Sau 3 năm nghiêm túc với thói quen đọc sách trên Kindle và take notes, mình mất khoảng 10 đến 15 tiếng để đọc một cuốn sách, và đâu đó 3 đến 5 tiếng để take notes.
Khi đọc sách trên Kindle, mình sẽ highlight tất cả những đoạn hay trong sách để xử lý sau. Những đoạn highlight này sẽ được tổng hợp trong 1 file trên Kindle tên là “My Clippings”. Khi xử lý reading notes (thường là 3 ngày/ lần), mình sẽ mở file này trên Kindle ra và gõ lại từng đoạn một vào kho lưu trữ notes trên Notion, kèm theo những suy nghĩ riêng nếu có.
Có 1 thời gian, mình đã thử sử dụng Readwise để tự động hóa việc nhập highlight vào kho lưu trữ trên Notion và tiết kiệm được 5 tiếng gõ lại thủ công kia. Nhưng khi làm vậy, mình nhận ra là mình không nhớ được những ý hay trong sách tốt như việc phải ngồi đọc highlights lần 2 và chép lại như trước.
Tiết kiệm được vài tiếng “chép bài”, nhưng lại đánh mất những bài học giá trị nhất sau cả chục tiếng tập trung đọc, nghe chừng là hơi “lỗ” so với mình.
Sau khi bỏ Readwise và trở lại với chép notes thủ công, mình nhận ra là, việc phải khổ sở chép lại notes giúp mình thấm những thứ mình đọc lâu và sâu hơn. Net đầu tư vẫn “lãi”.
Mình mượn chuyện đọc sách và take notes này để nói về 1 khái niệm rất hay Wes Kao từng viết: “Good Struggle” và “Bad Struggle”, dịch nôm na ra là “Việc khó Có ích” và “Việc khó Vô ích”.
Về định nghĩa, Việc khó Có ích (Good Struggle) là những việc làm thì khó, nhưng sẽ dẫn đến những kết quả có lợi trong tương lai. Việc khó Vô ích (Bad Struggle) là những việc làm thì khó, không dẫn đến kết quả tốt hơn, và chỉ khiến bạn mệt hơn sau khi làm.
Ví dụ: Dành 3 tiếng để take note là Việc khó Có ích. Dành 1 tiếng để kiếm lại 1 chiếc note vì bạn không có hệ thống lưu trữ cẩn thận là Việc khó Vô ích.
Việc khó Có ích là:
Suy nghĩ để hiểu mình nên tập trung vào giải quyết vấn đề nào
Xây dựng hệ thống và quy trình để công việc tương lai trơn tru hơn
Học và phát triển 1 kỹ năng bạn cần trong tương lai
Việc khó Vô ích là:
Lao vào hành động khi chưa hiểu rõ vấn đề
Cố gắng biến điểm yếu thành điểm mạnh
Cố gắng làm việc cùng những người bạn biết sẽ không bao giờ hợp
Không phải lúc nào “Sự chịu khó” (struggling) cũng đi kèm với “Sự phát triển” (growth).
Sự khác biệt giữa Người Giỏi và Người Chăm chính là khả năng
phân biệt giữa “Việc khó Có ích” và “Việc khó Vô ích”.
Sự khác biệt giữa Người Giỏi và Người Chăm chính là khả năng phân biệt giữa “Việc khó Có ích” và “Việc khó Vô ích”. Cả 2 đều chăm chỉ và chịu khó, nhưng người giỏi biết chọn những việc có nhiều “lãi” nhất để tập trung vào.
Đừng mù quáng “chịu khó” chỉ để lao vào ngõ cụt. Hãy mở mắt ra và tự hỏi: “Những tasks mình đang làm có mang lại lợi ích dài hạn cho tương lai không?”
—
Bài viết này thuộc thử thách viết 7 ngày của hội cựu học sinh Writing On The Net #wotn_alumni
Bạn có thể subscribe Newsletter của mình để không lỡ mất ngày nào:
Hay hơn, bạn có thể đăng ký waitlist của khóa học WOTN #4 để viết 30 ngày cùng bọn mình trong tháng 10 ở đây: https://bit.ly/wotn4-waitlist
Tin mình đi, viết cùng cộng đồng vui hơn viết 1 mình nhiều lắm :D
Rất đúng với cảm giác của mình khi đùng Readwise. Mọi thứ hời hợt hơn trước rất nhiều. Và đúng có những việc khó ta nên và phải làm.
Cái khó là phân biệt việc gì nên hay không để dồn lực làm,, khái niệm Good / Bad struggle rất thú vị á.