Networking 104: Mentor giỏi nhất mình từng có đưa lời khuyên như thế nào?
3 nguyên tắc cho và nhận lời khuyên
Stephen có lẽ là mentor tốt nhất mình từng có.
Một chút background:
Stephen tốt nghiệp Đại học Harvard
Từng làm việc 2 năm tại McKinsey Trung Quốc
Sau đó là 1 năm tại Fulbright Việt Nam
Thành lập Lumiere Education vào năm 2020
Thành thạo tiếng Trung, Hindi, và bên cạnh việc vận hành 1 công ty hơn 70 người, thì Stephen diễn hài độc thoại bằng tiếng Việt cùng Sài Gòn Tếu vào thời gian rảnh
Mình từng viết một bài về meeting 1-1 đầu tiên mình có với Stephen ở đây.
Chỉ trong cuộc gặp mặt 30 phút đó, Stephen đã dạy mình 1 bài học rất quan trọng về sự khác nhau giữa “thời gian tuyệt đối” và “thời gian được cảm nhận”.
Sau meeting đó, Stephen thường xuyên check in với mình, đón mình vào Sài Gòn, giới thiệu mình với bạn bè, và dần dần trở thành “business mentor” của mình.
Khi bắt đầu nhen nhóm suy nghĩ về việc tạm dừng MỞ, Stephen là người đầu tiên (sau co-founder) mình chia sẻ cùng và xin lời khuyên.
Sau 1 năm làm bạn và được mentored bởi Stephen, mình muốn viết bài này để phân tích cách Stephen (S) mentor mình - như 1 case study của 1 mentor có cả tâm và tầm.
Mục tiêu của bài viết là giúp bạn đọc:
nếu là mentee thì hiểu được mentor tốt có những tố chất gì,
còn nếu là mentor thì có thể cải thiện được cách bạn đang mentor người khác.
Cụ thể hơn, bài viết này tập trung vào 3 nguyên tắc khi cho và nhận lời khuyên.
1. Không assume là mình hiểu vấn đề
Trong mọi cuộc gặp, trước khi đưa ra bất cứ lời khuyên nào, Stephen sẽ dành khoảng 10 - 15 phút để hiểu thật rõ vấn đề mình mang đến. S sẽ đặt câu hỏi, lắng nghe câu trả lời, và nhắc lại theo ý hiểu của ổng, để xác nhận là mình thực sự hiểu vấn đề.
Câu hỏi mình luôn nghe được từ những lần tiếp xúc với Stephen, là “Can I play back what you said?” (“Cho anh nhắc lại những gì em vừa nói được không?”). Thề, câu hỏi này nghe thì đơn giản nhưng đỉnh vl, vì nó khiến người được hỏi cảm thấy được lắng nghe, và cho họ cơ hội để đính chính những hiểu lầm người hỏi có.
Can I play back what you said?
Đã có lần mà chỉ bằng việc phải trả lời những câu hỏi của Stephen về vấn đề thôi, mà mình nhận ra được vấn đề cốt lõi và giải pháp của nó là gì.
Nguyên tắc #1 này nghe có vẻ đơn giản, nhưng mình nghĩ các mentor hay advisor càng có nhiều kinh nghiệm thì càng dễ quên. Với “kinh nghiệm và chuyên môn của mình”, họ đưa ra 1 chẩn đoán sai, không xác nhận lại chẩn đoán này với mentee, và lập tức “kê thuốc”.
Mentee vừa uống vừa cảm thấy cấn cấn - cảm thấy mình chưa kịp giải thích cặn kẽ “tiền sử bệnh” của mình, cảm thấy mình không được thanh minh hay phản biện “chẩn đoán” và “đơn thuốc” của bác sĩ.
Mentee “cứng” thì có thể bật lại mentor. Nhưng trong mối quan hệ mentor-mentee phổ biến, sự mất cân bằng của cán cân quyền lực (nghiêng về phía mentor) thường cản trở sự phản biện này.
❌ Sai lầm của mình trong những lần “mentoring” trong quá khứ là assume mình hiểu vấn đề và ngay lập tức “phun” 1001 lời khuyên cho người hỏi. Mình làm vậy để “tiết kiệm thời gian” cho cả 2 phía, mà không nhận ra 1 hiểu lầm quan trọng:
❌ “Tiết kiệm thời gian” không phải là mục tiêu quan trọng nhất của những session advising (cố vấn). Mục tiêu quan trọng nhất là giải quyết triệt để được vấn đề, mà để làm vậy thì bạn phải thực sự hiểu vấn đề.
✅ 1 mentor tốt có cái tôi thấp, không bao giờ assume là họ hiểu ngay vấn đề chỉ vì họ có nhiều kinh nghiệm hơn. Mentor tốt luôn dành thời gian để thực sự hiểu về vấn đề của mentee. Họ làm vậy bằng việc lắng nghe, đặt câu hỏi, và xác nhận “chẩn đoán” của mình với mentee.
