Hôm bữa mình gặp Minami, bồ của bạn thân mình, một người Nhật đam mê giáo dục và chuyện học. Mình hỏi Minami về văn hóa học hành ở Nhật, rằng tại sao việc có những đứa trẻ 3, 4 tuổi học nhảy cùng các mẹ 50 tuổi hay các cụ 80 tuổi là điều rất bình thường? Hay tại sao ai ở Nhật cũng có 1 sở thích bên cạnh cuộc sống công việc và gia đình?
Có 1 vài thứ Minami và Vân Anh (1 người bạn của mình sống ở Nhật 7 năm) kể về Nhật mà mình thấy rất thú vị:
1, Ikigai là một khái niệm bị chiếm đoạt và phóng đại bởi phương Tây, chứ thực sự không quan trọng như vậy trong xã hội Nhật.
Người Nhật coi công việc là 1 phương tiện để kiếm tiền, không cần phải là 1 thứ họ đam mê và sống chết với nó. Họ không đặt nặng việc phải kiếm được tiền từ việc mình thích làm, vì những người có thể làm vậy rất ít. Giống như người ta phải mua xăng để đi xe chứ không phải mua xe để đốt xăng, người Nhật kiếm tiền để nuôi đam mê và sở thích chứ không có nhu cầu đuổi theo đam mê để ra tiền.
Miễn là bạn có thời gian và tiền bạc để nuôi đam mê của mình thì bạn hạnh phúc. Ikigai là 1 mục tiêu không thực tế với hầu hết chúng ta. Hãy rộng lượng với chính mình hơn 1 chút.
2, Không có lò luyện thi chuẩn hóa IELTS, SAT, TOEIC ở Nhật.
Có lò để học Toán, tiếng Anh, hoặc Khoa học. Nhưng lò luyện chỉ tập trung vào 1 kỳ thi chuẩn hóa thì không. Minami giải thích rằng một phần là đại chúng không có nhu cầu lớn để luyện những kỳ thi như vậy, nhưng phần lớn là do người Nhật coi việc học nên xoay quanh mục đích cải thiện một kỹ năng (mục tiêu dài hạn), chứ không phải học để thi (mục tiêu ngắn hạn).
Vì sự khác nhau trong cách đặt mục tiêu này, Minami bảo mình là người Nhật nhìn nhận chuyện học là chuyện cả đời, học cái gì cũng được, bắt đầu lúc nào cũng được, miễn là bạn nghiêm túc với nó.
2 năm làm MỞ cho mình nhận ra rằng tư duy học trọn đời ở Việt Nam còn rất kém. Hầu hết người Việt vẫn nhìn việc học là việc của trẻ con, của những người chưa hoàn thiện nên mới phải đi học. Còn người lớn, tốt nghiệp đại học rồi, làm ra tiền rồi thì cần gì học nữa? Chừng nào người Việt mình thoát được 2 tư duy này, rằng 1 là chuyện học có một ngày kết thúc, và 2 là ta chỉ học để phục vụ những mục đích rất thực dụng, thì chúng ta mới tiến bộ được.
Để làm được điều này, việc đầu tiên chúng ta cần làm là hạ thấp cái tôi của mình xuống, để coi việc học, hay nói đúng hơn là việc khát khao tri thức, là khát khao của những người tiến bộ nhất.
Tầm vóc của một người tài không nên được đo lường bởi những thứ anh ta nghĩ mình biết, mà nên được đo bởi những thứ anh ta muốn biết.
3, Vậy thế nào là nghiêm túc với việc học?
Việc chấp nhận rằng mình còn nhiều điều chưa biết chỉ là bước đầu tiên trên đường học trọn đời. Nhiều người đi được bước này, nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức nhận thức. Họ nói mình chưa biết, nhưng chả làm gì để thay đổi điều đó.
Minami và mình, sau 1 hồi phân tích chuyện học của bản thân (mình học ukulele còn nó học về rượu vang) đi đến 2 khái niệm rất hay ho mà mình tạm dịch ra tiếng Việt là Mode Gym và Mode Nhậu. Khi học bất cứ 1 chủ đề hay kỹ năng nào mới, bạn cũng sẽ trải qua 2 mode này.
Mode Gym là khi bạn tập trung vào từng chi tiết, với mục đích cải thiện mastery của mình. Nếu bạn tập ukulele, bạn sẽ đánh đi đánh lại 1 chord, bằng nhiều điệu khác nhau, trong những bài hát khát nhau để thành thục chord đó. Nếu học về rượu vang, thay vì việc uống một ực phát một ly rượu, Minami sẽ mở Excel Sheet lên, ghi lại mùi, độ sánh, aftertaste, tannin, aromas, màu, năm sản xuất, món ăn kèm…vân vân với mục đích có thể truy hồi lại trải nghiệm đó trong tương lai.
