[Ấn Độ 2023] Phần 1: Mất hơn 20 triệu
Tôi đứng thẫn thờ ở quầy vé Vietjet, chấp nhận sự thật rằng vé máy bay đến Ấn Độ của mình sẽ bị hủy.
Tôi đứng thẫn thờ ở quầy vé Vietjet, chấp nhận sự thật rằng vé máy bay đến Ấn Độ của mình sẽ bị hủy.
Hơn 1 tháng trước, khi nhận lời mời tham gia đám cưới của Dhruval (gọi tắt là Đờ-ruv), tôi đã phải đắn đo rất nhiều trước khi đặt vé máy bay. Lý do đơn giản thôi: tôi tiếc tiền.
Chỉ chi phí đi lại với visa sẽ rơi vào khoảng 10 triệu, ăn ở tôi sẽ không phải lo. Nhưng cái đám cưới này của bạn tôi hơi đặc biệt - Dhruval là người sáng nhất để thừa kế tập đoàn SRK (tập đoàn sản xuất kim cương lớn thứ 2 thế giới).
(Câu chuyện về Dhruval và những gì tôi học được từ gia đình Dholakia sẽ để dành cho 1 blog khác trong series này.)
Điều này có nghĩa là đây sẽ không chỉ là 1 đám cưới Ấn Độ bình thường với 4 bộ đồ truyền thống cho 4 buổi lễ quan trọng (Kurta cho Lễ Đính Hôn, Indo-Western cho Sangeet Utsav - Lễ Quẩy, Sherwani cho Lễ Cưới, và Bandhgala cho Tiệc Đón Khách). Đây sẽ là đám cưới lồng lộn nhất bang Gujarat, và chắc chắn là 1 trong những đám cưới to nhất Ấn Độ trong năm 2023.
Và tôi không có tiền để mua 4 bộ đồ ở level đó 😂
Đấy, nói chung là tiếc tiền.
Thế là tôi nghĩ ra đủ các lý do để nói với các bạn cùng đoàn:
“Tao muốn đi vào dịp mà nó đi chơi được với mình, chứ đến đám cưới vài ngàn người nhưng mình đâu quen ai đâu.”
“Chuyến này đi gấp quá. Ấn Độ phải chơi 1 tháng mới đã.”
“Cuối năm hơi nhiều việc. Để sắp xếp dịp khác nhỉ.”
Papang (cô bạn thân người Thái của tôi) bình tĩnh nghe hết những lý do của tôi và nói 1 câu chốt hạ:
Ừ, tớ thấy lý do của cậu hợp lý đấy. Tớ sẽ đi vì Ấn Độ thì lúc nào chẳng đi được, nhưng sẽ có bao nhiêu lần trong đời cậu được đi 1 đám cưới Ấn Độ, và đặc biệt là 1 đám cưới Ấn Độ với tầm cỡ như này nữa.
Tôi đặt vé đi Mumbai ngay đêm hôm đó sau khi nói chuyện với Papang, chuẩn bị làm visa, và thu xếp công việc. 8 triệu rưởi đã bay.
“Sẽ có bao nhiêu lần trong đời bạn được làm X nữa?”
—
Trở lại quầy vé Vietjet ở Tân Sơn Nhất ngày 28 tháng 11. 5 giờ 15 phút chiều.
Vietjet báo rằng Agoda đã đặt vé và viết sai hoàn toàn tên tôi, và họ không thể sửa vé cho tôi được. Đồng nghĩa với việc tấm vé khứ hồi tôi mua 1 tháng trước đã chính thức được vứt vào sọt rác.
Tôi đứng trước 2 sự lựa chọn:
là “theo lao” - mua vé ngay tại quầy với tổng thiệt hại 13 triệu, sang Ấn mua quần áo đi tiệc tiếp.
là “cắt lỗ” - bắt xe về nhà ngủ, hủy chuyến đi, coi như 8 triệu rưởi tiền vé với visa là học phí lần sau không book Agoda nữa.
Lúc này, cái bản năng tiếc tiền của tôi lại trỗi dậy. “Phương án 2 nghe oke phết nhỉ. Tôi lại còn vừa đổi điện thoại nữa chứ. Chuẩn bị tiết kiệm được ối tiền.”
Nhưng không biết mình sẽ được gì nếu “theo lao” nhỉ?
Chưa quyết định được, tôi gọi điện cho cố vấn cuộc sống kiêm bạn cùng nhà - Linh Hà - để tham vấn. Linh Hà cũng là 1 người tiết kiệm giống tôi trong nhiều hoàn cảnh. Chúng tôi đều là những du học sinh đến từ những gia đình không khá giả, 99% tiền học với sinh hoạt của 2 đứa là do trường chu cấp. Nên tôi nghĩ Linh Hà sẽ ủng hộ phương án 2 của mình.