✅ Mentee tốt dành thời gian suy nghĩ thật kỹ về vấn đề trước meeting, và cung cấp những thông tin quan trọng (kể cả khi đó là 1 sự thật họ không muốn thừa nhận) để mentor có thể đưa ra lời khuyên hiệu quả nhất.
2. Dạy cách suy nghĩ, không chỉ đưa giải pháp
Khi đã thu thập đủ thông tin về vấn đề để có thể đưa ra lời khuyên, Stephen sẽ gọi tên được giá trị hoặc mục tiêu mình đang hướng đến. Từ mục tiêu đó, S sẽ vẽ ra 2 - 3 con đường để đi, phân tích cặn kẽ lợi-hại của từng đường dựa trên kinh nghiệm và chuyên môn của mình.
Stephen không bao giờ chốt lại 1 giải pháp cho mình, mà luôn giao bài tập về nhà để mình tự nghĩ xem giải pháp nào sẽ phù hợp nhất.
❌ Sai lầm của mình khi làm mentor trong quá khứ là chỉ đưa ra 1 lời khuyên/ 1 giải pháp mà mình nghĩ là tốt nhất cho mentee. Trong khi việc tốt nhất mình có thể làm phải là dạy mentee cách nghĩ bằng việc (1) giúp họ thu hẹp các lựa chọn, (2) giải thích cách suy nghĩ của mình trong từng lựa chọn đó, và (3) cho họ thời gian để tự suy nghĩ.
✅ Mentor tốt khiến cho mentee hiểu rằng “lời khuyên là của họ, nhưng hệ quả là của bạn”. Mentor tốt sẽ giúp bạn thu hẹp lựa chọn, và push bạn tự suy nghĩ để đi đến giải pháp phù hợp nhất với mình. Mentor tốt dạy bạn cách nghĩ (qua việc giải thích cách nghĩ của họ), chứ không đưa cho bạn 1 giải pháp.
✅ Mentee tốt chủ động brainstorm vài giải pháp trước khi xin lời khuyên. Mentee tốt hỏi về cách tư duy, chứ không chỉ hỏi nên làm gì. Văn cho mentee tốt:
Đây là mục tiêu của em. Đây là vấn đề em nghĩ mình đang gặp phải. Đây là 3 lựa chọn em nghĩ mình có, và lợi-hại (pros-cons) của từng lựa chọn. Anh nghĩ sao về cách em đang tiếp cận vấn đề này?
Here’s my goal. Here’s what I think the problem is. Here are the options I’ve thought about thoroughly. What do you think?
3. Đồng hành
Những vấn đề thực sự phức tạp và cần đến sự cố vấn từ những người có nhiều kinh nghiệm, sẽ rất hiếm khi được giải quyết bằng 1 buổi gặp mặt 30 phút. Những vấn đề này cần sự đồng hành dài hơi.
Stephen đã làm 2 điều để “đồng hành” cùng mình:
Thứ nhất là không bao giờ chốt 1 giải pháp ngay buổi gặp mặt đầu tiên. Stephen sẽ vẽ ra 2-3 con đường, rồi giao bài tập về nhà “Em nghĩ thêm đi xem phương án nào phù hợp với em hơn”.
Việc này không chỉ khiến mình phải làm chủ suy nghĩ, quyết định, và chịu trách nhiệm cho hành động của mình, mà còn mở ra một cửa sổ cơ hội để tiếp tục kết nối trong tương lai.
Thứ hai là rất chủ động follow up để tiếp tục quá trình mentoring. Những tin nhắn follow-up như này luôn xuất hiện trong inbox mình sau mỗi lần gặp Stephen:
Thank you for trusting me enough to share your thoughts and worries with me. Cảm ơn em vì đã đủ tin tưởng anh để chia sẻ những suy nghĩ và băn khoăn của mình.
Here’s the article I mentioned. Đây là bài viết anh nhắc đến này.
Let me know if you want me to connect you with X. Cho anh biết nếu em cần anh kết nối em với X nhé.
Keep me updated on which option you decide to go with. Cập nhật với anh xem em quyết định chọn phương án nào nhé.
Không chỉ dừng lại ở những tin nhắn cho có sau meeting, Stephen cũng thường xuyên hẹn mình đi nói chuyện để check in về tình hình công việc và cuộc sống (khoảng 1-2 tháng/lần).
Sự đồng hành này khiến mình luôn trân trọng thời gian và công sức Stephen dành ra để mentor mình, và thực sự cảm thấy ổng quan tâm đến sự phát triển của mình. Vậy nên, mình đã chọn sẽ đầu quân cho Lumiere Education (công ty của Stephen) sau khi tạm dừng MỞ.
❌ Không vấn đề phức tạp nào được giải quyết sau 1 session advising hết.
✅ Mentoring là một quá trình xây dựng mối quan hệ dài hơi, với sự nỗ lực từ cả 2 phía, từ khâu xác định vấn đề, xác định giải pháp, thực hiện giải pháp, nghiệm thu, báo cáo, tinh chỉnh, chứ không phải 1 phát là xong.