Mình gọi là Mode Gym vì chẳng có ai tình cờ đi vào gym rồi tập toát mồ hôi đít 30 phút cả. Ai đi gym cũng có 1 mục đích rõ ràng để cải thiện hình trạng cơ thể hoặc sức khỏe của mình. Khi bạn học ở Mode Gym, bạn muốn tiến bộ.
Mode Nhậu là khi bạn bật chế độ lái tự động và tin vào bản năng của mình. Hầu hết những lần mình tập ukulele, mình sẽ không để ý đến kỹ thuật mình cầm đàn hay gảy có tối ưu nhất không, thay vào đó, miễn là mình đang đánh được cái bài mình muốn đánh, ở một chất lượng chấp nhận được, thì mình thỏa mãn.
Gọi là Mode Nhậu vì nhậu vui, nhậu có thể không giúp bạn cải thiện tình trạng tài chính của mình, nhưng nhậu giúp bạn duy trì những mối quan hệ xã hội quan trọng. Một lần nhậu vui, thì anh em mới hẹn nhau đi chơi những thứ khác, bắt tay làm ăn, hay rủ nhau đi gym. Khi bạn học ở Mode Nhậu, bạn chỉ cần duy trì sự yêu thích của mình với việc học.
Quay lại đề bài, mình định nghĩa học nghiêm túc ở đây là học dài hơi và nhìn thấy được sự tiến bộ. Để làm vậy, hầu hết chúng ta sẽ phải sử dụng cả mode gym và mode nhậu. Chỉ dùng mode gym thì dễ dẫn đến burn-out và chóng chán. Chỉ dùng mode nhậu thì kỹ năng cứ Khá Bảnh - giậm chân tại chỗ.
Vì thế, muốn đi xa thì việc học phải vui, và muốn đi lên thì việc học phải có đường hướng.
Malcolm Gladwell phổ biến thuyết 10 nghìn giờ trong Outliers, ông nói rằng để trở thành 1 chuyên gia, bạn cần dành 10 nghìn giờ tập luyện một kỹ năng. James Clear phản biện thuyết này và nói rằng hầu hết chúng ta dành hơn 10 nghìn giờ để học, nhưng không phải ai cũng thành chuyên gia trong chuyện học. Nên thực ra thuyết 10 nghìn giờ chỉ đúng nếu đây là 10 nghìn giờ tập luyện có chủ đích để tiến bộ, hay tập trong mode gym.
Malcolm Gladwell nói về 10 nghìn giờ trong mode nhậu. James Clear nói về 10 nghìn giờ trong mode gym. Hôm nay, bạn nghe Akwaaba Tùng nói về 10 nghìn giờ của cả 2 mode. 10 nghìn giờ tập trung gym khó đấy, nên nhớ chèn vài nghìn giờ nhậu vào.
Cân bằng. Hãy chọn đường học dài hơi và bền vững.
Ảnh: Minami cho mình xem excel sheet học rượu vang của nó. Rồi 10 phút sau mình cho nó xem hệ thống viết và xuất bản của mình. Học ở đâu cũng được, lúc nào cũng được, từ ai cũng được.
good piece bro 😎
Em pretty sure là quyển Outliers của Gladwell có bảo là 10k hours đó phải là intentional training (or maybe sau khi bị phản biện ổng viết lại lol :)).
Em có một phản biện về việc ai cũng học hơn 10k giờ nhưng không phải ai cũng là master. Nếu so sánh với một người luyện violin (ví dụ lấy từ Outliers) và một người học 10k giờ, dễ thấy % người luyện violin tới mức đó ít hơn nhiều so với học. Trong 8 tỉ dân thì gần như 90% đều dành nhiều hơn 10k giờ trong đời để học, nhưng chắc chỉ có được vài chục ngàn người luyện violin mà thôi. Điều này có nghĩa để trở thành master trong violin có vẻ "dễ hơn" việc trở thành master trong việc học. Vì khi ai cũng dành 10k giờ trong đời để học, thì ai cũng đạt được mức độ master comparatively so với trước khi họ dành ra 10k giờ đó để học rồi - chỉ là do ai cũng làm vậy và đều giỏi ngang nhau nên không ai nhận ra thôi.
Một ví dụ dễ thấy hơn là việc lái xe máy. Ở các nước đang phát triển, phần lớn mọi người dành hơn 10k giờ trong đời để lái xe máy. Nhưng trong dân số nước họ thì chẳng ai gọi nhau là master lái xe máy cả. Nhưng nếu có ông Tây sang nhìn người Việt lái xe máy - lập tức mình được tôn làm sư phụ ngay.
Điều này có nghĩa là bên cạnh 10k giờ gym hay nhậu, còn phải cân nhắc lĩnh vực đó là gì nữa.