Tôi cũng nói với Linh Hà những lý do y chang tôi nói với Papang. Và Linh Hà cũng chốt hạ tôi bằng 1 câu nói đánh đúng vào tim đen:
Chơi đi sợ l..
Vế sau là “Trải nghiệm này không có lần thứ 2 đâu…” gì gì đó, nhưng đại khái là Linh Hà hiểu tôi.
Chúng tôi có thể tiết kiệm tiền cho rất nhiều thứ - mua sắm quần áo hay ăn uống, chứ riêng chi trả cho trải nghiệm khám phá 1 vùng đất mới thì tôi và Linh Hà rất ít khi tiếc tiền.
Chúng tôi biết rằng mình có được những tư duy và mối quan hệ như bây giờ là vì chúng tôi sẵn sàng đầu tư cho trải nghiệm để mở mang đầu óc của bản thân.
—
Tôi học được tư duy này từ bố mẹ mình. Họ luôn nói là:
Tiền thì luôn kiếm lại được. Nhưng những cửa sổ cơ hội để học và trải nghiệm thế giới thì không mở mãi cho mình đâu con.
Bố mẹ tôi là những người con đất Bắc điển hình. Khi lớn lên, tôi chưa bao giờ thấy bố mẹ mua quần áo cho bản thân mình. Nhà tôi cũng KHÔNG BAO GIỜ đi mua sắm quần áo hay đồ chơi. Bất cứ khi nào tôi hỏi mua 1 món đồ nào đó, bố mẹ tôi sẽ luôn biết 1 ai đó chuẩn bị “thải” món đồ như vậy để xin về cho tôi.
17 năm cuộc đời sống cùng bố mẹ, tôi được dạy rằng sống là phải tiết kiệm.
Nhưng, có 2 việc bố mẹ tôi sẽ không bao giờ suy nghĩ 2 lần khi xuống tiền cho tôi: Giáo dục và Trải nghiệm.
Tôi nhận được học bổng trao đổi sang Thụy Sĩ lần đầu tiên năm lớp 11, nhưng phải tự trả tiền vé máy bay (rất đắt), bố mẹ tôi không tiếc.
2 năm học UWC ở Trung Quốc, bố mẹ tôi cứ bảo tôi tranh thủ đi chơi Trung Quốc đi, thiếu tiền thì bố mẹ gửi cho.
Hồi xin 6 cái visa trong 3 tháng hè năm 2019 trước khi đi Semester At Sea, khó và mất thời gian vãi ra, mẹ tôi vẫn nói là:
Biết bao giờ con mới có cơ hội được làm những điều này lần nữa? Cố lên, bố mẹ ủng hộ.
Khi viết những dòng này, tôi đang khóc vì biết ơn bố mẹ lắm. Gần 8 năm kể từ khi tôi có những chuyến đi nước ngoài đầu tiên, bố mẹ tôi vẫn chưa từng được 1 lần chứng kiến những gì tôi nhìn thấy hay sống 1 ngày ở nước ngoài, nhưng ông bà vẫn luôn ủng hộ tôi trải nghiệm. Trước đây là tài chính và sau này là tinh thần.
Hãy nghĩ xem mình sẽ HỌC được gì, chứ đừng nghĩ nhiều quá về mất gì (nếu cái mất chỉ là tiền bạc).
Tiền thì luôn có thể kiếm lại được,
nhưng cửa sổ cơ hội để học và trải nghiệm thì không mở mãi đâu.
Nhớ lại bài học đó của bố mẹ, cách bố mẹ sống và nuôi tôi lớn, tôi nuốt nước mắt vào trong và chuyển khoản 13 triệu để mua tấm vé mới.
“Mong rằng chuyến đi này sẽ xứng đáng…”
(Hết phần 1…)
—
“Ấn Độ 2023 - Cửa sổ Cơ hội” là series tôi kể lại chuyến đi Ấn Độ 9 ngày của mình với các bài học về Đưa ra Quyết định, Văn hóa Hôn nhân và Gia đình ở Ấn Độ, Giáo dục, và có lẽ là 1 vài chủ đề nữa.
Series sẽ được publish dần dần trên Facebook Akwaaba, Tùng và Substack, hy vọng là trong tháng 12 trả hết bài có các bạn.
Mong bà con đón đọc =)
—
Có 1 cửa sổ cơ hội đang đóng dần: chỉ còn 8 suất nữa để tham gia Blogging Bootcamp Writing On The Net của tôi với mã Chim Sớm (30%), tôi nghĩ bạn sẽ không muốn bỏ lỡ cơ hội này đâu 🖖
love c Hà Linh quote: "Chơi đi sợ l..."
Thì ra là đây, yêu quá là yêu luôn thầy..