Creators cạnh tranh vì điều gì?
Trong nền kinh tế sáng tạo với vô vàn nội dung được tạo ra và phân phối mỗi ngày, chỉ còn 1 hạn chế duy nhất: thời gian. Bất kể bao nhiêu video, blog, hay podcast được thêm vào Internet đi chăng nữa, mỗi chúng ta đều chỉ có 16 tiếng tỉnh táo để tiêu thụ nội dung hàng ngày.
Vậy nên, tất cả những creators ngoài kia đang cạnh tranh khốc liệt trên thị trường "sự chú ý" của người dùng. Chỉ cần bạn dành thêm 3 phút để đọc hết bài blog này thôi, mình đã dành được sự chú ý của bạn trước 700,000 bức ảnh được post trên Facebook mỗi 3 phút rồi :D
Có một niềm tin mù quáng chúng ta thường nói với nhau là "Nội dung mà hay kiểu gì cũng sẽ đến được với khán giả." Xin thưa, có vô vàn nội dung chất lượng ngoài kia không tới được ai cả. Tạo ra nội dung hay là bước một, phân phối nội dung hay đến đúng khán giả là bước hai.
Nhưng để phân phối một nội dung mới khi bạn chưa có tên tuổi gì thì quả thật là khó. Mọi người cứ vào group cộng đồng chơi podcast Việt Nam, hay cộng đồng mới làm YouTube Việt Nam là thấy hằng hà sa số các anh chị em gồng mình quảng cáo nội dung trong group một cách đầy vô vọng.
Hay gần đây có drama các dự án cộng đồng dí súng vào đầu member bắt seeding quảng cáo. Bạn nào làm dự án nào vào wall phát biết ngay. Những chiếc post đại trà, share để chạy KPI, đọc muốn ớn.
Chris Anderson gọi đây là "nhiễu" - các nội dung kém chất lượng và chẳng có quy luật nào cả. Nếu một cộng đồng có quá nhiều "nhiễu", cộng đồng đó không còn giá trị.
Ví dụ: "Cộng đồng hoạt động ngoại khóa" toàn đăng bài tuyển thành viên là "nhiễu", "Công đồng chơi podcast" nhưng không có những thread (chủ đề) podcast cụ thể cho các nhóm đối tượng khác nhau là "nhiễu".
Vì vậy, Information Age đã qua lâu rồi, mình và bạn đang ngồi ở Recommendation Age.
Ở thời kỳ của recommendation, công việc phân phối nội dung chất lượng dựa nhiều vào những KOLs và influencers (như mình). Tại vì KOLs nắm giữ 2 dạng tiền tệ vô giá trong nền kinh tế sáng tạo: sự chú ý và niềm tin.
Không một creator tân binh nào sở hữu cả 2 dạng tiền tệ này. Giống như trong diễn thuyết, để creators có được sự chú ý, khán giả phải tin bạn; và để họ tin bạn, bạn sẽ chỉ có 2 cách: "tin vào hồ sơ" hoặc "tin vào con người".
Tin vào hồ sơ là nhìn tên trường/ tên công ty với thành tựu của thanh niên này là thấy tín ngay. Kiểu Obama đến nhà bạn nói chuyện về chính trị Mỹ chẳng hạn. Rất ít người sở hữu loại niềm tin này.
Tin vui là ai cũng có thể sở hữu loại còn lại: "niềm tin vào con người". Loại niềm tin này được tạo ra khi bạn chân thành muốn giúp người nghe/ người đọc/ người xem. Bạn bắt đầu bằng việc hỏi họ gặp phải vấn đề gì, có những ước mơ, nguyện vọng gì, và bạn mong có thể giúp được họ như thế nào qua nội dung bạn đang sáng tạo. Bạn thực sự muốn tạo ra giá trị cho họ trước khi nhờ họ làm bất cứ điều gì (like, share, subscribe) cho mình.
Nhiệm vụ của các creators "mới" là tạo ra giá trị cho followers, để dần có được niềm tin.
Còn nhiệm vụ của các KOLs, bên cạnh việc tạo ra nội dung, chính là giới thiệu các nội dung chất lượng khác và đem uy tín của mình ra để đảm bảo.
Hôm nay, mình muốn giới thiệu với các bạn về 1 podcast chất lượng - MỞ - Mơ và Hỏi podcast.
MỞ - Mơ và Hỏi podcast là nơi chúng mình sẽ cùng khám phá tri thức và trải nghiệm cuộc sống từ việc chia sẻ, lắng nghe, và đặt câu hỏi để không ngừng thôi thúc trái tim ham học và một cái đầu mở.
Tập 1: Này Bất An Ơi! có thể được tìm thấy ở đây:
—
p/s: viết seeding nó phải như thế này!