Đối với mình, điểm khác biệt lớn nhất giữa thử thách viết 30 ngày của năm nay và 70 ngày của năm ngoái là routine.
Routine viết năm ngoái của mình kinh khủng hơn năm nay rất nhiều, với lịch trình cụ thể: khoảng thời gian nào sẽ được dành ra để viết, sẽ viết trước và sau những hoạt động nào, và viết trong không gian nào đều được mình tuân thủ nghiêm túc.
Trong thử thách 70 ngày năm 2021, 1 ngày của mình 90% trông như thế này:
Dạy lúc 8h30. Ăn sáng.
Đi học từ 9h40 đến 11h10
Ngủ trưa ngắn từ 11h15 đến 11h45
Tập gym và nghe 1 podcast từ 11h50 đến 12h20
Ăn trưa từ 12h20 đến 1h
Đi học lớp chiều từ 1h đến 3h kém
Làm bài tập từ 3h đến 4h
Tắm nhanh trong 7 phút
Viết từ 4h30 đến 6h chiều trong phòng mình. Cửa sổ hướng Tây, nên coi như mình có 1 chiêc đồng hồ tự nhiên. Mặt trời lặn là sẽ viết xong.
Viết xong sẽ đi nấu ăn, ăn uống, dọn dẹp với Đức đến 8h
Nap 30 phút
Làm bài tập hoặc làm việc MỞ đến 10h30
Đọc sách đến 11h30
Ngủ
Nhìn thì có vẻ chán. “Sáng tạo nội dung quái gì mà cứ đều đều thế?” Vậy mà chính cái lịch nhạt nhẽo, đều đều này là lý do mình có thể sản xuất gấp đôi số lượng bài của năm nay, mà không cảm thấy mệt bằng 1 nửa.
Năm nay, mình cũng có 1 routine rất tốt trong nửa đầu của thử thách. Mình luôn có sẵn 2 bài phòng trường hợp không có gì để publish. Tuy nhiên, bước sang nửa sau, khi đã dùng hết 2 bài dự trữ và chịu áp lực sáng tạo trong ngày, mình bắt đầu cảm thấy burnout.
Sai lầm lớn nhất của mình năm nay là nghĩ rằng: Mỗi phút rảnh mà mình không viết hoặc nghĩ về việc viết, là một phút lãng phí.
Mình nghĩ rằng dành càng nhiều thời gian nằm vắt tay lên trán nghĩ ý tưởng, thì lúc viết sẽ càng trôi.
Nhưng hóa ra là sáng tạo không hoạt động như vậy. Từ trải nghiệm cá nhân, mình tin rằng sáng tạo cần những quãng nghỉ chủ động.
Không phải nghỉ bị động vì mệt quá, nghỉ chủ động có nghĩa là kể cả khi bạn không có gì để làm, bạn cũng chọn làm một hoạt động “không liên quan” gì đến sáng tạo hết.
Nếu được làm lại thử thách này (hẹn anh em năm sau), chắc chắn mình sẽ kích hoạt lại 2 quãng nghỉ này:
Thứ nhất là tập thể dục và nghe podcast.
Thứ hai là nấu ăn hàng ngày.
2 quãng nghỉ này cho mình sự minh mẫn (clarity) để nhìn cuộc sống từ một góc nhìn khác. Không chỉ với ý tưởng 1 bài viết mình đang ấp ủ, mà cả với những vấn đề trong công việc, đời sống cá nhân, trường lớp mà mình đang mắc kẹt.
Mình nghĩ ra ý tưởng sơ khai nhất về MỞ khi học về supply chain của Zara. Bài viết này được nghĩ ra khi mình tập gym và nghe 1 podcast về hài độc thoại.
Nhiều khi, chúng ta kẹt mãi ở một vấn đề, vì ta cứ ép mình đi theo 1 lối mòn tư duy cũ mèm. Trong khi lời giải ta đang tìm kiếm lại nằm ngay ở con đường bên cạnh.
Khi mắc kẹt, hãy đặt vấn đề xuống và đi tìm một góc nhìn khác, một góc nhìn từ một chủ đề “chẳng liên quan” gì đến vấn đề ta đang giải quyết cả.
Thử thách này dạy mình là thời gian nghỉ không phải là thời gian lãng phí. Thời gian nghỉ là thời gian bạn đi tìm những góc nhìn khác.
Bây giờ là 11h53, giờ nghỉ trưa ở trường em. Ban nãy vừa đi bộ ra cổng trường mua cơm và quên điện thoại trên lớp. Thế là em phải đi lên trường, leo lên đến tầng 3, thì thay vì bình thường em sẽ nghĩ là mình đang mất công, mất thời gian thì giờ em thấy rằng đó là cơ hội để mình thực hành việc đi bộ. Và cả việc đứng chờ đồ ăn mà không bấm điện thoại, ngắm trời, ngắm mây cũng là cho mình một khoảng nghỉ, anh nhỉ ^^. Kì diệu là những daily blog gần đây của anh, em liên hệ với bản thân được rất nhiều.🌷
Hi Tùng, mình rất thích văn phong của bạn. Nhẹ nhàng tự nhiên và truyền đạt suy nghĩ một cách mạch lạc.
Bài này cho mình nhiều hứng khời về phương thức quản lý thời gian. Có lẽ mình sẽ thử lên thời gian biểu cho những ngày sắp tới xem sao.
Anw, mình có tò mò một chút về khoa học Supply Chain của Zara mà bạn nhắc tới. Có thể cho mình xin thêm thông tin về khoá học này được không? Camr ơn bạn nhiều.