daily blog #53
Creator Economy - nền kinh tế sáng tạo được tạo ra như thế nào?
Vào năm 2011, YouTube thay thế từ "YouTube Star" bằng "YouTube Creator", với mục tiêu xóa bỏ định kiến rằng chỉ những người nổi tiếng mới có thể thành công trên YouTube.
Nước đi này của YouTube chính thức đặt tên cho "nền kinh tế sáng tạo", nơi bất cứ ai cũng có thể sản xuất và phân phối nội dung - từ tweet siêu ngắn, blog nghìn chữ, podcast, âm nhạc, đến video, phim ảnh... Hiện có hơn 50 triệu nhà sáng tạo nội dung độc lập, không trực thuộc bất cứ một bầu sô hay nhà sản xuất nào, đang liên tục tạo ra và phân phối nội dung cho người dùng internet.
Sự phát triển của công nghệ và internet đã kiến tạo nên 2 điều kiện quan trọng nhất của nền kinh tế sáng tạo: Dễ dàng sản xuất và Dễ dàng phân phối.
Trong top 20 Music Video (MV) với chi phí sản xuất cao nhất mọi thời đại, chỉ có 1 MV được sản xuất trong 10 năm trở lại đây ("Make me like you" của Gwen Stefani năm 2016 đồng hạng 6). Tất cả 19 MV còn lại đều được sản xuất từ năm 2002 đổ về trước.
Lý do? Chất lượng hình ảnh của video thì ngày càng tốt và chi phí sản xuất lại ngày càng rẻ - từ thiết bị ghi hình, âm thanh, ánh sáng cho đến hậu kỳ chỉnh sửa. Máy tính cá nhân đã trở thành 1 xưởng sản xuất (production house) tại gia.
Các phần mềm như Windows Movie Maker, iMovie, bản lậu của Adobe Premiere Pro làm cho việc tạo ra 1 video chất lượng (từ rất tệ đến rất tuyệt) trở nên khả thi cho bất cứ một cá nhân nào sở hữu máy tính cá nhân có kết nối internet.
Trước đây, nhân tài phải đi tìm công cụ sản xuất, và phải rất xuất sắc, họ mới có thể lọt vào mắt xanh của nhà sản xuất lớn. Chúng ta đang sống ở 1 thời đại ngược lại, công cụ sản xuất đang len lỏi vào từng chiếc máy tính cá nhân hay điện thoại, trao cơ hội cho bất cứ ai nghĩ mình có tài năng sáng tạo.
Sự xuất hiện của những nền tảng chia sẻ nội dung như YouTube cho video, Spotify và SoundCloud cho âm thanh, Substack cho newsletter, Facebook cho blog, vân vân, khiến cho việc phân phối sản phẩm sáng tạo trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
Lựa chọn quảng cáo sản phẩm không còn dừng lại ở việc trả 150 triệu cho 30 giây quảng cáo trên VTV1. Bạn có thể upload video lên YouTube, share nó lên Facebook, gửi vào các group trên Discord và để thuật toán của mạng xã hội làm điều kỳ diệu. Bạn cũng có thể trả tiền quảng cáo với mục tiêu và đối tượng rõ ràng trên Facebook với chi phí bằng 1/10 chi phí quảng cáo trên TV.
Dễ dàng Sản xuất và Dễ dàng Phân phối.
Khi chúng ta kết hợp 2 điều kiện này, khi ai cũng có thể sáng tạo và phân phối nội dung với chi phí siêu thấp, chúng ta chứng kiến một sự chuyển dịch vô cùng lớn từ tiêu dùng nội dung bị động sang sản xuất nội dung chủ động.
Những người trẻ thuộc thế hệ Gen Z Việt Nam là thế hệ đầu tiên được lớn lên cùng với sự phát triển và lây lan của internet và mạng xã hội. Chúng mình là thế hệ đầu tiên với thời gian xem TV ít hơn thời gian online. Chúng mình là những công dân đầu tiên của nền kinh tế sáng tạo.
Vào thế hệ của bố mẹ và ông bà chúng mình, để "sáng tạo nội dung", bạn phải được đào tạo chính thống, dẫn đường chỉ lối bởi những người có nhiều kinh nghiệm. Làm báo phải học báo, làm phim phải học điện ảnh, làm ca sĩ phải học nhạc viện... Bạn phải dành được "quyền" sáng tạo.
Vào thế hệ của chúng mình, muốn viết thì bạn lập blog trên Facebook, muốn làm phim thì bạn cứ làm rồi up lên YouTube, muốn làm ca sĩ thì bạn ghi âm 1 bài bằng điện thoại và up lên soundcloud.
Vào thế hệ của chúng mình, chế độ mặc định không còn là "dành quyền sáng tạo" nữa, chế độ mặc định là "Điều gì ngăn cản bạn sáng tạo?"
Chúng mình lớn lên và nhìn thấy những người y chang mình sản xuất những nội dung hàng nghìn người tiêu thụ. Làm streamer/ YouTuber /blogger /ca sĩ thì có gì khó?
Trước sự ra đời của nền kinh tế sáng tạo, là một nhà sản xuất nội dung, bạn phải làm đúng theo các quy chuẩn của ngành. Bây giờ, bạn không cần phải làm đúng. Bạn có thể làm sai lè. Chả ai quan tâm bạn có phải là một nghệ sĩ được đào tạo ở nhạc viện, một nhà làm phim học điện ảnh, một blogger học báo hay không. Mọi người chỉ quan tâm bạn có hay không một điều để chia sẻ.
Mình thật sự được truyền cảm hứng khi nhìn thấy ngày càng có nhiều bạn trẻ ở Việt Nam với những câu chuyện không quá "lồng lộn", tận hưởng việc tạo ra những nội dung đủ các thể loại. Được sáng tạo, được vui, được ngưỡng mộ, được nói và làm những thứ họ yêu thích.
10 người bạn mình thì 6 người là content creator. Người sản xuất âm nhạc, người host podcast, người làm YouTube, đông nhất vẫn là blogger. Mình cũng là một người được sinh ra trong nền kinh tế sáng tạo, mình cũng là một content creator.
Hầu hết bọn mình không được trả lương cho những thứ bọn mình tạo ra và chia sẻ. Nhưng vì thế, mình biết rằng thế hệ chúng mình đi tìm nhiều thứ hơn là đồng tiền.
Bọn mình không phải pro, bọn mình là amateur (a-ma-tơ). Dân không chuyên, nghiệp dư. Nhưng bạn biết không, gốc Latin của từ "amateur" là "amare" - to love - để yêu.
Bọn mình là Amateur Creators sáng tạo vì tình yêu với việc sáng tạo.
Có resources về creator economy nào recommend k Tùng ơiii đang nghiên cứu creator economy để nghĩ hướng phát triển cho MỞ:) hôm trc e có nghe 1 podcast này https://open.spotify.com/episode/3RkzNx9jwhwafbDRo8bLol?si=swLXAC0lT0isA82uPK_nCA