Tư duy thuần Giới hạn vs Tư duy thuần Mục tiêu
Constraint-oriented Thinking vs Goal-oriented Thinking
Đây là 2 kiểu tư duy khi lên kế hoạch.
Tư duy thuần Giới hạn (hay Constraint-Oriented Thinking) tập trung vào những giới hạn về mặt tài nguyên của 1 team, đặt mục tiêu và đưa ra kế hoạch dựa trên những giới hạn đó.
🚧 Tư duy thuần Giới hạn hỏi:
Những nguồn lực tôi có sẵn ngay bây giờ là gì?
Tôi có thể đi đến đâu với những nguồn lực này?
Tư duy thuần Mục tiêu (hay Goal-Oriented Thinking) xác định mục tiêu quan trọng nhất của team, đánh giá những tài nguyên cần có để đạt được nó, và lên kế hoạch để huy động những tài nguyên này.
🎯 Tư duy thuần Mục tiêu hỏi:
Tôi muốn đi đến đâu?
Những tài nguyên cần thiết để đi tới đó là gì?
Làm thế nào để tôi kiếm được những tài nguyên đó?
Lúc nào nên Tư duy thuần Giới hạn?
Tư duy thuần Giới hạn có ích với những mục tiêu ngắn hạn - khi bạn không có nhiều thời gian để vận động những nguồn nguồn lực cần thiết cho việc chinh phục những mục tiêu “cao”.
Ví dụ như Thử thách viết 30 ngày của Writing On The Net. Tất cả 134 bloggers đang thực hiện thử thách này với mình đều có 1 mục tiêu là 1 bài viết hằng ngày trong 30 ngày.
Nhưng, trong giới hạn 24 giờ, bạn không thể kỳ vọng 1 blogger mới viết, vừa đi làm vừa đi học (thậm chí là vừa trông con), có thể tạo ra những bài blog 4.000 chữ chất lượng cao được hằng ngày được.
Mục tiêu của thử thách này là vượt qua nỗi sợ viết online, và xây dựng một thói quen viết hằng ngày, chứ không phải tạo ra 30 bài viết bất hủ trên Internet.
Vì vậy, để tồn tại trong thử thách này, bạn cần lên kế hoạch từng ngày dựa trên những giới hạn cụ thể về (1) thời lượng viết, (2) scope nội dung, và (3) format.
Ví dụ:
Thời lượng viết: Tôi sẽ chỉ viết từ 3h30 - 5h30 chiều, và đăng bài vào 8h tối hằng ngày.
Scope nội dung: Tôi sẽ chỉ viết về 1 khái niệm/1 bài viết (và sẽ xâu chuỗi chúng lại sau thử thách)
Format: Tôi sẽ chỉ viết tối đa 1,000 từ, không hình minh họa
Với những mục tiêu ngắn hạn, Tư duy thuần Giới hạn giúp bạn lên kế hoạch sát thực tế và gia tăng khả năng thành công hơn.
Tuy nhiên, với những mục tiêu dài hạn hơn (tính bằng năm hoặc thập kỉ), thì mình nghĩ Tư duy thuần Giới hạn lại khiến cho cuộc sống của bạn trở nên khá “giới hạn” (pun intended).
Sử dụng Tư duy thuần Mục tiêu
Nếu hơn 10 năm trước mình và mẹ chỉ nhìn vào giới hạn tài chính của gia đình thì chắc chắn mình đã không được đi du học. Nhưng mình và mẹ lại đặt ra mục tiêu đi du học trước, và tìm cách sau.
Mẹ làm thêm 1 công việc thứ 2 (tới 10h tối hằng ngày), cuối tuần thì đi tỉnh. Còn mình lặn lội trong các trang thông tin miễn phí để tìm và apply vào MỌI học bổng mình đủ chỉ tiêu.
