[Ấn Độ 2023] Phần 2: Chiếc thìa kim cương
I wasn’t born with a silver spoon in my mouth. I was born with a diamond one.
“Sinh ra với 1 chiếc thìa bạc trong miệng” (To be born with a silver spoon in one’s mouth) là 1 thành ngữ trong tiếng Anh, chỉ những người được “sinh ra trong nhung lụa”.
I wasn’t born with a silver spoon in my mouth. I was born with a diamond one.
Tôi không được sinh ra với 1 chiếc thìa bạc trong miệng. Tôi được sinh ra với 1 chiếc thìa bằng kim cương.
Ý của câu nói này là “Tôi không giàu. Tôi giàu VCĐ.”
Lời mở đầu cho bài “TED talk” cuối khóa của Dhruval khiến cả lớp Public Speaking của tôi trên Semester At Sea bất ngờ.
Không có bài nói đó, tôi sẽ không tài nào đoán được Dhruval là cháu trai của người sáng lập SRK Exports - tập đoàn sản xuất kim cương lớn thứ 2 thế giới, với khối lượng tài sản gấp khoảng 3, 4 lần Phạm Nhật Vượng.
Ấn tượng của tôi về Dhruval là 1 người thông minh nhưng rất kín tiếng. Cậu luôn ngồi ở hàng ghế cuối lớp, rạng rỡ cười và gật đầu động viên các bạn đang nói trên sân khấu. Trên người Dhruval không có 1 viên đá quý nào.
Việc cậu tốt nghiệp King’s College và đang ngồi trên Semester At Sea cũng cho tôi biết cậu đến từ 1 gia đình có điều kiện. Nhưng tôi (và rất nhiều bạn trong lớp) không thể ngờ được gia đình cậu có nhiều “điều kiện” đến mức đấy =)
Trong bài TED talk 6 phút đó, Dhruval dành 30 giây đầu tiên để giải thích hoàn cảnh gia đình của mình. Thời gian còn lại, Dhruval kể cho chúng tôi về 1 truyền thống gia đình - về cách những người con trai trong gia đình Dholakia được dạy về tiền và cách đối nhân xử thế.
Truyền thống đó diễn ra như sau:
Tưởng tượng bạn là con trai của gia đình Dholakia trong độ tuổi từ 18 - 19
Bạn sẽ nhận được 1 thông báo trước 2 ngày về 1 thử thách sinh tồn kéo dài 30 ngày.
2 ngày sau, bạn sẽ được đưa đến 1 vùng quê ở Ấn Độ trên 1 chuyến tàu dài 20 giờ đồng hồ.
Trước chuyến đi, bạn nhận được 5,000 rupees (khoảng 1 triệu 400 ngàn), 1 bộ resume giả (không ai được biết danh tính thật của bạn), và 1 chiếc điện thoại vệ tinh để gọi trong trường hợp nguy hiểm tính mạng.
Trong 30 ngày tiếp theo, bạn sẽ phải tự tìm chỗ ở trọ, tự đi làm kiếm tiền để lo mọi chi phí và PHẢI nhảy việc mới sau mỗi 7 ngày (vì ông của bạn tin rằng bạn sẽ trở nên thoải mái với công việc nếu bạn làm nó từ 7 ngày trở lên).
Từ chế độ ăn 5 bữa/ngày, bạn sẽ ăn 1 bữa/ngày trong khi làm việc 12-16 tiếng. Từ lái siêu xe và bay chuyên cơ, bạn sẽ đi xe buýt và đi nhờ xe thồ. Từ có người phục vụ đến tận răng, bạn sẽ đi phục vụ người khác và có thể bị mắng chửi không thương tiếc.
Kết thúc 30 ngày, bạn sẽ được người của tập đoàn đón và đi cảm ơn tất cả những đồng nghiệp, những người đã cho bạn 1 cơ hội trong 30 ngày.
Sau khi làm vậy, bạn sẽ được đưa về khu dinh thự của gia đình ở Surat, nơi bố mẹ và khoảng 200 anh chị em họ hàng đang tụ họp cho buổi chia sẻ của bạn về những điều đã xảy ra và những bài học bạn thu hoạch được sau 30 ngày.
Dhruval nói với bọn mình là truyền thống này được thiết kế với 2 mục đích:
Mục đích đầu tiên là dạy các con biết trân trọng sức lao động và giá trị của đồng tiền.
Mục đích thứ hai, quan trọng hơn, là dạy các con biết tôn trọng người khác, bất kể địa vị của họ trong xã hội. Không phải vì chúng ta có tiền, nên chúng ta được quyền lộng hành và không coi người khác ra gì.
Tiền có thể “mua” được sự tôn trọng nhất thời, nhưng sự tôn trọng đến từ tiền cũng sẽ đi theo tiền. Sự tôn trọng trường tồn đến từ cách chúng ta đối xử với người khác, bất kể ta và họ ở đâu trên mức thang địa vị.
Tôi cũng chỉ biết đứng dậy vỗ tay cùng cả lớp khi bài nói kết thúc.
Phần còn lại của hải trình Semester At Sea, tôi có 2 dịp được ngồi nói chuyện 1-1 với Dhruval về gia đình và cách giáo dục của ông cậu.
