Mình nghĩ xã hội chúng ta đang quá thần thánh hóa sự kiên trì (grit).
Những diễn ngôn tôn thờ sự kiên trì khiến cho nhiều người cảm thấy xấu hổ mỗi khi phải từ bỏ, kể cả trong những trường hợp từ bỏ mới là lựa chọn đúng: rời khỏi một mối quan hệ độc hại, nghỉ chơi với một người bạn thân lợi dụng mình, bỏ một dự án vô nghĩa…
Trong một xã hội quá tôn thờ sự kiên trì thì việc thay đổi, đặc biệt là trong thời gian “ngắn”, lại bị nhìn dưới một con mắt khá tiêu cực.
“Mới yêu nhau được X tháng mà đã chia tay à?” - “Ủa, thế yêu bao lâu thì mới được biết không hợp nhau? Mà rõ ràng thấy không hợp nhau rồi sao lại phải cố đấm ăn xôi ở lại?”
Chúng ta nhìn vào những người “thành công” và cho rằng thành công của họ chắc hẳn đến từ sự quyết tâm và kiên trì với những điều họ làm. Nhưng ít ai nhìn thấy là để có được sự quyết tâm và kiên trì đó, những người thành công cũng phải trải qua một quá trình thử nghiệm và chuyển hướng không biết mệt mỏi.
Trước khi trở thành 1 “blogger”, mình từng ghét cay ghét đắng việc viết văn ở trường. Nhưng vì có nhiều điều muốn nói nên mình học cách thể hiện bản thân qua các phương tiện khác. Mình học chỉnh sửa video, học mix nhạc cho câu lạc bộ nhảy, tập tành public speaking.
4 năm cấp 3 ở Chuyên Ngữ và UWC Trung Quốc, mình cũng được nhiều bạn biết đến là diễn giả hoặc videographer ổn áp trong trường. Mình từng luôn nghĩ rằng nếu một ngày trở thành creator, mình sẽ là 1 YouTuber. Nhưng ai biết được đấy, blogging chọn mình trong 2 tiếng chờ lên máy bay ở Malaysia năm 2019. Thử viết thôi mà nhiều likes quá, thế là viết đến tận bây giờ.
Kể cả đến khi đã theo blog được 3 năm, mình cũng không phải 1 người kiên trì với 1 chủ đề hay 1 phong cách blog. Mình bắt đầu blog về trải nghiệm du lịch, nhảy sang bình luận xã hội, leadership và cấu trúc tổ chức, nền kinh tế sáng tạo, còn bây giờ là gì thì mình cũng chả biết nữa 🙃 Mình thử nghiệm các độ dài từ 200 đến 3000 từ. Kinh qua các giai đoạn đính kèm hình ảnh khác nhau, từ (khoe) ảnh đẹp của mình, đến ảnh thiên nhiên không liên quan, phong cách Instagram swipe to read, đến hình minh họa tự vẽ, và giờ là tất cả các style.
Việc di chuyển giữa các chủ đề và phong cách khác nhau cho mình cơ hội được khám phá các giới hạn của sáng tạo nội dung và chính bản thân mình. Thích học về bất cứ cái gì thì mình đều có thể đọc sách, nghiên cứu, rồi thử viết về chủ đề đấy. Flop thì thôi, đi thử chủ đề khác. Coi việc blog giống như làm thí nghiệm khiến mình háo hức sáng tạo hơn.
Nếu được dùng từ kiên trì để miêu tả bản thân, mình sẽ chỉ dám nói là mình kiên trì với việc thử nghiệm. Và mình mong các bạn cũng sẽ trau dồi tư duy này.
Kiên trì không có nghĩa là không thay đổi hay đâm đầu một cách mù quáng vào một con đường không phù hợp với mình.
Kiên trì với việc thử nghiệm đi đôi với sự khiêm tốn và cởi mở, để dám rẽ sang một hướng khác khi nhận ra mình đang đi sai đường.
Hãy nhớ rằng, kiên trì trên một con đường sai sẽ đưa bạn tới một điểm đến tồi.
Vậy nên, câu hỏi quan trọng không phải là bạn đã bỏ cuộc bao nhiêu lần. Câu hỏi quan trọng là: Bạn bỏ cuộc vì thiếu kiến trì, hay vì tìm thấy một con đường phù hợp hơn với mình?
Vì nếu câu trả lời là phương án B, thì bỏ đi, thử cái khác. Đừng lãng phí thêm bất cứ 1 giây phút cuộc đời nào trên 1 con đường không phù hợp với mình.
Nếu bạn đang muốn tìm một nơi để thử nghiệm, MỞ đang tuyển nhiều vị trí ở đây!
P/s: Đây là 1 video mình từng làm hồi còn học cấp 3 :D Suýt YouTuber thật mà :D
Thích câu này quá bạn
"Hãy nhớ rằng, kiên trì trên một con đường sai sẽ đưa bạn tới một điểm đến tồi."
Cũng may là bạn làm nhà văn chứ nếu làm Youtuber thế giới phí đi một cây bút😃
Yo chủ nghĩa cá nhân quá lớn làm mọi người toàn đổ thừa là mày không kiên trì đủ lâu 🤷♀️ thành ra overrated 🥴🌹