Networking 102: 3 tư duy để networking có tâm
Biết địch biết ta, Kiên nhẫn, và...
Trong kỳ trước, chúng ta đã zoom in 1 kỹ thuật rất cụ thể của Networking - Cold Email. Vậy nên, trong kỳ này, mình muốn zoom out và quay lại kiến thức nền tảng.
Trong bài viết này, mình sẽ phân tích 1 sai lầm rất thường gặp khi networking, cung cấp cho mọi người 2 khái niệm nền tảng của networking, và 3 tư duy sẽ giúp bạn networking “có tâm” hơn.
Tình huống
Hãy tưởng tượng bạn đang chạy KPI quý 2, công việc ngập đầu ngập cổ, thời gian gọi điện cho gia đình còn không có.
Giữa 50 tin nhắn công việc chưa mở, bạn nhìn thấy 1 tin nhắn từ 1 người bạn chưa nghe thấy tên bao giờ, format cũng rất chuẩn cold email template mà bạn chia sẻ trên mạng, với câu hỏi chốt là:
Anh làm mentor của em được không?
Khả năng bạn nghĩ bạn sẽ nói có là bao nhiêu?
Tình huống viễn tưởng trên kia đã xảy ra với mình không biết bao nhiêu lần rồi. Và 100/100 lần, câu trả lời của mình luôn là không. Bởi vì:
Khoảng cách giữa “Level quan hệ của bạn với mình” và “Level của ask” xa nhau quá.
Đây là 2 khái niệm chúng ta cần hiểu trước khi đi tiếp vào bài viết này.
Trong networking, hiểu được 2 khái niệm này, và đánh giá được 2 levels trong từng trường hợp cụ thể là bạn đã nắm được 50% bí kíp rồi.
Khái niệm #1: Level quan hệ
Mình sẽ sử dụng mô hình nổi tiếng của Dunbar để miêu tả các levels quan hệ khác nhau.
Theo Robin Dunbar - nhà nghiên cứu Tâm lý Học thuộc Đại học Oxford, một người trung bình chỉ có thể duy trì tối đa 150 mối quan hệ “ý nghĩa”.
Con số 150 này sẽ được chia thành 4 levels:
Nhóm CHÍ CỐT: 5 người. Đây là 5 người bạn sẽ gọi trong trường hợp sinh tử. Gọi là tới. Nhờ là giúp. Mức tin là 100%
Nhóm BẠN THÂN: 15 người (bao gồm 5 người trên). Với mình, nhóm BẠN THÂN và nhóm CHÍ CỐT không quá khác nhau. Bạn đã dành RẤT NHIỀU thời gian với 2 nhóm này. Mức tin là 95%.
Nhóm BẠN BÈ: 50 người (bao gồm 15 người trên). Họ là những người bạn đã từng làm việc/ sinh sống/ học tập cùng. Không quá thân, nhưng đủ để mời đi đám cưới. Mức tin là 60 - 75%.
Nhóm BẠN XÃ GIAO: 150 người. Đây là tất cả những người mà bạn có ý thức về sự tồn tại của họ, và họ cũng có ý thức về sự tồn tại của bạn. Nếu bạn nghe thấy tên họ được nhắc đến trong 1 cuộc nói chuyện, bạn có thể follow up kiểu “À, biết. X làm Y ở Z”. Mức tin là 30 - 50%.
Bonus “Nhóm BẠN?”: 0 → âm vô cực. Những người bạn không hề biết. Mức tin là 0%.
Tiếp theo 👇
Khái niệm #2: Level của Ask
Theo mình, mọi asks cũng có thể được chia vào 4 levels sau:
SƠ CẤP: ask mất ít hơn 2 phút để hoàn thành. Thường là 1 câu hỏi rất đơn giản đính kèm với 1 cold email ngắn gọn: xin giới thiệu sách/ podcast/ newsletter.
