100% gia đình Dholakia và có lẽ là 99% người ở bang Gujarat (Ấn Độ) đang hoặc sẽ ở trong những cuộc hôn nhân sắp đặt - “ông bà bố mẹ đặt đâu, con ngồi đấy”.
(Cho những bạn chưa biết, gia đình Dholakia sở hữu tập đoàn sản xuất kim cương lớn thứ 2 thế giới - SRK Exports. Bài viết này thuộc series tôi kể về chuyện đi đám cưới bạn của mình - cháu trai sẽ thừa kế tập đoàn này - ở Ấn Độ)
Với nhà Dholakia, khi đến tuổi cưới xin (con gái là 22-23, con trai là 24-25), đội thám tử của gia đình sẽ chuẩn bị khoảng 10 hồ sơ của các “đối tượng tiềm năng” và bày ra trước mặt bạn. Mỗi bộ hồ sơ có độ dày khoảng 50 trang, bao gồm tất cả các thông tin bạn có thể tưởng tượng được từ giáo dục, sức khỏe, sở thích, công việc, và quan trọng nhất là gia tộc.
🤝 Đúng, gia tộc, không phải gia đình.
Nhà Dholakia nhìn mọi cuộc hôn nhân như 1 sợi dây kết nối 2 gia tộc. Đối với họ (và rất nhiều gia đình khác ở Gujarat), GIA ĐÌNH LÀ MÃI MÃI. Vì vậy, khi liên kết giữa 2 đối tác kinh doanh được củng cố bằng 1 hoặc nhiều cuộc hôn nhân, sự liên kết đó trở nên không thể phá hủy được. Sẽ không bao giờ có sự phản bội hoặc đâm sau lưng.
Vậy nên, những bộ hồ sơ được đưa lên bàn cân đều đến từ những gia tộc có rất nhiều tiền và chữ tín ở Gujarat.
🚫 Quyền nói không
Sau khi đọc cẩn thận cả 10 bộ hồ sơ, bạn sẽ được chọn các “đối tượng” mình muốn hẹn hò thử. Buổi hẹn sẽ luôn diễn ra ở nhà người con trai. Thông thường, bạn sẽ có tối đa 3 buổi hẹn để đưa ra quyết định quan trọng. Và bạn luôn có quyền nói không và trở lại vòng hồ sơ.
Tuy nhiên, từ những gì mình dò hỏi được, “quyền nói không” này không phụ thuộc vào nam hay nữ, mà vào gia đình nào có nhiều tiền hơn. Ở Gujarat, mọi gia đình đều muốn 1 cuộc hôn nhân với nhà Dholakia (vì mục đích kinh doanh lâu dài). Vậy nên, ông Govind rất thoải mái với việc con cháu mình nói không.
Nhưng nếu bạn đến từ 1 gia đình có ít tiền hơn, kể cả bạn không thích đối phương nhưng bố mẹ của bạn thích tiền của gia đình người ta, thì khả năng rất cao là quan điểm của bạn cũng không quan trọng.
Câu trả lời cho 2 câu hỏi tiếp theo được trích lại từ lời của Kevya - em họ của Dhruval trong cuộc nói chuyện với mình.
❓ Thế nhỡ bạn rất yêu 1 người nhưng bố mẹ họ đã thu xếp 1 cuộc hôn nhân cho họ rồi thì sao?
“Chuyện đấy có xảy ra chứ. Bạn làm sao kiểm soát được cảm xúc của mình. Nhưng, vì trong văn hóa của bọn mình, gia đình luôn là số 1, nên nếu bạn thực sự yêu 1 người, bạn sẽ không bao giờ bắt họ phải chọn giữa gia đình của họ và bạn. Bạn phải tôn trọng quyết định của gia đình anh ấy.”
❓ Nếu bạn đang trong độ tuổi cưới xin và có người yêu, thì bạn có được đề đạt việc cưới người yêu với gia đình không?
Có. Và đội thám tử của gia đình cũng sẽ background check người yêu bạn, tạo ra 1 bộ hồ sơ, rồi nộp lên cho ông duyệt. Nếu ông đồng ý, thì quá trình hỏi cưới và tìm hiểu sẽ được xúc tiến.
Nhưng việc này ít khi xảy ra lắm, vì bọn mình hiểu từ khi sinh ra trong gia đình này là hôn nhân chỉ có 10% tình yêu thôi, 90% là lý trí. Nên bọn mình cũng không chủ động hẹn hò lắm.
Hôn nhân chỉ có 10% tình yêu thôi, 90% là lý trí.
