Chú Gấu là một người bạn cấp 3 của dì tôi mà tôi may mắn được gặp ở Washington, D.C. 3 năm trước trong một quán Nhật trên đường ai-mà-nhớ-được. Ở bữa ăn đó, trong sự trầm trồ của tôi, chú kể về chuyện làm phiên dịch của Lãnh sự quán Mỹ tại Việt Nam năm 19 tuổi, chuyện bị đuổi học ở Princeton lần đầu tiên, chuyện phiên dịch cho Obama trong chuyến thăm Hà Nội năm 2016 và hằng hà sa số những câu chuyện ly kỳ khác. Tôi mắt chữ A mồm chữ O, không thể tin được là cuộc đời của một con người có thể thú vị đến vậy, khao khát sau này 40 tuổi, mình cũng phải ngầu như thế.
Gặp lại chú Gấu sau 3 năm, tôi nghĩ sự trưởng thành của tôi thể hiện ở việc tôi không còn bị vòng hào quang của một người có tầm ảnh hưởng làm mờ mắt. Tôi không tin sái cổ những gì chú nói, không gật đầu lia lịa rồi cười ngoại giao. Tôi sẵn sàng phản biện chú trong những luận điểm tôi chưa tin và đặt câu hỏi để làm rõ những điều tôi không biết.
Chú, một người đề cao tư duy phản biện, cũng rất hoan nghênh những câu hỏi và luận điểm của tôi, chứ không coi đó là một hành vi bất kính.
Tôi nghĩ ở việt nam, chúng ta có xu hướng nghiêng mình kính nể những bậc lão thành và nhíu mày đánh giá những người trẻ. Nền giáo dục đặt giáo viên là trung tâm len lỏi sang cách chúng ta tổ chức những hội thảo, talkshow nơi người diễn giả được đặt vào tâm điểm, điểm tín tự nhiên tăng gấp đôi mặc dù thực ra những thứ họ làm cũng chẳng có gì đáng trầm trồ (như tôi haha).
Người nghe, nếu chưa thấm tư duy phản biện hay chưa được dạy phản biện như thế nào, đứng trước nguy cơ bị tẩy não vô cùng cao. Họ sẽ nghĩ vì thằng này thành công, thằng này giàu, thằng này nói hay nên kiểu gì những điều nó nói cũng đúng.
Nhưng đúng với ai và đúng vào thời cuộc nào thì ta lại không biết.
Background của ông là gì? Gia đình nuôi dạy ông như thế nào? Xã hội vào thời điểm ông thành công có những yếu tố thời cuộc quan trọng và không thể lặp lại nào? Tất cả những yếu tố làm nên ông của ngày hôm nay, liệu có được thảo luận hết trong 30 phút ngắn ngủi không? Đúng với ông thì có đúng với tôi không? Chúng ta không biết.
Không biết, trong hệ thống giáo dục của chúng ta đương thời, lại đi đôi với không hỏi. Không hỏi thì cứ tiếp tục không biết. Một vòng tròn luẩn quẩn.
Để thoát được vòng tròn này, tôi nghĩ các bạn nên lắng nghe với một đôi tai rộng mở và suy nghĩ bằng một cái đầu hoài nghi. Chẳng có ai là đáng tin 100% cả nhưng không phải vì thế mà ta không lắng nghe ai.
Trên đường đưa tôi về, chú Gấu vẫn khuyên tôi y như 3 năm trước. Đại ý là không có gì mình làm được bây giờ mà năm 40 tuổi mình không làm được, nên đừng tập trung gặt quả quá sớm mà quên mất việc bồi dưỡng cái gốc. Chú vẫn bảo tôi học Tiến sĩ, để xây cái rễ thật sâu và rộng, sâu trong tài nguyên kiến thức, còn rộng trong tài nguyên xã hội. Tôi nghĩ bụng sẽ tiếp tục kiên trì học hỏi và phát triển bản thân như 50% lời khuyên của chú, còn Tiến sĩ hay không thì hồi sau sẽ rõ 😂
Chúng tôi trao nhau một cái bắt tay thật chặt, và hẹn mùa hè sẽ gặp lại ở Việt Nam. Nhìn theo chiếc xe của chú lăn bánh trên con đường đầy nắng ở Georgetown, tôi cảm thấy tự tin và khiêm tốn hơn nhiều so với 3 năm trước. Giống như Clayton Christensen từng viết, bạn chỉ có thể khiêm tốn khi bạn đã tự tin vào vị trí của mình.
Waitlist for our “Writing on the Net” course: https://bit.ly/Wait-List-Writing-on-the-Net
hay qua Tung oi, dong y la cang lon se hoc duoc cach khong 'than tuong hoa' nhung nguoi di truoc nua :)
Anh ơi cho em xin câu gốc tiếng Anh của Clayton Christensen được không?