I.
Tuần trước, mình và Tuấn Mon họp với nhau để chọn ra những bạn sẽ nhận được Học Bổng Khuyến Blog của Writing On The Net #6. Mình muốn chia sẻ cho bạn một phần trích dẫn trong bài luận của chị Linh - học viên được nhận học bổng 100%:
"Sau khi theo dõi thêm 1 thời gian, mình bấm tìm hiểu WOTN, mình lên google, youtube tìm hiểu review. Những gì khóa học hướng tới là những điều mình cần, nhưng cái giá 3 triệu 5 lúc đó cũng khiến mình lăn tăn, vì nó đã bằng 2/3 lương của mình. Thu nhập của mình là 5 triệu 1 tháng, mình phải lo học phí cho con, tiền ăn, tiền sinh hoạt của gia đinh. Khoản tiền này cũng khiến mình suy nghĩ, lấn cấn mất ngủ trong suốt mấy ngày đầu sau khi đăng ký khóa học.
Mình chỉ dám mua đôi giày 115k để đi làm, chó cắn rách mình vẫn đi vì nó còn đi được. Mình chạy 7-8km, 1 giờ, đều trong 12 ngày, để cố vượt qua gần 400 người khác dành giải 500k của công ty. Đã có lúc mình muốn bỏ cuộc vì mệt quá, chân đau quá, nhưng nếu mình cố gắng con sẽ thấy kết quả của sự nỗ lực, bền bỉ mỗi ngày. Và tiền thưởng mình dùng để mua học liệu cho con ^^ Từ khi làm mẹ, mọi nhu cầu của mình tối giản, nhưng đầu tư cho việc học của 3 mẹ con thì chẳng tiếc.
Mình dậy từ 4h30 sáng mỗi ngày, vì mình sẽ có 2 tiếng dành cho việc học Duo, việc viết, đọc sách, hoặc mình nghe sách nói khi chạy bộ. Một ngày của mình bắt đầu sớm vì đó là khung giờ duy nhất mình có thể tận dụng dành cho bản thân. Còn lại những giờ khác mình đi làm, dành thời gian trọn vẹn cho gia đình.
Mình muốn trở thành 1 người truyền cảm hứng cho cộng đồng, không phải khi ta làm mẹ rồi thì những ước mơ dang dở sẽ dừng lại, mình vẫn học mỗi ngày để tốt hơn chính mình ngày hôm qua. Khi mình tốt hơn, những người xung quanh mình cũng tốt hơn. Thế giới cũng tươi đẹp hơn rất nhiều."
II.
Đọc bài luận của chị Linh, mình không thể ngừng nghĩ về mẹ của mình.
Mẹ mình là chị cả trong một gia đình cán bộ nhà nước. Mẹ theo ngành công an vì truyền thống gia đình, còn 2 dì đều đi làm tư nhân. Mẹ mình nhìn thấy 2 dì phát đạt về mặt tài chính, trong khi mẹ vẫn mắc kẹt ở một công việc lương đủ sống mà mình không đam mê.
Để 2 chị em mình được ăn học đầy đủ, vào được những trường tốt, bố mẹ mình phải hy sinh nhiều thứ: thời gian, sức lực, trí óc… Nhưng lớn nhất vẫn là ước mơ.
Năm 91 khi bố mẹ cưới nhau cũng là năm Liên Xô tan rã, bố mình không được làm thầy giáo nữa - nghề mà đến bây giờ, mình vẫn nghĩ là “tiếng gọi đích thực” của bố. Bố phải chuyển công tác và trở thành công an.
Bố mình từ bỏ ước mơ trở thành nhà giáo. Mẹ thì coi việc chị em mình hạnh phúc là ước mơ lớn nhất của mẹ.
Bố mẹ phải hy sinh ước mơ của bản thân, để đổi lấy sự ổn định của gia đình.
Đúng hơn là, bố mẹ chọn sự ổn định để mình có thể theo đuổi ước mơ.
III.
Khi về hưu, mẹ bắt đầu đắm mình vào đam mê giáo dục trải nghiệm.
