Khi bạn mới bước chân vào 1 môi trường xa lạ, nơi những người xung quanh đều trông khác mình, nói những ngôn ngữ khác mình, và quan tâm đến những thứ khác mình, bạn sẽ có xu hướng tìm về những thứ mình biết, những thứ quen thuộc, hay những thứ dễ nhìn thấy sự liên quan. Những thứ như là “cùng trường”, “cùng quê”, hay “cùng quốc tịch”.
Những thứ này có thể mang lại sự an toàn và thoải mái ban đầu. Nhưng chưa chắc đã là nền tảng tốt cho những tình bạn bền vững.
Vì những căn tính này chỉ có ý nghĩa khi bạn ở ngoài môi trường tạo ra nó.
Gặp 1 học sinh Chuyên Ngữ trong tàu điện ở New York mới thấy quý, chứ gặp 1 học sinh Chuyên Ngữ đi xe buýt từ Phạm Văn Đồng về Trung Hòa Nhân Chính vào 5 rưỡi chiều thì chả có gì đặc biệt. Ở Việt Nam, chả ai nói tao chơi với nó vì nó là người Việt cả, vì ở đây 99% chúng ta là người Việt.
Ở Chuyên Ngữ hay Việt Nam, bạn chọn 1 người làm bạn vì tính cách của họ, chứ không phải vì họ là “CNN-er” hay “Người Việt”.
Áp dụng nguyên lý này khi đi du học: Hãy chọn bạn bằng tính cách, chứ không phải quốc tịch.
Là du học sinh, đừng bị áp lực PHẢI chơi với người Việt, hoặc ngược lại là CHỈ chơi với các bạn “quốc tế” để chụp ảnh cho nó giống “đi du học” hơn. Chơi với ai bạn thấy hợp. Chơi với ai mà khi ở bên cạnh họ, bạn thấy mình tốt đẹp hơn.
Chính mình từng sai lầm khi cho vài người vào vòng tròn thân cận của mình chỉ vì họ là “người Việt”, và cách họ đối xử với mình khiến mình hối hận quyết định đó vô cùng.
Khi 1 người được ngồi trong vòng tròn thân cận của bạn, họ có khả năng làm tổn thương bạn gấp nhiều lần những người ở vòng ngoài. Những comment chửi rủa của những anh hùng bàn phím trên mạng không thể có sức sát thương bằng những câu từ ác ý, đến từ những người mình tưởng là bạn.
Vì thế, bạn phải bảo vệ vòng tròn thân cận của mình. Bạn phải chọn những người được ở trong đó bằng tính cách, chứ không phải bằng 1 cái mác “cùng trường”, “cùng quê”, hay “cùng quốc tịch”.
“Friendship is not nationality. It’s personality.” - Ingrid Byerly
Sau 2 năm du học cấp 3 ở Trung Quốc với tư cách người Việt duy nhất trong trường, và 4 năm đại học ở Mỹ cùng trên dưới 20 bạn Việt Nam, mình viết bài viết này với kinh nghiệm “Nhạc nào cũng nhảy, miễn là nhạc hay. Bạn nào cũng chơi, miễn là bạn tốt.”
Mình không muốn bạn nghĩ là “chơi với người Việt sẽ không được bền lâu”. Không hề! Người em thân nhất với mình ở Đại học là người Việt. Có những thứ bọn mình chỉ có thể chia sẻ được với nhau vì cùng chung văn hóa, ngôn ngữ, và hiểu biết về Việt Nam - những thứ như khát vọng xây dựng đất nước, hay áp lực chu cấp cho gia đình…
Mình chỉ muốn bạn hiểu là chơi với người Việt không phải là lựa chọn duy nhất mà bạn có.
Mình khuyến khích du học sinh thử nghiệm với những nhóm bạn khác nhau sớm nhất có thể, để tìm cho mình những người bạn hợp tính hợp nết, hoặc xác định được những kiểu người không hợp với mình.
Cuối cùng, chơi không hợp không có nghĩa là mình ghét người ta rồi đi nói xấu này nọ kia. Chơi không hợp thì mình cho họ vào vòng tròn xã giao, tươi cười nếu gặp, và không chủ động dành thời gian với họ. Thế thôi, đừng kết thù với ai.