Tôi còn nhớ, chữ ký đầu tiên và hình như là cuối cùng tôi xin là của một giáo viên thực tập hồi tôi học lớp 1. Hôm đó là ngày đầu tiên các thầy cô thực tập nhận lớp. Khi tiếng trống giải lao vang lên, tất cả bạn bè tôi chạy xô ra hành lang, một tay cẩm vở, một tay cầm bút, ào đến xung quanh các thầy cô và xin chữ ký tới tấp.
Không muốn là 1 đứa lạc quẻ trong lớp, tôi cũng cầm vở và bút xếp hàng đợi đến lượt mình. Tôi chả nhớ tên cô là gì, cũng chả nhớ mình có trao đổi gì với cô về những khó khăn trong cuộc sống lớp 1 của tôi không. Nhưng sau khi có được chữ ký đó ở cuối vở, tôi cảm thấy yên tâm hơn, tự tin là mình cũng cool ngầu giống mọi người - những người có được chữ ký của những người cho chữ ký.
Năm đầu tiên học ở Trung Quốc, trường tôi tổ chức 1 tuần “Dự án Xã hội” cho học sinh lớp 10 và 11. Trong 1 tuần đó, chúng tôi - phân nửa học sinh quốc tế và phân nửa học sinh Trung Quốc, được điều đi các trường công nội trú ở những huyện vùng núi hoặc quê nghèo của Trung Quốc, để dạy tiếng Anh cho học sinh.
Và ngạc nhiên chưa, sau mỗi tiết học, tụi nhỏ, giống hệt tôi và các bạn ngày xưa, chạy xô ra hành lang, tay cẩm vở, tay cầm bút, ào đến xung quanh tôi và xin chữ ký tới tấp. Tôi không nói đủ nhiều tiếng Trung để có thể hỏi chuyện tụi nhỏ, và chúng cũng không nói đủ nhiều tiếng Anh để trả lời tôi.
Thế là tôi cứ cặm cụi ký tên mình, vẽ cái cờ Việt Nam bên cạnh, hết quyển vở này đến quyển vở tiếp theo, cho đến khi tiếng trống hết giờ giải lao vang lên, và tụi nhỏ phải quay lại lớp.
Ở ngôi trường nội trú thuộc tỉnh Hồ Bắc đó, nơi phần lớn học sinh đến từ những gia đình nghèo, có bố mẹ lao động ở xa và ông bà già ở nhà, tôi có lẽ đã là người ngoại quốc đầu tiên mà tụi nhỏ gặp. Xin chữ ký của tôi, có lẽ là một kỉ niệm khó quên của tụi nhỏ. Mà sau này, mỗi lần chúng nhìn vào cái chữ ký xấu hoắc và lá cờ Việt Nam nham nhở đó, chúng có thể nhớ đến tôi - 1 người đàn ông trông rất giống người Tàu, nhưng lại không biết nói tiếng Tàu.
Hoặc không, chúng cũng sẽ chả nhớ gì cả, giống như tôi không nhớ gì về cô giáo thực tập năm tôi lớp 1.
Theo tôi, việc xếp hàng xin chữ ký hay ké 1 kiểu ảnh của những người chúng ta “thần tượng” đều có 1 trong 2 mục đích: mục đích khoe mẽ và mục đích lưu trữ.
Mục đích khoe mẽ là khi chúng ta chụp vội 1 kiểu ảnh để đăng Instagram, không có 1 chút tương tác khác nào ngoài việc cùng nhìn vào 1 cái máy ảnh và cười gượng gạo trong 2 giây.
Mục đích lưu trữ là khi bức ảnh được chụp ở cuối cùng, sau khi ta đã dành 5, 10 phút trò chuyện với nhau về những thứ chúng ta thực sự quan tâm, vì tôn trọng thời gian của nhau nên ta xin phép kết nối online, và chụp 1 kiểu ảnh kỉ niệm cuộc gặp mặt này.
Nếu được khuyên Tùng 3 năm trước, tôi sẽ bảo nó hãy tương tác với tất cả mọi người, bất kể người thân hay thần tượng, với mục đích tạo ra kỉ niệm, chứ không chỉ vì vài tương tác ảo trên mạng xã hội.
Mà tốt nhất là, đừng thần tượng ai cả.
Khoảnh khắc tôi dừng thần tượng một người, dừng coi họ là “con nhà người ta”, và chấp nhận rằng họ cũng là một con người bình thường với những trăn trở bình thường, tôi thấy khoảng cách giữa tôi và họ mờ hẳn đi. Thay vào đó là khát khao học hỏi, bầu bạn, và, biết đâu đấy, giúp đỡ họ.
Đó là cách chúng ta nên tương tác với thần tượng: coi họ là con người.
Ảnh: tôi gặp Tom Schulman ở 1 bữa tiệc networking cuối 2019, thấy ông nhìn cũng ngáo ngơ như mình, tôi bắt chuyện với ông. Nói chuyện 1 hồi thì biết ông viết kịch bản cái phim gì “Dead Poets Society”. Nghe chả rõ. Thế là tôi xin đi vào nhà vệ sinh để Google xem ông này làm gì.
Té ra người ta có giải Oscar 🙂 Chạy vội ra xin kiểu ảnh kỉ niệm rồi tót đi chỗ khác.