Giải thiêng cho các founders
Hằng nói MỞ giống như đứa con của mình ở Việt Nam. Mà trong văn hóa Á Đông, con gầy do bố mẹ không cho ăn, con dốt do bố mẹ không kêu học. Dần dần, con trở thành 1 phiên bản mở rộng của bố mẹ, đại diện cho bố mẹ chứ không còn là cá thể riêng của mình nữa.
Nhiều lúc mình thấy sợ văn hóa này, và cái áp lực nó có lên cả người già lẫn người trẻ. Những đứa con nít vừa hiểu chuyện đã được dạy phải giữ gìn danh dự của gia đình, về 1001 những thứ nó không được làm vì “truyền thống gia đình trăm năm” vẫn vậy. Những bố mẹ chăm chăm lo con không đi đường “chuẩn”, không học giỏi, không làm những nghề “danh giá”, không làm bố mẹ và gia đình tự hào...
Ý mình ở đây là mình nghĩ chúng ta phải giải thiêng cho cả việc làm bố mẹ lẫn việc làm con. Một đứa trẻ ngoan hay hư, thành đạt hay hạnh phúc có cả nghìn lý do, cớ chi mà cứ phải quy kết hết là do bố mẹ? Thành công hay thất bại của một đứa trẻ không nhất thiết phải tương đồng với thành công hay thất bại của người nuôi nó lớn.
Quay lại đề bài, mình thấy việc sáng lập 1 dự án được xã hội cho là “thành công” cũng giống như việc đẻ ra 1 đứa con 10 tuổi đạt giải piano ý. Người sáng lập dễ có những suy nghĩ kiểu: “ối, nó thành công rồi, nó có tiềm năng thế này. Giờ mà nó fail, tức là mình cũng fail.”
Chắc nhiều người sẽ không đồng tình với mình, và mình cũng chưa phải bố mẹ để “hiểu”, nhưng mình muốn nhìn việc đẻ con giống việc “đẻ” một dự án đam mê. Cả 2 đều yêu cầu chúng ta học và làm những việc ta chưa bao giờ làm, mang trên mình những chức danh mới và trách nhiệm mới. Xã hội sẽ kỳ vọng bạn phải “lớn lên cùng con” hay đưa con đi thật xa này nọ.
Nhưng nhỡ bạn mệt thì sao? Nhỡ tự nhiên một ngày tỉnh dậy và không muốn làm bố mẹ trong ngày hôm đó thì sao? Nhỡ bạn không sống nổi với những kỳ vọng xã hội thì sao?
3 ngày cuối tuần vừa rồi, mình rơi vào trạng thái khủng hoảng với những câu hỏi trên. Băn khoăn có nên dồn 100% sức vào MỞ không? Nếu không thì có phải mình bỏ con không?
Rồi mình đi tìm câu trả lời qua cuộc nói chuyện với một người bạn chung cảnh ngộ, qua một bài viết của X Ê, và tổng kết lại trong cuộc nói chuyện với Hằng.
Mình học được cách tách biệt căn tính của mình và căn tính của “con mình” - MỞ. MỞ là 1 phần của mình, chứ MỞ không phải mình. Mình chấp nhận rằng hành trình lớn của mình không cần phải tương đồng với hành trình lớn của MỞ.
Kể cả khi MỞ không đạt được “tiềm năng” tối đa của nó mà nhiều người nói với mình, thì mình cũng vẫn vui vì khi làm MỞ, mình đã và đang được làm những điều khiến mình hạnh phúc.
Mình muốn trở thành một người bố như vậy, hỗ trợ con làm những điều khiến nó hạnh phúc, miễn là nó không làm hại tới ai. Còn danh dự của mình, không cần ai phải đánh giá hộ.
Mình cũng muốn gửi tới tất cả những ai đã, đang, hoặc sẽ bắt đầu 1 dự án đam mê ở ngoài kia 1 lời nhắn: là cứ làm đi, làm đến khi nào nó còn khiến mình vui. Bao giờ không vui thì nên dừng lại suy nghĩ. Giống như X Ê nói, việc quái gì bạn phải đặt trách nhiệm lên đam mê của mình.
—