I. Hơn 1000
Là số slides mình và Tuấn Mon đã tạo ra và tinh chỉnh trong khóa học Writing On The Net #4.
Khi ngỏ lời rủ
cùng dạy “blogging một cách khoa học” hơn 1 năm trước, mình không thể tưởng tượng được 1 ngày bọn mình sẽ có gần 200 học sinh, cùng nhau viết gần 3,000 bài viết, và sử dụng những thuật ngữ mà người “ngoại đạo” khó có thể hiểu nổi - “viết dở và đều”, “framework 3As”, “xe đạp động lực”, “bãi tập kết và nhà kho”, vân vân và vân vân.Và bọn mình vẫn đang xây dựng thêm những mô hình tư duy (mental model), framework, và bài học mới hằng khóa.
Hành trình hơn 1 năm hệ thống hóa lại những chiêm nghiệm và thực hành của mình và Tuấn Mon suốt 4 năm viết lách, đóng gói chúng lại để truyền đạt cho học sinh trong 1 trải nghiệm kéo dài 5 tuần, khiến mình càng tin là để thực sự hiểu và trở nên giỏi hơn ở một lĩnh vực hoặc kỹ năng nào đó, bạn phải dạy được nó cho người khác.
To truly understand and get better at something, you have to teach it to someone else.
Trên hành trình đó, lời nói dối phổ biến nhất là…
II. “Khổ trước sướng sau”
Là cụm từ mình hay nói để “lừa” Tuấn Mon và chính bản thân mỗi lần bọn mình ngồi feedback slides tới 12h đêm vào 2 buổi tối hằng tuần. Mình nghĩ là bây giờ đầu tư công sức làm slides thật tốt thì các khóa sau sẽ nhàn hơn.
Nhưng, cái sự “ám ảnh” của bọn mình với việc “tiến bộ không ngừng” luôn thôi thúc bọn mình nâng cấp nội dung từng slide một, từng bài giảng một, từng khóa một.
Khi Tuấn Mon giảng thì mình sẽ tách 2 screen, 1 để nghe giảng, và 1 để note lại những điểm mạnh và điểm cần cải thiện trên từng slide.
Khi mình duyệt bài thì Tuấn Mon luôn note lại những lỗ hổng logic và hỏi cung kịch liệt cho đến khi bọn mình ra được vấn đề và giải pháp - ổng biết rõ mình có khả năng “làm mờ đi” những lỗ hổng logic bằng khả năng public speaking.
Bọn mình liên tục “nâng chuẩn” cho bài giảng lên những level cao hơn ở mỗi khóa mới. Vì thế, bọn mình luôn luôn khiến cựu học sinh bất ngờ với sự nâng cấp (thậm chí là thay mới hoàn toàn) của content khi quay lại học cùng các khóa sau (nhờ mấy đồng chí quay lại học thả comment xác minh cho câu này có tín nhé).
III. Bọn mình ám ảnh với sự tiến bộ
Và mình rất tự hào về điều này. Nó có nghĩa là mình vẫn quan tâm đến những người mình dạy. Mình vẫn tin là những kiến thức bọn mình chia sẻ vẫn còn không gian để phát triển.
Cái khó nhất của việc kiên định và nghiêm túc cải thiện TỪNG SLIDE MỘT nằm ở việc bọn mình không thể “cô lập hiệu ứng” (isolate effect) của những thay đổi này, để tự tin trả lời “Liệu bài giảng có đang tốt lên (trong mắt học sinh) thật hay không?”
Từ kinh nghiệm giảng dạy, mình biết rằng học sinh thường không nhớ 1, 2 slide cụ thể, các bạn thường nhớ hoặc là 1 bài học lớn, hoặc là 1 cảm giác đặc biệt của lớp học.
Nếu vậy thì việc “cải thiện mạch logic từ slide 67 đến 68” có thực sự có tác động nào lên sự học của học sinh không? Có hay không thì bọn mình cũng không thể biết được, vì học sinh mỗi khóa lại khác nhau, và đôi khi, những thay đổi này là quá nhỏ để học sinh chú ý.
VẬY THÌ
Tại sao mình và Tuấn Mon lại sướng đến mất cả ngủ khi bọn mình thành công xác định và lấp đầy được 1 lỗ hổng tư duy trong bài giảng?
Mình nghĩ là vì trong thâm tâm, mình và Tuấn Mon là những “nghệ sĩ tư duy” (thinking artists).
