Tuần này, Trí - 1 em người Việt mình chơi cùng ở đại học nhận được lời mời thực tập ở 1 tập đoàn tốt bên Mỹ.
Hôm nay, mẹ em đăng 1 status lên Facebook để kể về thành tựu của em. Bà con làng xóm khắp nơi chúc mừng. Trong group chat người Việt mọi người trêu em, “thành con nhà người ta rồi” các thứ. Mình biết không ai có ác ý gì cả.
Nhưng Trí ngại, inbox riêng nhờ các bạn unsend tin nhắn (bao gồm cả mình). Trí bảo em thấy em chưa làm được gì, mà nhiều thứ mẹ nói hơi quá lên, chứ nó thực sự không to tát như vậy. Đọc những dòng tin nhắn em gửi, mình cảm thấy em có 1 chút xấu hổ.
Xấu hổ về việc mẹ khoe mình.
Mình hiểu vì mình cũng từng cảm thấy như em, xấu hổ khi bố mẹ khoe mình. Rõ ràng mình được bố mẹ dạy phải khiêm tốn mà, nhưng tại sao khi nói về mình thì bố mẹ lại không khiêm tốn thế?
Mỗi lần kể là mình đi du học, bố cũng phải thêm vào vế cháu đi học bổng toàn phần, như kiểu mình nhìn chưa đủ nghèo =) “Người ta không hỏi thì việc gì phải kể?”
Mỗi dịp đi chúc Tết, về quê, hay có bạn bố mẹ đến nhà chơi, mình chỉ dám ngồi bên cạnh cười gượng, nói lí nhí “cũng không có gì đâu ạ” theo sau mỗi câu nổ của phụ huynh.
Hiểu cảm giác đó, nên mình nhắn mấy dòng động viên em. Đại ý là chẳng có gì phải xấu hổ cả, phải tự hào về bản thân chứ.
Rồi em nhắn lại 3 câu khiến mình suy nghĩ cả ngày hôm nay:
“Em nghĩ lại rồi. Mình chả làm được gì cho bố mẹ mấy nên bố mẹ vui là được. Thôi cứ để (bố mẹ) khoe rồi mọi người cũng sẽ quên.”
3 dòng tin nhắn của em làm mình nghĩ lại về câu chuyện của bố mẹ mình.
Bố mình xuất thân từ một gia đình nhà giáo nghèo ở Thái Bình, phấn đấu thi lên đại học ở Hà Nội để học tiếng Nga, phấn đấu nữa để được suất đi Liên Xô 1 năm. Bố được nhận về Cao đẳng ngoại ngữ - Bộ công an để dạy tiếng Nga và gặp mẹ mình.
Mẹ mình là chị cả trong một gia đình cán bộ nhà nước. Mẹ theo ngành công an vì truyền thống gia đình, còn 2 dì đều đi làm tư nhân. Mẹ mình nhìn thấy 2 dì phát đạt về mặt tài chính, trong khi mẹ vẫn mắc kẹt ở một công việc lương đủ sống mà mình không đam mê.
Để 2 chị em mình được ăn học đầy đủ, vào được những trường tốt, bố mẹ mình phải hy sinh nhiều thứ: thời gian, sức lực, trí óc… Nhưng lớn nhất vẫn là ước mơ.
Năm 91 khi bố mẹ cưới nhau cũng là năm Liên Xô tan rã, bố mình không được làm thầy giáo nữa - nghề mà đến bây giờ, mình vẫn nghĩ là “tiếng gọi đích thực” của bố. Bố phải chuyển công tác và trở thành công an.
Bố mình từ bỏ ước mơ trở thành nhà giáo. Mẹ thì coi việc chị em mình hạnh phúc là ước mơ lớn nhất của mẹ.
Bố mẹ phải hy sinh ước mơ của bản thân, để đổi lấy sự ổn định của gia đình.
Đúng hơn là, bố mẹ chọn sự ổn định để mình có thể theo đuổi ước mơ.
Bố mẹ chọn sự ổn định để mình có thể theo đuổi ước mơ.
Mình học chậm 1 năm để đi học ở Trung Quốc. Bố mẹ ủng hộ.
Mình xin nghỉ học 1 kì để đi 12 nước cùng Semester At Sea. Bố mẹ ủng hộ.
Mình gap year 1 năm để ở nhà làm MỞ. Bố mẹ ủng hộ.
Tất cả những thứ mình làm được, nếu không có sự ủng hộ của gia đình, đã không bao giờ xảy ra. Thế thì, mình có quyền gì mà xấu hổ khi bố mẹ tự hào cơ chứ?
Giống như Trí nói, những thứ bố mẹ mình khoe với bạn bè, người ta rồi cũng sẽ quên. Sự ngại ngùng của mình lúc đó, rồi mình cũng chẳng nhớ.
Nhưng niềm vui đến từ sự tự hào về con thì bố mẹ mình không quên được.
Ừ, những thứ bố mẹ khoe có thể không đúng, có thể khiến mình phải giải thích mấy câu với bạn bè, nhưng nhiêu đó sao bằng được những gì bố mẹ đã hy sinh cho mình.
Con đường mình đi không phải 1 con đường phổ biến mà xã hội Việt Nam tuyên dương. Để có đủ dũng khí đi trên còn đường này, bố mẹ mình là 2 cổ động viên lớn nhất mình từng có.
Mình không biết đã bao nhiêu lần, bố mẹ phải vất vả giải thích tại sao mình “chậm” tận 2 năm cho bạn bè và người thân rồi. Những lần mình không ở đó, có khi bố mẹ cũng “xấu hổ” hay lo ngại về sự “lông bông” của mình.
Nhưng bố mẹ không bao giờ thể hiện điều đó khi mình ở bên cả. Chỉ có sự tự hào, sự ủng hộ, và niềm tin vô bờ bến vào ước mơ mình đã chọn.