Ma trận “Kỳ vọng và Kết quả” này khá dễ hiểu:
Góc phần tư thứ nhất: Kỳ vọng cao x Kết quả tốt = “Ngon!”
Đặt mục tiêu thi đỗ Chuyên Ngữ, bạn đỗ. Đặt mục tiêu đậu học bổng, bạn đậu.
Những người ở đây có 1 sự tự tin nhất định vào khả năng đạt được mục tiêu của mình. Sự tự tin đó có thể đến từ:
nhận định dựa trên trải nghiệm thực chiến hoặc dữ liệu thực tế: “mình đá với đội này 10 lần thắng 9 rồi, chả có lý do gì lần này không thắng cả”
các kiểu thiên kiến (bias), ví dụ như thiên kiến kẻ sống sót: thấy những người xung quanh làm được, mà không thấy những ca thất bại, nên nghĩ mình cũng làm được
hoặc hội chứng “con hát mẹ khen hay”: khi người thân, bạn bè “overhype” khả năng của họ quá, khiến cho chính họ bị ảo tưởng sức mạnh
Họ đạt được kết quả nhờ thực lực hay may mắn thì chúng ta không biết. Như mình khi thi đỗ Chuyên Ngữ 9 năm trước cũng sát nút 35.75 được làm tròn lên 36 - vừa đủ điểm chuẩn. Chắc là vừa có tí khả năng vừa may mắn.
Điều quan trọng ở đây là Kỳ vọng = Kết quả.
Góc phần tư thứ hai: Kỳ vọng thấp x Kết quả tốt = “Ơ, ngonnnn!”
Tin chắc mình sẽ trượt chuyên, bạn đỗ. Đặt mục tiêu đi thi để cọ sát, bạn giật giải ba.
Đây có lẽ là góc phần tư đẹp nhất để hạ cánh.
Cái “sướng” nhất ở đây không phải là 1 kết quả tốt, mà chính là sự bất ngờ khi kết quả vượt xa kỳ vọng của bản thân.
Kỳ vọng gặp Kết quả ngoài đời sau 1 thời gian nhắn tin trên mạng, và chao ôi, Kết quả đẹp quá, vui quá, thơm quá… Mê quá.
Ông A đi thi không kỳ vọng mà được giải ba có khi còn vui hơn ông B kỳ vọng vô địch mà chỉ xếp thứ hai. Ông B đang ngồi ở góc phần tư thứ tư mà chúng ta sẽ thảo luận ở phía sau. Trước đó…
Góc phần tư thứ ba: Kỳ vọng thấp x Kết quả tệ = “Biết mà”
Tin chắc mình sẽ trượt chuyên, bạn trượt. Tin chắc mình sẽ bị loại ở vòng bảng, bạn bị loại ở vòng bảng.
Mình gọi đây là góc phần tư “Biết mà”. Những người ở đây hoặc rất thực tế với kỳ vọng và mục tiêu họ đặt ra cho bản thân, hoặc rất tiêu cực và đã “chấp nhận số phận” của mình - “tôi sẽ không bao giờ làm được cái gì hết”.
“Biết mà” là một góc phần tư khá nguy hiểm nếu bạn mắc kẹt ở đây lâu dài.
Việc thất bại nhiều và thường xuyên có thể khiến 1 người dần tin rằng “mình là 1 kẻ thất bại”. Từ đó, họ có thiên hướng hạ rất thấp kỳ vọng của mình để bảo vệ cái tôi đã quá tổn thương.
Họ tin rằng “Không kỳ vọng, thì không thất vọng.”
Tuy nhiên, nếu bạn không có kỳ vọng, bạn sẽ chấp nhận và chịu đựng tất cả mọi thứ xảy đến với mình - 1 mối quan hệ độc hại, 1 người đồng nghiệp vô trách nhiệm, 1 văn hóa làm việc tồi tệ…
Mình tin rằng, có nhiều khía cạnh trong cuộc sống và tương tác giữa người với người, mà chúng ta cần duy trì những tiêu chuẩn và kỳ vọng rất cao cho bản thân mình cũng như những người liên quan.
Chỉ khi tồn tại những tiêu chuẩn và kỳ vọng cao, bạn mới nỗ lực để duy trì và bảo vệ những kết quả tốt.
Cũng là Kỳ vọng = Kết quả, nhưng mình sẽ luôn chọn ngồi ở góc phần tư thứ nhất thay vì góc phần tư này. Hoặc trong trường hợp tệ nhất, với Kỳ vọng cao, mình sẵn sàng chấp nhận khả năng rơi vào:
Góc phần tư thứ tư: Kỳ vọng Cao x Kết quả Tệ = Đau
Tự tin mình sẽ đỗ Chuyên, bạn trượt. Tự tin sẽ đậu được học bổng, bạn tạch.
