Cho đến bây giờ, sau gần 4 năm viết lách với hơn 40,000 người theo dõi, và đâu đó 300 bài viết về đủ các chủ đề, mình vẫn sợ khi ấn nút “Đăng tải”.
Mọi người sẽ nghĩ gì về mình?
Mình có đủ hiểu biết để viết về chủ đề này không?
Liệu chủ đề này có nhạy cảm quá không?
Nhỡ không ai hiểu mình đang muốn nói gì thì sao?
Tệ hơn, nhỡ mọi người hiểu và không đồng ý với mình thì sao?
…
Đây là 1 số trong rất nhiều câu hỏi mình tự vấn bản thân trước khi đăng mọi bài viết. Và tất cả chúng đều là những câu hỏi mình không trả lời được - những biến số bất định.
1 thế giới bất ổn
Việc viết trên Internet có nhiều biến bất định quá. Và bản năng cơ bản của con người là hạn chế mọi bất biến trong cuộc sống.
Chúng ta sợ sự bất ổn, và Internet thì tràn đầy điều này.
Kimmie đang yên đang lành làm 1 YouTuber vô danh, sau 1 đêm trở thành top 1 Google search của Việt Nam. Nhà Tù Hỏa Lò từ 1 fanpage không ai biết trở thành 1 hệ tư tưởng. Hầu hết những hiện tượng Internet mà bạn có thể nhớ (bao gồm cả mình), đều được đôn lên mainstream nhờ sự bất ổn của Internet. Không ai biết ngày mai ai (hay cái gì) sẽ trở nên nổi tiếng.
Sự bất ổn là cơ hội tỏa sáng cho những người “bình thường” - những cá nhân không có tiềm lực tài chính để “mua” sự chú ý, nhưng có đủ sự sáng tạo để làm nên những cơn “địa chấn” content. Tuy nhiên, sự bất ổn cũng chính là thứ mà rất nhiều người (muốn) sáng tạo nội dung sợ.
Và với những người đang sáng tạo nội dung như mình, sự bất ổn có thể khiến mình rất mệt mỏi. Trong những lúc như vậy, mình vẫn hay tự hỏi:
Nếu không bao giờ blog thì cuộc sống của mình đã khác như thế nào?
Nếu không bao giờ chia sẻ những gì mình viết lên mạng, chắc chắn mình sẽ có 1 cuộc sống “yên ổn” hơn. Mình sẽ không bao giờ bị hack nick Facebook. Không bao giờ phải đọc những bình luận tiêu cực về mình. Không bao giờ phải khóc lóc gọi cho những người bạn thân nhất để cầu xin sự đồng cảm.
Nhưng nếu không bao giờ blog, mình sẽ không biết rằng ngoài kia cũng có những bạn trẻ Việt đam mê giáo dục, tò mò về nền kinh tế sáng tạo, hay hứng thú với văn hóa tổ chức. Nếu không biết họ tồn tại, mình cũng sẽ chẳng bao giờ được kết nối với họ. MỞ sẽ không bao giờ ra đời. Mình cũng sẽ chẳng bao giờ nhận được những email động viên cả ngàn chữ sau khi mình viết về thất bại, hay những lời cảm ơn chân thành qua tin nhắn và bình luận của độc giả khiến mình vui cả ngày.
Sau gần 4 năm viết lách, mình chấp nhận rằng Internet vẫn sẽ luôn là 1 thế giới đầy bất ổn, 1 tập hợp của những thứ xấu xí nhất, những điều đẹp đẽ nhất, và tất cả những thứ ở giữa 2 thái cực này.
Internet vẫn sẽ luôn là 1 thế giới đầy bất ổn, 1 tập hợp của những thứ xấu xí nhất, những điều đẹp đẽ nhất, và tất cả những thứ ở giữa 2 thái cực này.
Sự ổn định duy nhất trên Internet, là sự không ổn định của nó (mượn lời của Linh Trần - người bạn thân và cựu học sinh của mình).
Đi tìm sự ổn định mới
Mình đã sai khi nghĩ rằng nếu viết nhiều lên, mình sẽ không sợ viết nữa. Ôi không, nỗi sợ bị đánh giá, bị chê, bị chửi, bị ghét sẽ luôn ở đó. Việc viết nhiều chỉ giúp mình bớt sợ đi một chút thôi.
Sau nhiều lần đối diện với “mặt tối” của Internet suốt 3 năm qua, mình nhận ra rằng, một mình mình vững tâm thôi là chưa đủ. Việc mình đi xa được đến đây với việc viết, cũng là nhờ có những người đồng hành bên cạnh - những độc giả trung thành hay chia sẻ bài viết của mình (như mẹ mình), và những người bạn thân “cùng khổ” là các bloggers/ creators khác (Vừng, Tuấn Mon, Người Kể Chuyện, Alex…).
Vế thứ 2 là 1 yếu tố rất quan trọng. Vì khi mới bắt đầu viết, hầu hết chúng ta sẽ không có 1 lượng “độc giả trung thành” nào đồng hành bên cạnh cả. Tuy nhiên, ta luôn có thể tìm cho mình những người bạn “cùng khổ” trên con đường viết lách.
Không giống như những người bạn thông thường, bạn “cùng khổ” chia sẻ những khó khăn mà chúng ta phải trải qua, những nỗi sợ chúng ta phải đối diện khi viết trên Internet. Cùng nhau, chúng ta có thể giải quyết được những vấn đề này, cũng có thể không. Không quan trọng.
Điều quan trọng nhất về sự tồn tại của bạn “cùng khổ” là, chúng ta BIẾT có những người HIỂU mình.
Ra khơi!
“Biển lớn” Internet bất định đấy. Những cơn sóng của sự tiêu cực đáng sợ đấy. Nhưng kho báu mọi bloggers đang hướng tới - sự kết nối với những người chia sẻ đam mê, sự thỏa mãn khi được viết những gì mình nghĩ, và sự sung sướng khi bài viết của mình chạm tới trái tim của độc giả - đáng để chúng ta căng buồm ra khơi lắm.
Và bạn không phải bắt đầu cuộc “viễn chinh” này một mình. Hãy lên thuyền cùng chúng mình! Writing On The Net cohort #3 sẽ nhổ neo ngày 10 tháng 6 này.
Con thuyền Writing On The Net là nơi bạn sẽ đồng hành cùng mình, Tuấn Mon, và hơn 50 bloggers khác trong hành trình “Vượt qua nỗi sợ viết công khai trên Internet trong 30 ngày”.
Nhưng như mình cũng đã viết, nỗi sợ này sẽ không đi mất sau 30 ngày “ra khơi”. Nhưng bọn mình sẽ cho bạn những công cụ để “khiêu vũ” với nỗi sợ đó, và không để nó ngăn cản thực hành viết của bạn.
Khóa học cùng thử thách viết 30 ngày sẽ kết thúc, nỗi sợ và sự bất ổn của Internet vẫn sẽ ở đó, nhưng 1 cộng đồng bloggers vững chắc là điều mình muốn hứa với bạn.
Cùng nhau, chúng ta có thể đi xa hơn 30 bài viết trong 30 ngày rất nhiều. Đến những miền đất hứa của sự kết nối, sự tự do, và sự đồng cảm, online và ngoài đời.
Thông tin chi tiết về con thuyền có thể được tìm thấy ở đây: https://www.movahoi.com/khoa-hoc/writing-on-the-net
Thủy thủ ghi danh ở đây: https://lu.ma/WOTN3-sign-up
Hẹn gặp các bạn tháng 6 này!