Gần 2 năm trước, trong bài TED talk đầu tiên của mình, tôi nói về việc định vị khả năng của bản thân so với những người xung quanh. Bạn nào có cơ hội xem bài nói đó chắc vẫn sẽ nhớ những biểu đồ chuông (bell curve) mà tôi phân tích.
Lý thuyết bell curve về cơ bản là: trong 1 nhóm, nếu được so sánh trên 1 khả năng, luôn luôn có top đầu, trung bình, và top cuối. 100% toán học.
Cái hay của cuộc sống là bạn có thể đứng bét khả năng đọc nhanh nhưng lại đứng đầu khả năng lập trình, rất dốt nghệ thuật nhưng lại rất giỏi thể thao, kém tự nhiên nhưng lại xuất sắc xã hội...
Điều làm mỗi người đặc biệt chính là tổ hợp của vô số những bell curves giống nhau nhưng vị trí của chúng ta trong mỗi biểu đồ lại khác nhau. Hình minh họa tổ hợp bell curves của 1 con người:
Kết thúc bài nói đó, tôi khuyên người nghe hãy tin rằng mình đặc biệt và đừng so sánh bản thân mình với những người xung quanh. Cứ tập trung phát huy những điểm mạnh của mình, thì đâu sẽ vào đó.
Gần 2 năm kể từ ngày tôi đứng trên sân khấu TED, hoàn thành ước mơ của mình từ những ngày học lớp 8 vừa xem TED vừa tra từ điển, Hải Anh hỏi tôi trong cuộc thu âm cho podcast CNNer đi ngủ lúc mấy giờ về chiếc bell curve tôi tự tin mình giỏi nhất. Và những gì bạn đọc sau đây là câu trả lời của tôi, đã qua chỉnh sửa:
“Sau khi nói xong ở TED thì anh cũng học được nhiều điều khiến anh nghĩ khác đi về những gì anh chia sẻ. Đầu tiên thì anh nghĩ cái bell curve của mình sẽ lớn dần.
Khi em học Chuyên Ngữ thì em có thể nghĩ bạn học giỏi nhất chuyên ngữ là giỏi nhất thế giới rồi. Vì thế giới của em được gói gọn ở trong chuyên ngữ. Nhưng khi lên đại học thì em sẽ nghĩ khác, rồi khi đi làm thì em sẽ nghĩ khác.
Anh cũng vậy. Lúc bắt đầu viết thì rất tĩ tã nghĩ rằng được 1000 likes là blogger số một thế giới rồi. Nhưng sau đó thì mới biết về những bloggers có 3.000 likes, 10.000 likes, hay trăm nghìn likes. Chỉ khi có 1.000 likes, anh mới biết về những người đã viết trước mình rất lâu và viết hay hơn mình rất nhiều.
Lý thuyết của anh về bell curve vẫn có ý đúng, tức là cuộc sống sẽ luôn có những việc mình giỏi và đam mê. Cũng sẽ có những việc mình làm chưa tốt, và những việc mình làm ở mức trung bình.
Nhưng 1 ý còn thiếu là bell curve không cố định. Mình làm càng giỏi thì bell curve càng lớn. Bell curve càng lớn thì mình sẽ càng gặp được nhiều người giỏi hơn mình.
Bây giờ thì anh không còn nghĩ nhiều về những cái bell curve đấy nữa, mà chỉ quan tâm xem khi mình gặp được những người giỏi, thì mình học được gì từ họ và học như thế nào. Khi gặp những bloggers khác, anh sẽ hỏi họ về quá trình suy nghĩ, cách họ quản lý và thai nghén ý tưởng, các thói quen viết họ sử dụng, họ có ý định xuất bản sách không, vân vân và mây mây.
Anh nghĩ điều quan trọng không phải là mình đứng ở đâu trên bell curve, mà là mình sẽ học được gì từ những người đi trước, và làm được gì để giúp những người đi sau.”
Theo tôi, đó là sự khác biệt giữa bell curve và learning curve. Một bên tập trung vào so sánh và vai vế. Còn một bên tập trung vào học hỏi và tiến bộ.
Tôi hy vọng bạn sẽ tìm được một cộng đồng mà mọi người quan tâm đến sự phát triển của nhau, bất kể bạn đến từ đâu và đang ở đâu.
Nhân tiện, Chúc mừng sinh nhật anh Tuấn Mon!
Nhờ bài viết này mà em thấy được sự khác nhau giữa bell curve với learning curve, và mình cần tập trung vào cái gì. Cảm ơn anh ạ!
Em cảm ơn anh vì bài viết siêu hay đã khiến em bớt so sánh bản thân với người khác ạ!