❌ Lưu ý: nếu là 1 người đang đi xin lời khuyên, bạn không nên kỳ vọng mọi mentor, advisor sẽ chủ động follow up với mình. Người giỏi thì thường rất bận, nên việc họ không chủ động hỏi thăm bạn là mặc định. Stephen là 1 trường hợp rất đặc biệt, và mình rất may mắn.
✅ Vậy nên, là người đi xin lời khuyên, bạn nên chủ động cập nhật suy nghĩ, hành động, và kết quả của mình với mentor/advisor.
Ngay sau meeting: Cảm ơn anh vì đã dành thời gian cho em. Em sẽ suy nghĩ thêm về X như mình thảo luận trong meeting.
Sau khi đưa ra quyết định: Sau khi suy nghĩ và tham khảo thêm ý kiến từ các mentors khác, em quyết định sẽ chọn phương án C vì…
Khi có kết quả: Nhờ lời khuyên của anh mà bây giờ sales của bọn em tăng 50% trong quý vừa rồi/ em hạnh phúc hơn với công việc của mình rất nhiều…
Kể cả khi không chọn làm theo lời khuyên của họ, nhưng nếu bạn trình bày được suy nghĩ của mình, và cách lời khuyên của họ đã giúp bạn đưa ra quyết định như thế nào, bạn vẫn khiến cho mối quan hệ của 2 người sâu sắc hơn (so với việc bạn không nói gì).
Hầu hết người đưa ra lời khuyên đều muốn biết bạn đã làm gì với lời khuyên của họ.
Dũng cảm và Quan tâm
Trong 3 nguyên tắc này, mình nghĩ nguyên tắc số 3 là dễ hiểu nhưng khó thực hiện nhất. Mentee thì sợ mentor bận không dám làm phiền. Mentor thì bận thật nên hay quên.
Dù bạn là mentor hay mentee, muốn xây dựng một mối quan hệ dài hơi thì không chỉ cần sức bền, mà còn cần một chút “dũng cảm” nữa.
✅ Mentee tốt dũng cảm nhắn mentor trước.
✅ Mentor tốt dũng cảm “hạ cái tôi xuống” để đi hỏi han mentee.
Nhìn vào background của Stephen và mình thì chả có lý do gì ổng phải bỏ công sức xây dựng mối quan hệ mentoring với mình cả. Ổng đầy người giỏi muốn làm cho mình.
Nhưng sự tận tâm Stephen dành cho mình thực sự đã truyền cảm hứng để mình nỗ lực trở thành 1 mentor tốt hơn. Mình mong bài viết này sẽ phục vụ 2 mục đích:
Đầu tiên là lời nhắc cho bản thân về cách mình đã được mentored, và cách mình muốn mentor người khác.
Thứ hai là gieo một vài ý niệm về người mentor tốt vào tâm thức bạn đọc, để bạn có thể ý thức hơn về cách mình đang mentor hoặc mentee cho người khác.
Vì mình tin vào “Hiệu ứng Cánh bướm”, rằng “một thay đổi tích cực tí hon cũng có thể thay đổi cả vũ trụ.”
A small positive vibration can change the entire cosmos. - Amit Ray
Tóm tắt
Cho và nhận lời khuyên thực sự là 1 kỹ năng cần được rèn luyện. “Bộ môn nghệ thuật” này không đơn giản là mentee hỏi, mentor trả lời, mà là một quá trình kiến tạo hai chiều, dài hơi, đòi hỏi việc đặt câu hỏi đúng đắn, xác định rõ các mục tiêu, và tạo ra một môi trường tin cậy và tôn trọng để trao đổi.
Mentor tốt
✅ dành thời gian để thực sự hiểu vấn đề của bạn, ❌ chứ không assume là họ hiểu
✅ dạy bạn cách suy nghĩ, ❌ chứ không chỉ đưa bạn giải pháp
✅ đồng hành cùng bạn, ❌ chứ không chỉ “giúp” bạn 1 lần cho có
Mentee tốt
✅ dành thời gian để suy nghĩ và giải thích vấn đề của mình tốt nhất có thể
✅ coi mentor là 1 nguồn tham khảo, ❌ chứ không “outsource” việc nghĩ cho mentor
✅ chủ động follow up với mentor về quyết định và kết quả
Bài viết dựa trên câu chuyện cá nhân của mình, và Harvard Business Review article “The Art of Giving and Receiving Advice” được viết bởi giáo sư David Garvin (mentor của Stephen - người ảnh hưởng rất nhiều tới cách mentoring của Stephen).
Ai là mentor tốt nhất bạn từng có? Họ có những tố chất gì?
Bài viết thuộc thử thách Viết Đều và Hay của Writing On The Net Alumni
#vdvh #wotnalumni
Thì ra đây là lí do khiến Tùng đóng Mở, ngưỡng mộ cả Mentor và Mentee <3
cám ơn anh vì chia sẻ thú vị, và đạt nhiều thành công ở Lumiere