Lần duy nhất và cuối cùng mẹ mình ra nước ngoài là khi du học ở Nga hơn 30 năm trước. Nhưng từ những ngày làm visa để học cấp 3 ở Trung Quốc mà đại sứ quán còn không biết làm thế nào, vì mình là ca đầu tiên đi học cấp 3 ở bển, cho đến những ngày hè năm 19, xin 6 cái visa trong 3 tháng hè, không một ngày nào mẹ mình than phiền.
Có những lúc thương bố mẹ, gàn đi vì khó quá, mẹ đều bảo: "Kiểu gì mình cũng làm được."
Khi mình nhìn thấy những rào cản, mẹ mình nhìn thấy mục tiêu.
Mục tiêu của mẹ mình là con có được trải nghiệm giáo dục tốt nhất,
mẹ không nhìn thấy rào cản nào bất khả thi.
Cuối cùng thì mình cũng nhận được những học bổng cho mình cơ hội đi học cấp 3 ở Trung Quốc, đại học ở Mỹ, và khám phá hơn 20 quốc gia trong 6 năm qua.
Mẹ dạy mình là có 2 cách ta có thể chọn để nhìn thế giới:
Ta có thể nhìn thấy điều chúng ta muốn; hoặc ta có thể nhìn thấy tất cả những giới hạn ngăn cản ta đến với điều đó.
Khi chỉ tập trung vào rào cản, bạn sẽ tự giới hạn những gì mình có thể đạt được. Bạn chỉ nhìn thấy khả năng (ngay lúc đó), chứ không phải tiềm năm (trong tương lai).
Khi tập trung vào mục tiêu, tất cả những giới hạn trở nên bé lại, chúng trở thành cơ hội để bạn sáng tạo và đổi mới. Bạn không chỉ nhìn vào khả năng nữa, bạn chọn tin và đầu tư vào tiềm năng của bản thân.
Thuần mục tiêu nhưng phải hiểu giới hạn
Dĩ nhiên, có 1 tư duy thuần mục tiêu không có nghĩa là đưa ra những mục tiêu mù quáng mà không cân nhắc những giới hạn trong hoàn cảnh của mình.
Mục tiêu là đi du học, và mình sẵn sàng phấn đấu để kiếm học bổng, nhưng kiếm giỏi đến đâu thì mình cũng không thể đi học 1 trường nội trú chỉ nhận con cái hoàng gia được 🫠.
Chỉ tập trung vào rào cản, và bạn đang tự giới hạn những gì mình có thể đạt được.
Chỉ tập trung vào mục tiêu, và bạn có thể mãi mắc kẹt trong những ảo mộng không thực tế.
Hãy bắt đầu từ mục tiêu, phân tích những thứ bạn có, những thứ bạn cần, rồi bắt tay vào làm.
Mơ đi. Nhưng khi làm thì hãy thực tế.
Hãy trang bị cho mình 1 Tư duy thuần Mục tiêu Thực tế.
Nhanh tay đăng ký Writing On The Net #6 để bắt đầu hành trình blogging của bạn tại đây 👇
Em rất thích ví dụ trong phần "Tư duy thuần giới hạn" về xây dựng thói quen viết lách, đúng là phải xác định keyword rất rõ là "thói quen viết" để đưa ra những outcome phù hợp, tránh kì vọng cao rồi thất vọng không đáng có, như a có nói là viết được 1 bài/ngày chứ không phải viết được 1 bài HAY/ngày.
Em có 1 thắc mắc ạ: Với tư cách là 1 người viết và đã từng bán khóa học qua nội dung mình viết, a đã từng đặt mục tiêu dài hạn nhưng ko thực tế chưa ạ?
Và nếu có, thì đó là gì ạ? Dấu hiệu nào giúp anh nhận ra đó là 1 mục tiêu "ảo tưởng"?
P/s: Em cũng muốn xây dựng sự nghiệp qua viết lách, e có thể hiểu được mục tiêu ngắn hạn là xây dựng thói quen viết lách, nhưng e chưa biết cách đặt mục tiêu dài hạn.
Rất mong nhận được phản hồi từ anh ạ.