Dhruval kể thêm cho tôi về truyền thống ở xa bố mẹ, về chương trình “Management Trainee” cho các thành viên trong gia đình, về các dự án từ thiện với quy mô hàng trăm ngàn người ông cậu triển khai hằng năm, và về cuộc hôn nhân sẽ được sắp đặt của cậu.
Ở nhà hàng chay gần cảng Puntarenas (Costa Rica), tôi đùa với Dhruval là “Bao giờ cưới nhớ mời tao nhé 🤣”.
“Tao hứa luôn.” - Dhruval trả lời
Và 4 năm sau, Dhruval giữ lời. 1 chiếc thiệp cưới dài 7 trang, với 6 sự kiện, và dress code cho từng sự kiện được gửi cho tôi qua Instagram.
Trước khi đến Ấn Độ, tôi không hình dung được gia đình Dhruval giàu có tới mức nào. Nhưng thật lòng thì tôi cũng không quan tâm lắm, sự tôn trọng tôi dành cho Dhruval đã đến từ 4 năm trước rồi, qua cách cậu tương tác với tôi và tất cả mọi người trên tàu, từ nhân viên phục vụ đến thuyền trưởng - với 1 sự tôn trọng và tinh thần hiếu học hiếm có.
Mỗi lần nói chuyện trong nhóm nhỏ hay 1-1, Dhruval luôn là người chủ động đặt câu hỏi về quan điểm và trải nghiệm của mọi người. Tôi luôn ước mình có đôi mắt long lanh của Dhruval khi lắng nghe câu chuyện của người khác.
1 người đến từ nền tảng gia đình như vậy, với những trải nghiệm có 1 không 2, nhưng luôn sẵn sàng thừa nhận thiếu sót của mình, và lắng nghe ý kiến của tất cả mọi người - là 1 người tôi rất tôn trọng.
Đúng như Dhruval nói,
Sự tôn trọng trường tồn không đến từ tiền. Sự tôn trọng trường tồn đến từ cách chúng ta đối xử với người khác, bất kể ta và họ ở đâu trên mức thang địa vị.
9 ngày ở Ấn Độ, được gặp gỡ và tiếp xúc với nhiều người thân của Dhruval, và những anh chị em họ trong gia đình Dholakia, không 1 giây nào tôi cảm thấy bị thiếu tôn trọng.
Giữa hơn 3,000 khách quý, bao gồm những người bạn lâu năm của gia đình, những đối tác kinh doanh từ khắp nơi trên thế giới, những chính trị gia quan trọng của Ấn Độ, họ vẫn luôn quan tâm xem tôi cảm thấy như nào, có vui không, có hợp đồ ăn không, có cần hỗ trợ gì không.
Anh chị em họ của Dhruval là những người trẻ trạc tuổi tôi, được đào tạo ở những ngôi trường tốt nhất thế giới, và chuẩn bị thừa kế những đế chế tỉ đô. Và không 1 ai trong số những con người mang trên mình hàng chục carat kim cương đó khiến tôi cảm thấy như 1 “người hèn kém hơn”.
Hóa ra, Dhruval không phải là 1 ngoại lệ - 1 cậu bé ngoan hiếm có của 1 gia đình tỉ phú. Tất cả những người trẻ tôi được tiếp xúc trong gia đình Dholakia đều ứng xử như vậy - tràn đầy sự tôn trọng và tinh thần hiếu học.
Đó là lúc tôi thực sự hiểu được tầm quan trọng của giáo dục và văn hóa gia đình.
Cái gốc của nhà Dholakia quá chắc. Vậy nên, tiền không làm những giá trị cốt lõi của họ lung lay được. Những giá trị như “Gia đình là số 1”, “Lòng biết ơn”, “Tôn trọng mọi người”, “Không ngừng học hỏi” được thể hiện trong mọi tương tác tôi được tham gia vào.
Sau chuyến đi này, tôi không chỉ tôn trọng Dhruval nữa, tôi tôn trọng gia đình Dholakia.
—
“Ấn Độ 2023 - Cửa sổ Cơ hội” là series tôi kể lại chuyến đi Ấn Độ 9 ngày của mình với các bài học về Đưa ra Quyết định, Văn hóa Hôn nhân và Gia đình ở Ấn Độ, Giáo dục, và có lẽ là 1 vài chủ đề nữa.
Series sẽ được publish dần dần trên Facebook Akwaaba, Tùng và Substack, hy vọng là trong tháng 12 trả hết bài cho các bạn.
Mong bà con đón đọc =)
—
Không phải ai muốn học cách đối xử tử tế với người khác cũng cần thực hiện thử thách sinh tồn 30 ngày của gia đình Dholakia.
Nhưng tôi tin rằng ai muốn bắt đầu blogging hoặc level up blogging game của mình cũng nên tham gia thử thách viết 30 ngày cùng khóa học Writing On The Net của tôi 🫰
Lớp còn đúng 2 suất giảm 30% cuối cùng (chắc chắn sẽ hết trong đêm nay), nên xin mời các bạn nhanh tay đăng ký để nhận code nhé :D
Hấp dẫn quá, hóng tiếp phần sauuu
Hay và thật nhiều ý nghĩa, cảm ơn Bạn