài viết reach được 1 triệu người, không phải khoảnh khắc đứng trên sân khấu TEDx, không phải khoảnh khắc được trả lương Writing On The Net…
Khoảnh khắc hạnh phúc nhất suốt 5 năm viết lách của mình là được nhìn thấy các bạn cựu học sinh tiếp tục sinh hoạt, học tập, giúp đỡ nhau trong 1 cộng đồng mình tạo ra.
Họ kết nối với mình, và kết nối với nhau.
Vậy là mình rõ hơn về lý do khiến mình viết online bây giờ.
Mình viết online để nổi tiếng, và dùng sự nổi tiếng đó để tạo ra những cộng đồng học tập an toàn, lành mạnh, và tương trợ lẫn nhau.
Nếu phải chọn giữa “tầm” và “ảnh hưởng”
Mình sẽ chọn ảnh hưởng. (Đặc biệt là khi mình đã biết cuộc sống có chút “tiếng” được gì mất gì rồi.)
Nhưng, đó sẽ là câu trả lời chưa thành thật vì mình biết mình là 1 kẻ tham lam. Mình muốn cả chất lượng lẫn số lượng.
Mình sẽ không hài lòng với bản thân nếu:
Đã viết ra được 1 bài giúp 10 người, mà lại không chia sẻ nó với 1000 người
Đã tạo ra được 1 sản phẩm giúp 50 người, mà lại không cố đưa nó tới 500, 5000 người (với giá rẻ hơn)
Để trả lời câu hỏi đầu bài
Việc có tầm ảnh hưởng có phải là mục tiêu của mình khi viết trên mạng không?
Mình có muốn nổi tiếng (”có tầm”).
Mình có muốn ảnh hưởng.
Với mình, sự nổi tiếng chỉ là công cụ để tạo ra những tác động mình muốn.
Ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực thì ai mà có đủ thẩm quyền để đưa ra phán quyết. Viết online vẫn là làm dâu trăm (chục nghìn) họ ;)
Mình chỉ biết cố hết sức trong khả năng của mình, để làm những điều tốt nhất cho những người quan trọng nhất.
Ở đây là gia đình, bạn thân, đồng nghiệp, và học sinh của mình 😊
Cho những người sáng tạo online:
You don’t need to be loved by everyone. Just a few good people.
~ Charity Barnum, The Greatest Showman
Bài viết thuộc thử thách Viết Đều và Hay của Writing On The Net Alumni
#vietdeuvahay #wotn
Bài viết giản dị nhưng mỗi chữ đều mạnh mẽ và chạm vào tim. Cám ơn Tùng. Bài viết đã khiến chị phải viết comment này, vì chị đã đọc, yêu thích, và đã học được nhiều từ các bài viết của em trên Substack, mà tới giờ vẫn "lurking" 🙂 Thật là hổ thẹn. Nên là, bây giờ chị say "Hi" nha! Chúc em luôn vững tin về việc mình "nổi tiếng để làm gì".
Mình rất thích bài viết của bạn, những gì bạn chia sẻ, góc nhìn của bạn. Mình cũng là 1 người viết và cố gắng viết đều hàng tháng (nhưng mình dùng wordpress, gần đây mới biết đến nền tảng này). Sẽ tiếp tục theo dõi và ủng hộ bạn.