Mẹ thành lập “Đi Để Hiểu” với các lớp học trải nghiệm cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 về lịch sử, văn hóa, thiên nhiên. Lên Điện Biên để học về Điện Biên Phủ, xuống Thái Bình học về rừng ngập mặn và tơ lụa, tìm hiểu về tre ở Phú Thọ, “Khát vọng thống nhất” ở Quảng Trị…
Những chương trình mẹ làm, ít thì 15 học sinh, nhiều thì hơn 100 phụ huynh học sinh, diễn ra đan xen hằng tuần. Chưa một lúc nào mình gọi mà mẹ đang không trong giai đoạn tuyển sinh cho một chương trình mới, hoặc đang tiền trạm cho vài ý tưởng còn thai nghén.
Những ngày hiếm hoi mình ở nhà, mẹ vẫn vừa làm, vừa nấu cơm cho cả nhà, đi chơi với các cháu, rồi lúc mọi người đi nghỉ trưa là lúc mẹ họp với team, gọi điện cho đối tác, viết bài…
Vậy là nghỉ hưu dữ chưa? Mình không có Peer Pressure, vì mình có Mom Pressure 🙂
Mình không biết một ai làm nhiều hơn mẹ.
Nhưng mình biết là mẹ đang sống những ngày tháng đẹp nhất cuộc đời của bà.
Công trình cuộc đời của mẹ là khiến cho nhiều người hiểu và hứng thú hơn với lịch sử, văn hóa, và thiên nhiên của Việt Nam hơn.
Phải đến khi “nghỉ hưu”, sự nghiệp của mẹ mới bắt đầu.
Mình nhớ lần gần đây nhất mình khóc những giọt nước mắt hạnh phúc là khi nhìn thấy video recap chuyến đi Quảng Trị mà mẹ lead. Chịu trách nhiệm cho gần 100 người, di chuyển liên tục giữa cái nóng miền Trung tháng 6, nhưng “nụ cười lao động” của mẹ không thể làm giả được.
Cuối cùng, sau bao nhiêu năm hy sinh cho sự ổn định của gia đình, mẹ mình mới được tập trung theo đuổi ước mơ của mình.
IV.
Đã có lúc mình muốn bỏ cuộc vì mệt quá, chân đau quá, nhưng nếu mình cố gắng con sẽ thấy kết quả của sự nỗ lực, bền bỉ mỗi ngày.
Rõ ràng là chị Linh, giống như mẹ mình, rất yêu con và muốn làm gương cho con hiểu về tầm quan trọng của sự nỗ lực và bền bỉ. Mình mừng là chị Linh vẫn có thời gian, ý chí và sức lực để theo đuổi những ước mơ của riêng mình, bên cạnh những ước mơ xoay quanh gia đình, sớm hơn mẹ mình.
Quyết định trao 100% học bổng cho chị Linh là quyết định dễ dàng nhất mình và Tuấn Mon đưa ra kể từ khi làm việc với nhau.
Mình sẽ tạm kết bài viết bằng câu mình thích nhất trong bài luận của chị Linh:
Không phải khi ta làm mẹ rồi thì những ước mơ dang dở sẽ dừng lại.
Hãy cho mẹ mơ, và hỗ trợ cho ước mơ của mẹ. Tất cả các mẹ.
Bài viết thuộc thử thách Viết Đều và Hay của Writing On The Net Alumni.
#wotn #vietdeuvahay
Mình không biết ước mơ của mẹ là gì ngoài mong 2 anh em mình được hạnh phúc.
Kể cả món ăn yêu thích, màu sắc yêu thích,... mẹ đều nói không có. Mẹ thấy hào hứng khi mặc đồ đẹp và đi chơi với gia đình, chụp hình đẹp rồi thỉnh thoảng đăng facebook - không biết có được tính là sở thích của mẹ không.
Ước mơ của riêng mẹ là gì? Phải làm gì để mẹ nhớ về hay bắt đầu nuôi dưỡng lại ước mơ của mình? - mình không biết. Any ideas, mọi người ơi?
đây chắc là bài viết chị thích nhất tới giờ (những bài khác cũng hay nha, chỉ là bài này đặc biệt chạm với chị). Kudos chị Linh trong bài, và mẹ Tùng cũng như Tùng đã can đảm chia sẻ nhe ✅✅