TRUNG CẤP: ask mất từ 3 - 30 phút để hoàn thành. VD: nhờ forward 1 email, giới thiệu người A với người B, cung cấp feedback cho 1 proposal…
CAO CẤP: ask mất từ 30 phút - 2 tiếng để hoàn thành. VD: gặp mặt online hoặc ngoài đời, mời tổ chức 1 workshop, tham gia 1 talkshow…
SIÊU CẤP: ask yêu cầu cam kết lâu dài về thời gian và sức lực. VD: trở thành mentor của 1 người, trở thành cố vấn của 1 dự án, trở thành founding team của 1 công ty…
Khi vẽ được Level Quan hệ và Level Ask trên cùng 1 đồ thị, mình nghĩ bạn có thể hiểu tại sao mình thường nói không với câu hỏi “anh làm mentor em nhé?”
Các bạn mình từ chối đang thực hiện 1 ask ở level siêu cấp, trong khi level quan hệ giữa bạn và mình còn chưa ở mức bạn bè.
Bài học #1: Biết địch biết ta
Bạn đang ở level quan hệ nào, thì hãy hỏi những ask ở level tương ứng (hoặc không cao quá).
1 sai lầm phổ biến các bạn trẻ mắc phải khi networking với 1 người không hề quen biết là các bạn bắt đầu bằng 1 ask lớn quá.
“Anh ơi đọc cho em 15 trang proposal này”, “Anh ơi mentor cho em 100 tiếng miễn phí trọn đời với”, “Anh ơi hiến cho em 3 lít máu”…
Với những ask như này, cold email template do chủ tịch nước viết cũng không cứu được bạn.
Sai lầm này xuất phát từ 1 nỗi sợ dễ hiểu của những người trẻ chưa có nhiều trong tay (aka mình): phải đánh nhanh thắng nhanh, không thì họ sẽ quên mình mất.
Nỗi sợ này khiến bạn trở nên thiếu bình tĩnh với việc xây dựng mối quan hệ.
Bạn muốn đốt cháy giai đoạn trở thành bạn của một người, nhưng lại làm việc đó bằng cách nhờ họ 1 ask quá lớn.
Trong khi cách tiếp cận đúng phải là ngược lại: làm “bạn siêu cấp” trước khi “nhờ việc siêu cấp”.
Bài học #2: Kiên nhẫn
Một mối quan hệ không được xây dựng bằng 1 cold email, hay 1 buổi coffee chat.
Một mối quan hệ bền vững được xây dựng bằng rất nhiều thời gian, công sức, và sự chân thành trong nhiều tháng, năm, thập kỷ.
Hãy bắt đầu bằng 1 cold email với ask nhỏ - xin giới thiệu 1 cuốn sách.
Level up #1: Sau khi bạn hoàn thành cuốn sách đó, chia sẻ cho họ những điều bạn học được và 1 vài câu hỏi bạn vẫn có.
Level up #2: Cố gắng gặp họ ngoài đời. VD: Tham gia 1 sự kiện có họ làm diễn giả, hẹn họ 1 buổi cafe 30 phút nếu họ xuất hiện ở thành phố của bạn hoặc ngược lại,…
Level up #3: Xin ý kiến của họ về cách giải quyết 1 vấn đề rất cụ thể. Tập trung vào cách họ tư duy, chứ không chỉ câu trả lời của họ. Chia sẻ với họ kết quả khi bạn giải quyết vấn đề theo lời khuyên của họ.
Level up #4: Giúp họ NẾU BẠN CÓ THỂ. VD: hỗ trợ họ tìm nhân sự, kết nối họ với 1 người mentor khác của bạn, cho họ insight về 1 thị trường mà họ có thể không quen thuộc với (thị trường Việt Nam cho kết nối quốc tế)…
“NẾU BẠN CÓ THỂ” phải viết hoa vì có những mối quan hệ mà bạn thực sự không có gì để cho họ ngoài tinh thần nghiêm túc với việc học và tiến bộ từ những nguồn lực họ bỏ ra cho bạn (thời gian, tri thức, quan hệ…). Những người ở level này, nếu đang giúp bạn, thì hoàn toàn là vì họ thích giúp người khác, chứ không phải vì họ kỳ vọng bạn sẽ đền ơn họ một cách nào đó.Level up #vô_hạn: liên tục duy trì mối quan hệ này, giống như cách bạn duy trì bất cứ mối quan hệ nào khác trong cuộc sống. Mạng xã hội đã khiến cho việc này trở nên dễ dàng hơn rất nhiều rồi: chúc mừng họ nhân dịp sinh nhật hoặc 1 dịp quan trọng, viết email chia vui với họ về 1 milestone quan trọng trong sự nghiệp của bạn… Những tin nhắn được cá nhân hóa, chứ không phải 1 post thông báo đại trà trên LinkedIn hay Facebook.
