Kiệt sức (Burnout)
2 tuần vừa rồi có lẽ là quãng thời gian kinh khủng nhất đời mình. Mình gặp phải 1 writer’s block rất tệ. Mặc dù trong Writing On The Net, mình giúp nhiều học sinh vượt qua nỗi sợ viết và công khai những bài viết chưa hoàn hảo, nhưng gần đây, chính mình lại sợ viết.
Mình sợ phải công khai những gì mình viết. Mình sợ flop. Vì nếu mình flop, MỞ cũng sẽ flop. Phần lớn doanh thu của MỞ vẫn phụ thuộc vào khả năng bán 1 ý tưởng của mình.
Ngày hôm qua, khi Facebook bóp reach của mình đến mức thoi thóp, mình được nhắc là tài sản lớn nhất của mình (cái blog này) còn chả thuộc về mình. Nó thuộc về 1 nền tảng mình không có bất kỳ 1 quyền kiểm soát nào.
“Akwaaba Tùng sắp chết rồi!”
Và khi viết những dòng này, mình nhận ra là mình kiệt sức rồi.
Vừa cân bằng chuyện học hành trên trường với đi dạy, kết hợp với áp lực phải lên kế hoạch cho cuộc sống sau tốt nghiệp, áp lực phải viết để thuật toán không giết mình, và nỗi sợ viết xong thì bị bóp...
Hôm qua, mình chấp nhận rằng mình đã thực sự kiệt sức sau 1 tháng ôm đồm quá nhiều thứ.
Và thật bất ngờ, mình cảm thấy tốt hơn hẳn khi gõ được dòng “Mình kiệt sức rồi” (I’m burnt out) ra.
Bước đầu tiên để giải quyết 1 vấn đề cá nhân, là chấp nhận mình có vấn đề đó.
Bước thứ 2 là gì thì tùy mỗi người, nhưng mình chọn phản tư tiếp xem vấn đề này đến từ đâu.
Và sau 1 hồi suy ngẫm, mình nhận ra là: Mình không chỉ có 1 vấn đề kiệt sức, mình có cả 1 văn hóa kiệt sức.
Với 5 năm chinh chiến trong sân chơi “giáo dục trại hè”, mình đã quá quen với việc cháy hết mình trong 1 thời gian ngắn (3 tháng hè), phục hồi trong 1 thời gian dài (9 tháng tiếp theo), rồi lại cháy tiếp (vào hè năm sau). Thế nên khả năng chạy các cuộc đua ngắn của mình rất tốt.
Những project cá nhân như thử thách viết/ liều/ networking 30 ngày, hay những project cộng đồng bao gồm nhiều đồng đội hơn, nhưng được thực hiện trong 1 thời gian ngắn, đều dễ như ăn bánh đối với mình.
Mình cũng là 1 cựu học sinh trường chuyên, điều này có nghĩa là mình được đào tạo để làm cực tốt trong những bài kiểm tra ngắn với áp lực cao.
Hồi luyện thi Chuyên Ngữ, mình học thuộc lòng cả 1 quyển sách văn mẫu trong 2 tuần để tỏa sáng trong 120 phút (điểm 5 Văn vừa đủ để mình đỗ hệ Chuyên). Và quên tất cả mọi thứ giây phút mình rời khỏi phòng thi.
Mình làm tất cả những chuyện này mà không nhận ra mình đang tạo ra 1 văn hóa kiệt sức cho chính mình - nơi kiệt sức được coi là 1 điều hết sức bình thường. Mình được lập trình để cháy to nhất trong thời gian ngắn nhất, chứ không phải cháy lâu và bền nhất.
Lửa cháy bừng bừng mà không biết còn bao nhiêu củi, để thổi nhỏ lại và đi kiếm thêm, thì lửa cũng sẽ tàn.
Lần kiệt sức hôm qua dạy mình phải thay đổi kiểu làm việc với tư duy ngắn hạn này. Mình phải biết lúc nào cần cháy, lúc nào cần âm ỉ. Bởi vì đây không còn là bếp lửa của mỗi mình nữa. Đây là bếp lửa chung của rất nhiều đồng đội và học sinh của mình.
Mình cũng không biết ngọn lửa đam mê với giáo dục của mình còn cháy trong bao lâu nữa. Nhưng mình biết là mình muốn được chia lửa và cháy cùng nhiều người hơn nữa.
Điều đó có nghĩa là cháy vừa thôi, nhưng cháy 1 cách bền vững. Đi chậm lại, nhưng đi xa hơn, cùng nhiều người hơn.
Bây giờ, cho điều trị bỏng 1 tí. Mình sẽ quay lại.
—
Sau khi chia sẻ về việc kiệt sức đêm qua, mình nhận được rất nhiều lời động viên từ bạn bè, đồng nghiệp, và học sinh. Làm mình muốn viết vài dòng biết ơn:
Mình biết ơn những đồng đội của mình ở MỞ vì nếu thiếu họ, chắc mình đã ngỏm từ 4 tuần trước rồi. Mình biết ơn những học sinh của mình trong Writing On The Net vì họ cho mình lòng can đảm để tiếp tục viết và chia sẻ bài viết này, vì “có ai đó trên Internet cần đọc được những dòng này”.
Và mình biết ơn bạn, những người vẫn đọc những thứ mình viết, những người nhắn tin với mình để nói rằng con chữ của mình đã giúp bạn bằng 1 cách nào đấy. Bạn là lý do mình sẽ không bao giờ dừng viết.