Có 2 quyết định quan trọng khi đọc sách mà mọi độc giả đều phải đưa ra: (1) là nên cầm cuốn sách nào lên? và (2) là có nên hay không đặt cuốn sách này xuống?
Bài này mình viết về câu trả lời của bản thân cho 2 câu hỏi này, mục tiêu chính là giúp chúng ta coi việc đọc sách bớt nghiêm trọng hơn.
1. Chọn sách như thế nào?
Để trả lời câu hỏi này, mình phải thú thật là mình có 2 mode đọc sách: Mode Lướt và Mode Đào.
Ở mode Lướt, bạn đọc tóm tắt trên mạng, lướt qua headlines, đoạn đầu và đoạn cuối của từng chương, nghe sách nói tốc độ x2… Có 2 mục đích chính trong mode lướt. (1) là nắm bắt nội dung sơ bộ và những ý tưởng chính của sách. Và (2) là quyết định xem cuốn sách nào xứng đáng được chuyển sang mode Đào.
Ở mode Đào, bạn highlight, ghi chú, và cố gắng thẩm thấu 100% nội dung của cuốn sách đó. Bạn có thể, và nên đọc một cuốn sách xứng đáng ở mode Đào nhiều lần, vào những giai đoạn khác nhau, để hiểu những lớp nghĩa/ bài học mà trước đấy mình bỏ qua.
Cách tốt nhất để biết một cuốn sách có xứng đáng dành thời gian đọc sâu không, là chạy nó qua mode lướt.
(Kể cả khi một cuốn sách được gợi ý cho mình bởi 1 người rất đáng tin, mình cũng sẽ đọc lướt trước khi quyết định đọc sâu, vì có thể hoàn cảnh của họ khi đọc cuốn đó khác hoàn cảnh của mình.)
2. Có nên hay không đặt một cuốn sách xuống?
Trong 1 survey của Goodreads, 38.3% người dùng mạng xã hội này sẽ hoàn thành 1 cuốn sách kể cả khi họ ghét nó.
Đây là 1 con số đáng khen cho sự kiên trì, nhưng đáng báo động cho khả năng phân bố nguồn lực hiệu quả.
3 năm thử nghiệm và mày mò với việc đọc giúp mình nhận ra rằng, quyết định tốt nhất mình có thể làm cho bản thân là đặt một cuốn sách xuống khi cảm thấy nó không phù hợp với mình.
Có 1 chu trình chọn sách (Lướt ⇒ Đào) sẽ giúp bạn giới hạn được những cuốn sách không phù hợp, nhưng thỉnh thoảng, một vài cuốn vẫn sẽ vượt qua bộ lọc đó. Việc chúng ta cần làm, không phải là nuốt nước mắt vào trong và đọc cho hết vì đã trót dành 10 tiếng đọc 1 nửa rồi, mà hãy chấp nhận mình chọn sai và đặt sách xuống.
Đừng tiếc 10 tiếng đã mất. Hãy cứu lấy 10 tiếng tương lai của bạn.
Như James Clear, tác giả của Atomic Habits, từng nói:
Đời là quá ngắn để lãng phí thời gian vào những cuốn sách trung bình. Bỏ sách thật nhanh và đừng bao giờ xấu hổ.
3. Tóm lại là
Việc bỏ dở 1 cuốn sách chẳng có gì xấu cả. Việc không hiểu mọi ý tưởng của tác giả cũng vậy. Miễn là bạn biết mình muốn đọc ở mode nào.
Chúng ta không nên nghiêm trọng hóa chuyện đọc đến mức mình không dám nhấc 1 quyển sách lên, hoặc không dám đặt nó xuống khi không còn thấy phù hợp với mình.
Muốn xã hội đọc nhiều hơn, thì đọc lướt hay đọc sâu cũng đều nên được tôn trọng. Ở một quốc gia người dân trung bình đọc chưa được 2 cuốn sách ngoài sách giáo khoa 1 năm, mà bắt ai đọc cũng đọc sâu, thì thật ảo tưởng.
I also picked up Range last year and never finished it :)
One thing I have noticed about books though is to write really well, reading older literature helps significantly vs. more modern books.