Đêm qua, tôi trằn trọc nghĩ về sự khác nhau giữa mối quan hệ của mình với gia đình ở Việt Nam và gia đình ở đây. 4 ngày ở với nhà host, mỗi khi chúng tôi đối mặt hoặc chia sẻ một không gian thì dường như ai cũng cảm thấy phải nói chuyện với nhau. Cả tôi và gia đình host đều là những người giỏi tiếp chuyện nên 80% các cuộc trò chuyện của chúng tôi đều dẫn đến những khám phá thú vị về thế giới của nhau. Nhưng đâu đó 20% kia là những cuộc trò chuyện mà, theo tôi, đến từ nghĩa vụ phải bầu bạn chứ không phải từ sự tò mò thuần khiết.
20% này đủ làm một đứa hướng nội như tôi cảm thấy kiệt sức vào cuối ngày. Tôi nhớ về những bữa cơm ở nhà, những lần ngồi sau xe bố, chúng tôi chả cần nói với nhau 1 câu nào. Có khi chỉ là 1, 2 câu hỏi thăm lấy lệ. Một người trả lời rồi chúng tôi lại chìm vào im lặng.
Không phải kiểu im lặng căng thẳng, có nhiều điều muốn nói mà phải nhịn. Mà là kiểu im lặng thấu hiểu. Chúng tôi hiểu không có gì quan trọng cần phải thảo luận và tin rằng nếu có thì người kia sẽ mở lòng. Trong sự im lặng đó, tôi cảm thấy được bình yên và thoải mái làm chính mình.
Những ngày mới đi du học, tôi thường ngưỡng mộ những người có thể bắt chuyện được với bất cứ ai, những người mà sự hiện diện của họ như một cơn sóng đập tan mọi ngại ngùng trong không khí. 6 năm du học, tôi phấn đấu đọc nhiều sách vở hơn, trải nghiệm nhiều hơn, học cách hỏi những câu hỏi hay hơn để trở thành một người nói chuyện giỏi hơn.
Bây giờ, khi vốn liếng nói chuyện đã khá khẩm hơn, tôi lại trân trọng những người có thể bước vào thế giới của tôi và im lặng cùng nhau. Không giống như việc bắt chuyện và tiếp chuyện, sự im lặng thấu hiểu không phải một kỹ năng bạn có thể học được. Vì thế, những người có thể làm vậy hiếm hơn. Không dữ dội như một cơn sóng, sự im lặng của họ giống như một cơn gió mát, thổi nhẹ giữa trưa hè nóng nực.
Có khi, sự im lặng khi ở bên nhau mới là nấc thang cao nhất của niềm tin và sự thoải mái.