Trust Bank (Ngân hàng Niềm tin) là 1 khái niệm mình đọc được trong bài phỏng vấn Alice Bentick (founder coach duy nhất của Y Combinator).
Đại ý của Alice là khi khởi nghiệp, founder nào cũng sợ rất nhiều thứ. Khi nỗi sợ xâm chiếm tâm trí, bạn không thể đưa ra những quyết định sáng suốt được.
Theo Alice, để vượt qua được những nỗi sợ của mình, thứ 1 founder cần không phải là sự bình tâm, tĩnh lặng, hay cảm giác kiểm soát được tình hình…
Thứ 1 founder cần là NIỀM TIN.
Niềm tin vào co-founder, vào teammates, vào thị trường, vào chính mình (tự tin)…
Tất cả những niềm tin này tạo nên 1 “Ngân hàng Niềm tin” - nơi 1 người có thể đến “rút” niềm tin khi sợ.
Lý do bạn nên có nhiều “tài khoản” trong ngân hàng niềm tin là vì trong những ngày bạn mất niềm tin vào chính mình, bạn vẫn có thể tìm thấy niềm tin nơi teammates; hoặc những ngày bạn mất niềm tin vào teammates, bạn vẫn có thể tìm thấy niềm tin ở bản thân.
2 loại niềm tin
Về cơ bản, mình nghĩ chúng ta có 2 loại niềm tin: niềm tin đến từ bên trong (tự tin) và niềm tin đến từ bên ngoài.
8 tháng vừa qua cố gắng xây dựng và phát triển MỞ dạy mình rằng: Khi niềm tin đến từ bên trong yếu, bạn sẽ cần huy động niềm tin đến từ bên ngoài để đi tiếp.
Đã nhiều lần trong cuộc đời mình, niềm tin đến từ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, hay mentors, giúp mình không bỏ cuộc: từ khi apply học bổng du học, đến quyết định gap year, hay gần đây nhất là chuyển về Việt Nam khởi nghiệp.
Việc có những người tin mình kể cả khi bạn không tin bản thân, là 1 sự may mắn không phải ai cũng có.
Và mình luôn biết ơn những người đã tin rằng mình có thể vượt qua những giờ phút thử thách đó.
Nhiều khi, thứ chúng ta cần không phải là 1 lời khuyên hay chiến lược, thứ chúng ta cần chỉ là 1 lời động viên: “Mẹ tin con/ Tao tin mày/ Chị tin em làm được mà.”
Sử dụng cả 2
Mình thấy việc trau dồi niềm tin vào bản thân - niềm tin đến từ bên trong mà chúng ta kiểm soát được - là cần thiết và đáng khen.
Nhưng việc tìm kiếm niềm tin đến từ bên ngoài - để có thể sử dụng trong những tình huống bạn không thể tin vào chính mình - là rất thực tế và không nên bị bài trừ.
Mình không đồng ý với nhiều diễn ngôn thời đại này rằng “Bạn chỉ có thể tin vào chính mình thôi, đừng trông chờ vào 1 ai khác”.
Mình thấy quan điểm trên là 1 quan điểm khá cực đoan, và nó có thể đến từ 1 hiểu lầm về bản chất của niềm tin.
Hiểu lầm đó là niềm tin là 1 Zero-Sum Game (trò chơi có tổng bằng không).
Niềm tin của tôi đến từ bên ngoài nhiều hơn có nghĩa là niềm tin của tôi cho chính mình ít hơn. Thế nên tin người ngoài ít thôi, để tin mình nhiều lên.
Nhưng bản chất của niềm tin không phải Zero-Sum Game - 1 miếng bánh bạn ăn nhiều thì tôi ăn ít.
Theo mình, bản chất của niềm tin là 1 Positive-Sum Game (trò chơi có tổng dương) - 1 miếng bánh liên tục to ra, bạn làm nhiều ăn nhiều, tôi cũng làm nhiều ăn nhiều.
Bạn có thể vừa trau dồi niềm tin đến từ bên trong, VÀ phát triển những mối quan hệ xã hội mới để gia tăng niềm tin đến từ bên ngoài.
(1) Bạn càng tin vào chính mình + (2) Càng có nhiều người tin vào bạn và ủng hộ cho sự thành công của bạn. Kết hợp 2 yếu tố này, tổng niềm tin của bạn càng lớn, chứ không triệt tiêu nhau.
Ngân hàng Niềm tin càng phát triển → Suy nghĩ càng thông suốt → Quyết định càng tốt.
Bigger Trust → Clearer Thinking → Better Decisions.
Mình tin rằng việc con người có thể tin nhau, và khiến cho người mình tin vào tự tin hơn vào chính mình, là 1 điều rất tuyệt vời.
Đây là điều mình luôn cố gắng làm cho học sinh của mình. Vì học sinh tin mình, nên khi mình nói mình tin bạn, bạn cũng tin vào bản thân hơn.
Trust is probably the greatest gift you can give someone.
Niềm tin có lẽ là món quà tuyệt vời nhất bạn có thể trao cho 1 người.
Dĩ nhiên, không phải ai bạn cũng tin được, và mình đang không cổ súy cho việc tin TẤT CẢ MỌI NGƯỜI. Xã hội nào chẳng có người này người kia.
NHƯNG, nếu chỉ vì gặp 1 vài người xấu mà bạn tin rằng cả xã hội xấu, để quyết định không tin một ai hết ngoại trừ bản thân, thì mình nghĩ bạn đang tự tước đi 1 nguồn động viên rất lớn trong những giờ phút khó khăn (mà kiểu gì bạn cũng sẽ gặp lại).
Vậy nên, hãy:
Trau dồi niềm tin đến từ bên trong,
Vun vén cho những mối quan hệ xã hội đang có, và
Phát triển những mối quan hệ xã hội mới để gia tăng niềm tin đến từ bên ngoài.
Hãy trở thành Ngân hàng Niềm tin cho chính mình, và cho người khác.
Câu hỏi cho bạn đọc:
Ai là người luôn tin bạn? → Hãy gửi cho họ bài viết này 😊
Niềm tin của ai vào bạn có sức nặng lớn nhất (ví dụ: của gia đình/ 1 mentor/…)?
—
Còn 7 ngày nữa để đăng ký học blogging tại Writing On The Net #6 với mình với mã giảm giá 40% 😮
Đi đi, để mình tin bạn :)
Trả lời câu hỏi cuối: Gửi lại bài này cho MỞ =))))
Concept Zero-sum và Positive-sum game c được đọc trong cuốn của bác Naval Ravikant thấy khá thú vị nè. Áp qua concept niềm tin bên ngoài và bên trong của bác Tùng hay phết :))