Nhắc lại bài học #2, một mối quan hệ không được xây dựng bằng 1 cold email, hay 1 buổi coffee chat.
Một mối quan hệ bền vững được xây dựng bằng rất nhiều thời gian, công sức, và sự chân thành trong nhiều tháng, năm, thập kỷ.
Vì vậy:
Bài học #3: Nhìn xa
Networking thông minh được thực hiện từ rất lâu trước khi bạn CẦN nhờ vả.
Cái khó ở đây là: Ai mà biết được trong 6 tháng, 1 năm, 5 năm nữa bạn sẽ gặp phải vấn đề gì và cần nhờ ai cái gì?
Vậy nên, cách để chuẩn bị tốt nhất, về mặt tài nguyên network (social capital), cho 1 tương lai bạn không tiên đoán được, là liên tục mở rộng, duy trì, và thanh lọc những mối quan hệ xã hội của mình.
Kéo những người cùng chung mục tiêu và giá trị vào gần. Đẩy những người khác mục tiêu và giá trị ra xa (bao xa tùy bạn).
Đừng quá quan tâm đến “quá khứ tươi đẹp” với “bao năm bên nhau”.
Đừng trở thành 1 người mắc kẹt trong những mối quan hệ quá khứ độc hại, kìm hãm sự phát triển của bạn.
Sun Yi từng có 1 Threads viết về networking và tình bạn như này mà mình rất thích:
“Tôi không phân biệt “bạn công việc” với “bạn thật”. Tất cả đều là bạn.
Khi tôi chuyển văn phòng, tôi tìm bạn kinh doanh bất động sản.
Khi tôi cần tư vấn luật, tôi tìm bạn luật sư.
Khi tôi cần trợ giúp với thuế, tôi tìm bạn kế toán.Networking không phải là có 1000 mối quan hệ phông bạt.
Networking là xây dựng những tình bạn thật, với 1 vài người xuất xắc trong lĩnh vực của họ.”
Networking là xây dựng những tình bạn thật. Vậy nên:
Bạn phải kiên nhẫn. Không được đốt cháy giai đoạn.
Ask từ nhỏ đến lớn: Bạn bè mới gặp nhau lần đầu, mượn cái bút trước khi nhờ hiến 3 lít máu. Xin giới thiệu quyển sách trước khi nhờ làm mentor.
Tình bạn nên được xây dựng ĐỦ LÂU trước khi bạn cần sự trợ giúp. Bao lâu thì tùy vào level của ask.
Hãy nhớ là:
Xây dựng mối quan hệ là một trò chơi lâu dài. Khi chơi phải biết địch biết ta, kiên nhẫn, và nhìn xa.
NHƯNG MÀ
Nếu bây giờ tôi có 1 ask LỚN, rất gấp cần nhờ luôn, thì có cách nào để “đốt cháy giai đoạn” không?
Có. Câu trả lời sẽ nằm ở “Networking 103: Tay Trong” - hẹn ra vào tuần sau.
Bài viết thuộc series Networking cho người trẻ :)
Bài viết dựa trên trải nghiệm cá nhân của mình và chắc chắn không tránh khỏi thiếu sót. Rất mong mọi người có thể cùng góp vui thảo luận về chủ đề networking này, chia sẻ những thực hành/tư duy mọi người thấy người trẻ cần khi network 😀
Chia sẻ trong comment. Viết bài và tag mình vào. Cùng học từ nhau nhé 🤘
Hay quá! Bài của Tùng luôn luôn rõ ràng mạch lạc và dễ follow! Big thanks to you.
huhu bài viết này hay quá ạ