Hôn nhân, đối với gia đình Dholakia, là 1 game đường dài. Và để chơi game này, thì bạn cần đưa ra những quyết định với sự tính toán dài hơi, chứ không phải 1 ngày hứng lên là chơi.
Không có chuyện “yêu là cưới” nữa.
Nhưng cách tiếp cận này thì khác gì cách tiếp cận của các cặp đôi hiện đại: Hẹn hò → Yêu → Sống thử → Hợp thì cưới, không hợp thì thôi?
Sự khác nhau là, nhà Dholakia gạt bỏ (hoặc hạn chế tối đa) tầm ảnh hưởng của tình cảm trong việc đưa ra quyết định hôn nhân.
Đối với họ, hôn nhân, là LỰA CHỌN BẠN ĐỜI 1 CÁCH LÝ TRÍ, rồi dần dần HỌC CÁCH YÊU THƯƠNG người ta, với mục tiêu tối thượng là XÂY DỰNG TỔ ẤM cùng nhau.
🌟 Lẽ sống
Viktor Frankl, nhà tâm thần học người Áo nổi tiếng, từng viết là
Those who have a ‘why’ to live can bear with almost any ‘how’.
Tôi từng dịch lại câu trên trong 1 bài blog, với đại ý là: Nếu lý tưởng (Why) của bạn đủ lớn, thì làm gì và làm như thế nào (How và What), bạn cũng sẽ làm được thôi.
Tôi nghĩ là, những người trong nhà Dholakia đều áp dụng tư tưởng này vào cuộc sống nói chung, và cách họ tiếp cận hôn nhân nói riêng. Lẽ sống của họ là gia đình, nên họ sẵn sàng làm mọi thứ vì gia đình, kể cả khi việc đó có nghĩa là hy sinh sự tự do chọn lựa bạn đời của mình.
Tôi là ai mà có quyền đánh giá lẽ sống của người khác?
👣 Đi để hiểu
Tôi từng có 1 cái nhìn khá tiêu cực về hôn nhân sắp đặt. “Thật lạc hậu và dở hơi. Tại sao bố mẹ lại được quyết định người mà tôi sẽ dành cả đời của mình cùng chứ?”
Trải nghiệm này cho tôi nhìn hôn nhân sắp đặt dưới 1 góc nhìn rất khác. Tôi được hiểu những giá trị đằng sau phong tục này hơn, và được lắng nghe quan điểm của những người trẻ Ấn Độ về nó.
Chuyến đi này nhắc nhở tôi về món quà lớn nhất khi đi du lịch - cơ hội được mở rộng thế giới quan của mình, được nhìn những chủ đề cũ dưới 1 góc nhìn mới.
Thế giới của mình nhỏ bé lắm. Không bao giờ được ngồi ở thế giới của mình và đánh giá thế giới của người khác.
💭 Góc thảo luận
Hôn nhân = 10% tình cảm + 90% lý trí.
Bạn nghĩ sao về tỉ lệ và cách tiếp cận này? Với bạn, tỉ lệ như thế nào là hợp lý?
Theo bạn, mục đích của hôn nhân là gì? Thế nào là 1 cuộc hôn nhân “thành công”?
Cùng thảo luận ở comment nhé 👇
—
“Ấn Độ 2023 - Cửa sổ Cơ hội” là series tôi kể lại chuyến đi Ấn Độ 9 ngày của mình với các bài học về Đưa ra Quyết định, Văn hóa Hôn nhân và Gia đình ở Ấn Độ, Giáo dục, và có lẽ là 1 vài chủ đề nữa.
Series sẽ được publish dần dần trên Facebook Akwaaba, Tùng và Substack, hy vọng là trong tháng 12 trả hết bài cho các bạn.
Mong bà con đón đọc!
—
Lớp viết của mình - Writing On The Net #5 đang giảm 25% học cho mùa cuối năm, và 30% cho học sinh - sinh viên đăng ký trước 31/12/2023 😳
Viết đủ 25/30 bài còn nhận thưởng 1 triệu nữa u là trời 🤯
Khẩn trương ra Tết là blogger luôn nhé ⌛
wow một góc nhìn khá hay ạ 💚
Mình nghĩ tính cách sẽ ảnh hưởng khá nhiều đến sự lựa chọn tình yêu hay bạn đời, nếu thuộc kiểu người cố chấp và thích sự tự do thì họ sẽ thấy việc đưa ra quyết định kết hôn đã khó và kết hôn với người mà chưa có tình cảm ngay ban đầu thì khá mệt mỏi nhưng đổi lại là sự an toàn nếu quyết định kết hôn này dựa trên gia đình, và mình tin khi ở người mà không có vấn đề về sự đạo đức thì sẽ dần xây dựng được tình yêu với đối phương thôi ạ.