Với nhiều người, đây có thể là nơi tệ nhất.
Ở đây, cái tôi và sự tự tin của bạn sẽ bị đánh cho bầm dập.
Mình đã từng ở trong góc phần tư này 2 lần. Lần đầu tiên là khi trượt quỹ khởi nghiệp năm đầu đại học, và lần thứ hai là khi bị loại từ vòng thứ hai 1 học bổng sau đại học vào năm ngoái.
Cả 2 lần đều là những cú tát lớn vào sự tự tin của mình. Mình cũng buồn và thất vọng trong khoảng 1, 2 tuần. Nhưng bù lại, 2 cú ngã đó cũng đã dạy mình rất nhiều bài học quan trọng về cuộc sống mà mình đã chia sẻ trên blog này (và sẽ để links ở comment).
Nghiêng về phía Kỳ vọng Cao
Nhìn vào cái ma trận này, nếu bạn muốn “an toàn”, hãy chọn Kỳ vọng Thấp. Nhưng nếu bạn muốn “phát triển”, hãy “Nghiêng về phía Kỳ vọng Cao”.
“Nghiêng về phía Kỳ vọng Cao” không có nghĩa là lúc nào cũng tự tin mình sẽ đạt được tất cả những mục tiêu mình đặt ra. “Nghiêng về phía Kỳ vọng Cao” có nghĩa là biết lượng sức mình và sẵn sàng đặt những mục tiêu hơi “rướn” một tí, kể cả khi kết quả tệ có thể xảy ra.
Với những việc bạn thực sự quan tâm và tự tin, khó có thể tránh khỏi việc bạn có kỳ vọng cao hơn bình thường.
Khi tỏ tình, ai chẳng mong là người kia nói có. Apply 1 học bổng, ai chẳng mong mình được chọn. Chẳng ai đi viết 100 bài luận CHỈ để “hiểu bản thân hơn” hay “cọ sát cả”.
Điểm mấu chốt ở đây là, khi vấp ngã, bạn xử lý tốt.
Cứ đau, cứ buồn, cứ tiếc. Nhưng phải đứng dậy, phủi gối, và nỗ lực tiếp. Thử lại 1 lần nữa, và 1 lần nữa, và 1 lần nữa.
Nếu đó là 1 mục tiêu thực sự quan trọng, thì việc thất bại vài lần trên đường đến đích là điều quá bình thường.
4 năm sau thất bại xin quỹ đầu tiên, mình là người phát biểu cuối cùng trong buổi nghiệm thu của những sinh viên nhận quỹ mùa đông năm 2022. Trước hơn 50 người tham dự buổi lễ hôm đó, mình kể về thất bại 4 năm trước, chia sẻ về những bài học mình đã nhận được, và cảm ơn Phòng Khởi Nghiệp đã cho mình cơ hội thứ 2.
Trong thâm tâm, mình cảm ơn chính mình vì đã cho bản thân cơ hội thứ 2, và không từ bỏ chỉ vì 1 thất bại. Dù thất bại đó có “Đau” đến mức nào đi nữa, “Ngon” ở ngay phía bên kia trục X mà.
Dám chịu ĐAU. Cố thêm mấy lần nữa.
Tóm lại là:
Không kỳ vọng có thể là lựa chọn “an toàn”, nhưng chắc chắn không phải là lựa chọn để “phát triển”.
Muốn phát triển, hãy nghiêng về phía kỳ vọng cao - biết lượng sức mình, và sẵn sàng đặt những mục tiêu “rướn” một tí, kể cả khi kết quả tệ có thể xảy ra.
Đừng từ bỏ ngay sau thất bại đầu tiên!
—
Bài viết này thuộc thử thách viết 7 ngày của hội cựu học sinh Writing On The Net #wotnalumni
Bạn có thể subscribe Newsletter của mình để không lỡ mất ngày nào:
Hay hơn, bạn có thể đăng ký waitlist của khóa học WOTN #4 để viết 30 ngày cùng bọn mình trong tháng 10 ở đây: https://bit.ly/wotn4-waitlist
Tin mình đi, viết cùng cộng đồng vui hơn viết 1 mình nhiều lắm :D
- Thất bại năm 2018: https://www.facebook.com/AkwaabaTung/photos/a.130387294975954/155419695806047/
- Thất bại năm 2022: https://akwaabatung.substack.com/p/day-15-zoom-out