1 trong những ký ức quan trọng nhất thời thơ ấu của mình là ngửi mùi mồ hôi của bố quyện với mùi cát ẩm mỗi tối, khi bố ôm mình vào lòng sau 1 trận bóng đá. Mình sẽ hỏi hôm nay bố thắng bao nhiêu, bố sẽ kể cho mình về trận đấu trong vài ba câu, đi tắm, rồi xuống ăn với cả nhà.
Hình ảnh bố về nhà, người đầy cát, mồ hôi nhễ nhại, với mình hồi 5 tuổi là hình ảnh của 1 anh hùng trở về nhà sau chiến tranh. Bất kể chiến thắng hay thất bại, thì mình biết là bố cũng đã chiến đấu hết mình trên sân cát.
Hình ảnh đó khiến mình muốn trở thành 1 anh hùng và bắt đầu chơi bóng đá từ hè lớp 5.
Suốt 4 năm cấp 2, mình vác giày ra sân bê tông khu tập thể gần nhà 4 tiếng mỗi chiều hè. dưới cái nóng 37, 38 độ, tì đè những anh đại học, ngã trày da tróc vảy vẫn đứng dậy phủi đất và đá tiếp.
Bố là 1 trong những người duy nhất trong gia đình ủng hộ mình chơi bất kể chấn thương. Bố biết đó là 1 phần của cuộc chiến. Mình không tài nào giải thích cho mẹ và bà hiểu được tại sao đầu gối vừa rách hôm qua, mà hôm nay vẫn phải xách giày đi đá tiếp.
Bố hiểu. Đầu gối bố cũng toàn sẹo đá bóng.
Bố và bóng đá dạy mình nhiều điều: sự tôn trọng, tinh thần thượng võ, tình bạn… Nhưng có lẽ, bài học quan trọng nhất cả 2 dạy mình, chính là cách công khai đối mặt với thất bại, không giấu diếm.
Khi bạn thua 1 trận bóng, tất cả mọi người đều biết bạn vừa thua: đối thủ, đồng đội, khán giả… Vì vậy, thay vì lảng tránh thất bại, chúng mình nhìn thẳng vào nó và mổ xẻ nó ra. “Tại sao hôm nay thua? Lỗi ở vị trí nào nhiều nhất? Đối này có quá tầm của mình không?”…
Bố và bóng đá dạy mình chấp nhận rằng ở biển lớn, luôn có những người thực sự out trình mình. Vì thế, chỉ được buồn khi có thực lực mà vẫn thua. Còn nếu đối thủ quá mạnh, và mình đã cố hết sức, thì chả có gì phải buồn cả. Thậm chí còn nên vui vì đã được cạnh tranh cùng những người giỏi như vậy.
Giống nhiều người chơi thể thao cạnh tranh, bố và mình đều khao khát cảm giác chiến thắng. Nhưng bố dạy mình rằng trên con đường tìm kiếm chiến thắng, không bao giờ được sợ thất bại. Những người sợ thất bại đã chẳng bao giờ xuất hiện trên con đường đấy rồi.
Thể thao không phủ đường rắc mật lên từ “thua”. Thua không phải là “chuyển hướng” hay “bỏ lỡ cơ hội”. Thua là thua.
Điều quan trọng duy nhất là, bạn có thua đẹp hay không.
Mình muốn đến cuối đời, mình có thể nhìn thấy những vết sẹo trên đầu gối, ngửi được mùi mồ hôi quyện với cát ẩm, và cảm thấy mãn nguyện vì đã sống hết mình, bất kể kết quả cuối cùng có ra sao.
Là một dân chơi bóng đá khác, bài này đánh đúng trọng tâm. Em cũng gắn bó với bóng đá từ nhỏ, ngoài việc là sở thích ra cũng là vì những giá trị mà nó nhắc nhở em mỗi lần xỏ giày.