IV. Thinking Artists
Với bọn mình, niềm vui (và lòng tự tôn) đến từ việc tạo ra một sản phẩm chất lượng mà bọn mình sẵn sàng ký tên vào - quan trọng hơn là việc “tăng tương tác của học sinh từ 80% lên 82%.”
Sometimes, things that count are not countable.
Đôi khi, những thứ quan trọng thì lại không thể đo lường được.
Bọn mình có quan tâm về số (tiến bộ định lượng) không? CÓ. Cả mình và Tuấn Mon đều hiểu rõ tầm quan trọng của data trong việc hiểu được bức tranh toàn cảnh của những việc bọn mình làm.
Nhưng, là những creators, bọn mình đều có những khao khát sáng tạo (creative desire) trong thâm tâm - khao khát để tạo ra 1 thứ gì đó, chỉ vì bọn mình muốn tạo ra nó.
Không phải để gây ấn tượng với học sinh, không phải để tăng tương tác cho bài giảng. Chỉ đơn giản là để thỏa mãn khao khát sáng tạo của “nhà giáo”.
Mà những khao khát sáng tạo này không thể được đo lường bởi 1 tiêu chí định lượng.
Những cải tiến nho nhỏ mà mình và Tuấn Mon thực hiện trong từng slide, từng bài giảng, từng cohort, thường bắt nguồn từ khao khát sáng tạo và sự ám ảnh với việc cải thiện không ngừng nghỉ của bọn mình, chứ không đến từ việc học sinh “bắt được lỗi logic từ slide 25 đến 28”.
Làm slides tốt - theo tiêu chuẩn của bản thân.
Làm sản phẩm tốt - theo tiêu chuẩn của bản thân.
Liên tục nâng chuẩn.
V. Teaching is Art
Có nhiều điểm tương đồng giữa “nhà giáo” và “creator” hơn mình tưởng:
Cả 2 đều đang cố gắng tạo ra những nội dung có ý nghĩa cho những người noi theo mình.
Cả 2 đều có những tiêu chí định lượng dễ nhìn vào để đánh giá “sự thành công” - số likes, shares, followers hay % học sinh giỏi, số tiền học bổng.
Và đôi khi, những con số này khiến cho người ta quên mất chất “nghệ” trong công việc của mình.
Nghệ. Làm 1 việc, vì bạn muốn làm nó.
Art. Doing something for its own sake.
Mình tin là, những người thực sự xuất sắc ở cả 2 ngành giáo dục và sáng tạo đều có 3 điểm chung sau đây:
1, Họ có đủ can đảm để tạo ra 1 sản phẩm mà HỌ TIN LÀ TỐT, kể cả khi chưa ai trong số học sinh hoặc khán giả của họ (hay thậm chí là xã hội) sẽ hiểu.
Họ phải có những lúc chỉ tin vào trực giác của mình và sáng tạo không dựa trên số liệu.
2, Sau đó, họ cần 1 sự ám ảnh với việc tiến bộ không ngừng. Họ tin rằng mình có thể tiến bộ, nên sản phẩm của mình chắc chắn cũng có thể được cải thiện.
Họ LIÊN TỤC NÂNG CHUẨN cho những sản phẩm mình tạo ra.
3, Và cuối cùng, họ có sự KIÊN NHẪN VỚI KẾT QUẢ. Họ sẽ không kỳ vọng sản phẩm của mình sẽ được đón nhận ngay. Nhưng họ tin rằng, mình cần phải kiên trì với nó (vì nó thực sự tốt - điều 1).
Họ có Tư duy Đường dài - Hối hả với hành động và Kiên nhẫn với kết quả.
Tóm lại là, những người thực sự xuất sắc:
Tin vào trực giác của mình
Ám ảnh với sự tiến bộ
và Kiên nhẫn với kết quả
Để kết bài, mình muốn cảm ơn tất cả học sinh của Writing On The Net đã đồng hành cùng mình trên chặng đường giảng dạy và sáng tạo này. Các bạn luôn được chào mừng để quay về học những nội dung nâng cấp cùng những cohort sau.
Bọn mình sẽ quay lại với cohort #5, với những nội dung và trải nghiệm tiếp tục được nâng cấp.
Mình với Tuấn Mon lại chuẩn bị “Khổ trước Khổ sau” với cohort #5 của Writing On The Net thôi 🙂
Mình “Khổ trước Khổ sau”, nhưng học sinh sướng là được 😊