daily blog #69
Trong vòng phỏng vấn cuối cùng của UWC Việt Nam 6 năm trước, mình được hỏi: "Tại sao em muốn ở cùng phòng với 1 bạn người Trung Quốc."
Và mình trả lời là: "Từ bé đến giờ, nhận thức duy nhất về Trung Quốc của em là tin xâm lược trên báo đài với những cuộc trò chuyện trong mâm cơm gia đình mà bố mẹ ông bà em chửi Trung Quốc "lươn lẹo". Em chưa nói chuyện với người Trung Quốc nào bao giờ để hỏi tại sao mày ghét Việt Nam thế. Nên em muốn hiểu người ta. Xem họ có xấu xa như bố mẹ em từng kể không."
Ngày mình nhận được suất đi UWC Trung Quốc, nhanh nhảu gọi điện báo mẹ, nghe giọng mẹ mình cũng có chút bàng hoàng. "Trung Quốc á? Tí về nói chuyện nhé."
Sau cùng thì mình vẫn dành 2 năm "làm người Việt Nam" duy nhất ở trường. Không có hỏi tại sao chúng mày ghét Việt Nam thế, nhưng cũng thỉnh thoảng trêu về "Đường lưỡi bò". Mình có 4 đứa bạn thân người Trung Quốc dẫn mình đi khắp nơi ăn uống, nhậu nhẹt, thăm Tử Cấm Thành, leo Vạn Lý Trường Thành, giới thiệu mình với bố mẹ chúng nó - những người yêu quý mình như con đẻ.
Mẹ thằng bạn mình ở Tô Châu còn khóc nức nở khi đưa mình ra sân bay để bay về Việt Nam dịp Tết Nguyên Đán năm 2018. Khi 1 thằng bạn người Trung khác đến Việt Nam chơi, mình cũng dẫn nó đi khắp nơi, đưa nó về nhà đánh chén, và bố mẹ mình cũng yêu quý nó như con đẻ. Thỉnh thoảng vẫn nhắc về nó khi mình ở nhà.
2 năm sau khi mình rời Trung Quốc, bố mình cũng có dịp được qua cửa khẩu Quảng Ninh, sang Trung Quốc chơi 1 ngày. Mình rất vui vì mỗi khi có ai nói người Trung thế này, người Trung thế nọ (này và nọ là những tính từ không hay), bố mình bây giờ đều lên tiếng phản đối.
4 năm sau khi mình rời Trung Quốc, mình không thể nói là mình hiểu người bản chất Trung Quốc như thế nào. Họ có hơn 1 tỉ dân với 56 tộc người (dĩ nhiên là con số thực sự lớn hơn thế rất nhiều). Nếu mình nói "người Trung Quốc là tốt hay xấu", đó sẽ là 1 sự khái quát hóa với quá nhiều sai số. Mình có thể nói họ là một dân tộc với nhiều cái giống và nhiều cái khác mình.
6 năm kinh qua 16 nước, mình chưa thấy nơi nào hiếu khách như Trung Quốc. Họ có nhiều điều giống những gia đình ở Việt Nam mà mình biết - hồ hởi, hiếu khách, ngại thể hiện cảm xúc, thỉnh thoảng bất mãn với chính quyền và cùng ăn thịt kho (Tàu).
Hôm nay ở MỞ, bọn mình xem phim và thảo luận xem cái đích của giáo dục thực sự là gì. Và đến cuối cùng, chẳng ai chốt một câu tổng kết giống trong sách giáo khoa cả. Mọi người nói lên suy nghĩ của mình, lắng nghe suy nghĩ của người khác, tự đem về nhà ngẫm rồi quyết định xem bản thân mình muốn suy nghĩ như thế nào.
Đối với mình, giáo dục không nên dạy một người rằng một cách sống/ một cách suy nghĩ là đúng hay sai, là xấu, tốt, tốt hơn, hay tốt nhất.
Giáo dục nên dạy cho một người cách hiểu, tôn trọng và yêu thương những người khác mình.
Mình ngồi nghĩ về mình trước và sau 2 năm ở Trung Quốc, và nghĩ là mình, cũng như bố mẹ mình, đã học được cách hiểu và tôn trọng những người mình được "dạy phải ghét".
cho em hỏi bộ phim anh xem lúc đó cùng team Mở là gì vậy ạ?