6 năm du học xa nhà, mình từng tự hào về việc mình chỉ nhớ nhà một lần (mùng 1 Tết đầu tiên ở Mỹ).
Trung bình 1 tháng, mình sẽ gọi cho bố mẹ khoảng 2 lần. So với những người bạn mình biết thì đây là 1 con số rất thấp. Và thực tế là mình còn không phải người gọi, bố mẹ mình mới là người gọi.
Trong những năm đầu tiên xa nhà, bố mẹ gọi mình nhiều hơn 2 lần 1 tháng rất nhiều, nhưng mình thường xuyên không nhấc máy. Rồi mình sẽ lấy những lý do như là “Con đang ở trong thư viện”, “Con đang trên xe buýt”, “Con đang chuẩn bị lên lớp”… Trong khi thực tế thì mình đang nằm trên giường xem YouTube, và chỉ “lười” nói chuyện với bố mẹ thôi.
Đêm nay, đang lướt Instagram thì 1 bài nhạc Tết cất lên trên feed, làm mình tự nhiên thèm gọi cho bố mẹ. Thế là mình mở Messenger ra, thấy bố online 14 phút trước, định bỏ xuống, nhưng thôi vẫn ấn gọi, chẳng kỳ vọng có ai trả lời.
Và chỉ hết hồi chuông thứ 2 là bố mình trả lời. Bố và mẹ mình đang ăn trưa với nhau. Như mọi cuộc nói chuyện bình thường giữa mình và bố mẹ, 2 cụ kể cho mình nghe về hoạt động những ngày vừa rồi, hỏi mình 1 đống câu hỏi về sức khỏe, thời tiết, và công việc, rồi không quên nhắc mình ăn ngủ đúng giờ.
Kết thúc cuộc nói chuyện, mình thẫn thờ nhận ra là, lần nào mình gọi về nhà, bố mẹ cũng nhấc máy. Trừ cuộc gọi khẩn cấp vào lúc 3 giờ sáng khi 2 người chưa ngủ dậy, bố mẹ mình chưa bao giờ cảm thấy “lười” nói chuyện với mình cả.
Mình nghĩ về tất cả những lần mình không trả lời điện thoại của bố mẹ và bật khóc.
Mình giận bản thân mình trong quá khứ. Tại sao mình từng có thể nghĩ việc nói chuyện với bố mẹ là mất thời gian cơ chứ?
Tại sao mình không nhận ra là họ yêu và nhớ mình lắm thì mới nhấc máy lên để gọi cho mình?
Tại sao mình không nhận ra là những câu hỏi bố mẹ hỏi đi hỏi lại mỗi lần nói chuyện, là những manh mối duy nhất họ có về cuộc sống của mình ở bên kia thế giới? Và việc bố mẹ không biết hỏi những “câu hỏi lớn” khác - những câu hỏi mình hay cho là “thú vị” hơn - là vì họ chưa bao giờ có cơ hội được trải nghiệm cuộc sống mà mình đang có.
Mình đang khóc rất nhiều khi viết những dòng này, vì phải mất 6 năm xa nhà, mình mới nhận ra mình đã bất công với bố mẹ đến mức nào.
Có lẽ là, tình yêu của bố mẹ dành cho con cái luôn luôn lớn hơn tình yêu của con dành cho bố mẹ.
Có lẽ là, trong mọi cuộc tình, luôn luôn có 1 người yêu nhiều hơn. Bất công sẽ luôn luôn tồn tại.
Nhưng mình tin là, chúng ta có thể học yêu bố mẹ nhiều hơn một tí mỗi ngày.
Lần sau bố mẹ gọi, con sẽ nhấc máy.
"Tại sao mình không nhận ra là những câu hỏi bố mẹ hỏi đi hỏi lại mỗi lần nói chuyện, là những manh mối duy nhất họ có về cuộc sống của mình ở bên kia thế giới? Và việc bố mẹ không biết hỏi những “câu hỏi lớn” khác - những câu hỏi mình hay cho là “thú vị” hơn - là vì họ chưa bao giờ có cơ hội được trải nghiệm cuộc sống mà mình đang có." - Cảm ơn anh vì đã chia sẻ những điều mà ai trong mỗi chúng ta khi lớn thường hay bỏ qua. Em cũng vậy dù mới ra trường xa ba mẹ đến 1 nơi xa nhà để đi làm. Dù là em vẫn duy trì được thói quen gọi điện cho mẹ hầy như là mỗi ngày (lúc nào cũng từ 30' trở lên) nhưng mà đôi lúc em cũng nghĩ "việc nói chuyện với ba mẹ hơi mất thời gian" nên đôi khi em cũng hay viện lí do để kết thúc hay không bắt đầu cuộc gọi về nhà. Lúc em đọc bài này của anh viết là em cũng ứa nước mắt vừa thương vừa thấm. Sau đó là câu hát của ca sĩ Anh Tú từng hát "Có lẽ cuộc đời còn có bao nhiêu lần 10 năm nữa"...