Nấu 1 bữa ăn “Việt Nam” cho bạn bè quốc tế là lấy văn hóa nước mình làm “cái cớ” để học về các văn hóa khác.
Hôm qua, mình với Trung dành 2 tiếng để nấu 1 bữa ăn Việt với thịt kho tàu, cánh gà chiên mắm, và bắp cải xào cà chua để tiếp 3 bạn cùng trường từ Ghana, Maroc, và Burkina Faso.
Đánh chén rồi dọn dẹp xong cũng tròn nửa đêm, mình và Trung ngồi ăn sữa chua, và suy ngẫm xem bữa ăn vừa rồi có gì hay, có gì dở. Mục tiêu ban đầu của bọn mình là cho các bạn thấy đồ ăn Việt đỉnh đến mức nào. Và ừ các bạn cũng khen đấy, nhưng mình cảm thấy có 1 thành tựu lớn hơn mà bọn mình đạt được - đó là việc được học và hiểu thêm rất nhiều về văn hóa của các bạn.
Cuối cùng mình cũng hiểu đồ Halal trong văn hóa Hồi giáo được nấu như thế nào, hóa ra ở Châu Phi cũng có vùng ăn thịt chó, nhạc Rap thế hệ mới ở Burkina khác gì thế hệ cũ, chuyện gì xảy ra giữa Maroc và Western Sahara, chế độ thuộc địa (colony) và chế độ bảo hộ (protectorate) khác gì nhau…
Mình và Trung mời mọi người đến để “truyền bá” văn hóa Việt Nam qua đồ ăn, nhưng lại học được quá nhiều từ những câu chuyện của các bạn. Những câu chuyện mà ẩn sâu trong đó là ảnh hưởng của văn hóa, xã hội, thể chế mà các bạn lớn lên cùng.
Miếng ăn là đầu câu chuyện, chứ không phải cả câu chuyện.
Là du học sinh, đừng bị áp lực là bạn phải “đại diện Việt Nam” để “truyền bá văn hóa”, hay “trưng bày cái đẹp” của nước mình. Hãy cứ tự hào với văn hóa của mình. Hãy cứ chia sẻ khi phù hợp.
Nhưng hãy nhớ là là: bạn không đi du học CHỈ để truyền bá văn hóa của mình, bạn cũng đi du học để lĩnh hội văn hóa của thế giới.
Hãy du học với tâm thế “học” nhiều hơn là “thể hiện”.