Ngày 9: Ai cũng xứng đáng được sếp bảo vệ
Mùa hè vừa rồi, mình thực tập ở 1 quỹ đầu tư mạo hiểm. Trong 1 lần liên hệ với founder 1 startup để khuyến khích họ gửi hồ sơ xin đầu tư, mình nhận được 1 email phản hồi không khiêm tốn lắm. Trong email đó, founder này yêu cầu được kết nối trực tiếp với Managing Partner (đối tác quản lý) của quỹ để thảo luận công việc chứ không muốn làm việc qua mình (một thực tập sinh).
Mặc dù không có thiện cảm lắm với email này, mình cũng hiểu được lý do họ muốn làm việc trực tiếp với sếp mình. Nên 1 cách rất chuyên nghiệp, mình forward email cho sếp và hỏi xem sếp có muốn mình kết nối 2 người không.
Nhưng đây lại là email mình nhận được từ sếp: “Không. Tín hiệu này không tốt. Anh không thích cách người này đối xử với em.”
Chỉ với 2 dòng đó thôi, sếp cho mình cảm giác được bảo vệ - 1 cảm giác mà mình hứa với bản thân rằng sẽ luôn tạo ra cho những người đồng đội của mình.
Khi đi làm, đặc biệt là thực tập sinh hoặc mới ra trường, mình nghĩ phần lớn chúng ta sẽ không tránh khỏi việc nghĩ rằng vị trí của mình không quan trọng, rằng cống hiến của mình còn quá nhỏ bé, nên vì thế, chúng ta mặc định chấp nhận mình chưa có “quyền” được bảo vệ bởi tổ chức.
Mình được nghe những câu chuyện bạn mình kể về văn hóa công sở độc hại, về việc bị quấy rối tình dục bởi khách hàng, bị ép uống rượu, phải nghe những lời nói miệt thị, hạ thấp nhân phẩm đều như cơm bữa, ma cũ bắt nạt ma mới…
Tất cả những hành vi độc hại này được coi là lẽ thường, ai cũng phải trải qua, ai cũng phải chấp nhận, dưới danh nghĩa “Một người vì mọi người” hay “Một điều nhịn là chín điều lành”.
Khi những hành vi độc hại trở thành lẽ thường, những người như mình và nhiều bạn đọc blog - những người đang mon men những bước đầu tiên trên con đường sự nghiệp, có khi còn không nhận thức được là chúng độc hại.
Trong câu chuyện của mình cũng vậy, mình không nhận thức được cách người founder kia đối xử với mình là không chuyên nghiệp và xấu tính. Mình chỉ nhận ra điều đó khi sếp của mình chỉ ra, và quyết định bảo vệ mình.
Đó là 1 quyết định không phải người sếp nào cũng sẽ làm. Bảo vệ nhân viên khi lợi nhuận và quan hệ được đặt lên bàn cân. Và mình biết ơn sếp vô cùng khi đã đưa ra quyết định đó.
Mình viết bài này ra, để nhắc nhở bản thân phải luôn đứng lên và bảo vệ đồng đội của mình khi họ bị bắt nạt. Mình cũng mong rằng, nếu bạn đang hoặc sẽ trở thành “sếp” của một ai đó, bạn sẽ bảo vệ họ khỏi những hành vi độc hại.
Dần dần, chúng ta sẽ thay đổi được văn hóa làm việc này. Dần dần, chúng ta sẽ viết lại những gì được coi là “lẽ thường”.
Mình biết việc này là rất khó, nhưng công việc của chúng ta là cố gắng tạo ra những điều kiện để xã hội trở nên tốt hơn, chứ không phải ngồi phán là “nó sẽ mãi như thế thôi”.
Bởi vì, con cháu của chúng ta sẽ thừa hưởng những “lẽ thường” mà chúng ta tạo ra.
Mình muốn con cháu của mình cảm thấy được bảo vệ, kể cả khi mình không còn sống để bảo vệ chúng nữa.
—
Bài này mình viết sau khi nghe tập podcast bàn về quấy rối tình dục của Two Girls One Podcast. Ở MỞ, team mình 80% là nữ, những người phụ nữ thông minh, bản lĩnh, vui tính. Khi nghe podcast, mình nhớ về lần mình giận tím người khi các bạn nữ kể lại trong chuyến company trip hè vừa rồi, mọi người bị một đám đàn ông trêu ghẹo ở biển 1 cách kinh tởm, nhưng phải chấp nhận nó như 1 lẽ thường.
Mình giận bản thân vì không biết kịp thời để có thể bảo vệ mọi người. Mình giận 1 xã hội mà chuyện quấy rối tình dục được bình thường hóa, bị biến thành những trò đùa. Nhưng mình vẫn tin là từng chút một, chúng ta sẽ thay đổi được xã hội.