“ta càng lớn thì ước mơ càng bé
cho đến 1 ngày ta không mơ nữa”
“Ước mơ của bạn là gì?”
Nếu bạn hỏi 6 năm trước, mình sẽ nói về ước mơ thu hẹp khoảng cách cơ hội đi du học giữa các bạn học sinh ngoại tỉnh với học sinh thành phố ở Việt Nam.
3 năm trước, mình sẽ nói về ước mơ cải thiện giáo dục công tại Việt Nam, để sau này, “con mình không cần phải đi du học để nhận được một trải nghiệm giáo dục chất lượng và phù hợp” nữa.
Bây giờ, mình sẽ nói là mình muốn MỞ trở thành 1 doanh nghiệp bền vững, để mình và các đồng nghiệp có thể làm MỞ full-time, và tạo ra trải nghiệm học online tuyệt vời nhất cho học sinh của bọn mình.
Trong quá trình đi tìm hướng đi cho bản thân sau đại học, mình ngồi nhìn lại vào sự thay đổi của những ước mơ, và chột dạ tự hỏi: “Càng ngày mình đang càng mơ nhỏ đi à?”
Có 1 sự thật là, mình càng lớn thì ước mơ càng bé.
Đây là 1 sự thật mà mình khó chấp nhận. Vì suốt 7 năm qua, căn tính của mình gắn liền với 2 chữ “Mơ lớn”.
Chị Trường Anh - sếp cũ của mình ở IEG từng trêu là tuyển thằng Tùng giỏi thì giỏi nhưng lắm hoài bão quá, không làm lính được. Cô Hường, giáo viên chủ nhiệm cấp 3 của mình, vẫn thường xuyên nói mình là 1 đứa hay mơ, và mơ lớn. Bạn bè của mình có lẽ cũng sẽ miêu tả mình như vậy.
Mình luôn tự hào về những ước mơ “lớn” của mình. Mình chia sẻ chúng cho bất cứ ai hỏi mình về ước mơ. Mình chia sẻ chúng công khai ở trên blog này.
Thế mình là ai khi không còn là 1 kẻ mơ lớn nữa?
Khi ước mơ của mình chỉ quanh quẩn chuyện cơm áo gạo tiền? Quanh quẩn những vấn đề bình thường chẳng “truyền cảm hứng” cho ai cả.
Nếu ước mơ cứ “bé đi” thế này, liệu có đến 1 ngày mình không mơ nữa không?
Vài ngày trước, mình mang những suy nghĩ này đi nói chuyện với Quang - 1 người đồng nghiệp đã “đu theo” những ước mơ của mình từ 2019 tới bây giờ. 1 người luôn tin vào những viễn cảnh mình vẽ ra, và những giá trị mình muốn lan tỏa.
Mình muốn nói chuyện với Quang để xem Quang cảm thấy như thế nào về ước mơ của mình bây giờ. Liệu Quang có thấy mình thay đổi không? Và nếu có thì theo chiều hướng tốt lên hay xấu đi?
Mình nhận ra là mình không phải người duy nhất thay đổi. Quang cũng thế.
3 năm trước gặp nhau ở Sài Gòn, Quang cũng mơ lớn như mình. Bọn mình nói chuyện trên trời dưới biển về những thay đổi cần có trong giáo dục Việt Nam, về ước mơ cháy bỏng trở về và cống hiến sau khi tốt nghiệp.
2 năm sau khi tốt nghiệp, Quang xác định sẽ tập trung vào phát triển khả năng ở New Zealand ít nhất là 2 năm nữa, tiết kiệm tiền để hỗ trợ gia đình, và tiếp tục nghiên cứu các cơ hội phát triển khi về nước.
Quang và mình đều bớt chắc chắn hơn về tương lai so với 2019. Bọn mình không lên kế hoạch dài hơn 2 năm. Bọn mình không nói về “thay đổi cả hệ thống giáo dục Việt Nam”.
Thay vào đó, bọn mình nói về những thay đổi nhỏ trong MỞ để giúp staff và học sinh phát triển. Bọn mình vẫn muốn về Việt Nam, nhưng đều không quá vội.
Bọn mình vẫn mơ, bé đi 1 chút, nhưng thực tế hơn 1 chút.
Kết thúc buổi nói chuyện đó, mình viết lại mấy dòng này:
“Mơ bé lại không phải là xấu. Mơ bé lại là 1 bước quan trọng của việc trưởng thành.
Mơ bé lại đồng nghĩa với việc chọn 1 vấn đề cụ thể hơn để giải quyết.”
Chỉ khi chúng ta chấp nhận rằng mình không thể làm tất cả mọi thứ, ta mới có thể làm 1 - 2 thứ gì đó thật tốt.
Và chỉ khi ta giải quyết thật tốt những vấn đề nhỏ, ta mới có kiến thức, kĩ năng, và quan hệ để giải quyết những vấn đề to hơn.
Nghĩ lại thì, mơ bé lại là tiền đề để sau này mơ lớn tiếp.
Mình viết bài này để nhắc bản thân cứ mơ đi. Mơ thật lớn. Rồi mơ bé lại. Và lại mơ lớn. Miễn là mình không dừng bước trên con đường theo đuổi nó, thì ước mơ nào cũng đáng quý hết.
Có khi mình cũng chẳng phải 1 người mơ lớn lắm. Nhưng có sao đâu =) Miễn là trên hành trình thực hiện ước mơ, mình hạnh phúc là được rồi.
Tùng Mơ Vừa, 11.2022
T thấy quan điểm của T về ước mơ trong bài khá là thú vị. Sau khi đọc bài của c, khs t liên tưởng đến 1 bài toán ngày xưa hay làm là bài toán ca nô đi ngược dòng và xuôi dòng. Và nó khiến t đặt ra 1 câu hỏi là liệu có thực sự khi ta càng lớn thì ước mơ càng nhỏ không. Vì ước mơ sinh ra từ ý thức của con người, mà ý thức thì bị chi phối bởi trải nghiệm và nhận thức. Khi lớn hơn mình nhận biết được nhiều "chướng ngại vật" hơn nên mình cảm thấy giấc mơ bé đi, nhưng thực ra nếu nhìn theo cách khác thì có thể mình còn dũng cảm hơn hồi nhỏ khi mơ những ước mơ bé đấy. Theo t thì lớn hay bé chắc chỉ mang tính tương đối, vì nó phụ thuộc vào hoàn cảnh và thời điểm. Đối với t ước mơ chỉ đơn giản là chính nó. Việc nghĩ đến 1 thứ nằm ngoài ability hiện tại của bản thân đã là 1 điều kỳ diệu rồi, và nếu có thể biến nó thành hiện thực thì lại tuyệt hơn nữa.
Đồng cảm Tùng ơi, đúng là càng lớn mơ càng nhỏ lại đó. Chị rất tâm đắc câu này "Chỉ khi chúng ta chấp nhận rằng mình không thể làm tất cả mọi thứ, ta mới có thể làm 1 - 2 thứ gì đó thật tốt." Với trải nghiệm cá nhân chị thì điều này rất đúng. Chị tin là dù em mơ đến đâu, lớn hay nhỏ (do em định nghĩa haha, chứ chị thấy giấc mơ nào cũng lớn, lớn thì mới mơ chứ, nhỏ thì dừng ở mục tiêu thôi haha) em sẽ đều thực hiện được theo cách nào đó tốt nhất.