Cho ngày 30 tháng 4
Mẹ của Ginnetho - 1 trong những người bạn thân nhất của tôi ở đại học - vừa đến Mỹ chơi vài ngày. Cô (Constance Swaniker) là 1 nhà điêu khắc, nữ doanh nhân, và nhà giáo dục rất nổi tiếng ở châu Phi.
Nhân dịp cô đến chơi, tôi tranh thủ hỏi cô về ý nghĩa của 1 chiếc vòng cổ tôi mua ở Ghana hồi 2019 (chiếc vòng cổ mà bạn nhìn thấy ở trong hình).
Ngay khi nhìn thấy biểu tượng trên vòng, cô mỉm cười và nói với tôi: “Sankofa” - gần như đồng thanh với Ginnetho.
Sankofa là 1 trong những biểu tượng Adinkra của Ghana. Người Ghana dùng những biểu tượng Adinkra để tượng trưng cho 1 phẩm chất tốt đẹp trong văn hóa Ghana. (Giống như hình minh họa của thành ngữ tục ngữ vậy.) Sankofa tượng trưng cho việc “trở về nguồn cội”, cho tầm quan trọng của việc học lịch sử để xây dựng tương lai, dịch nôm na là “Uống nước nhớ nguồn”.
“Con phải trở về để xây dựng Việt Nam. Những người trẻ như con và con trai cô (Ginnetho), không có sứ mệnh gì ở đây (Mỹ) cả. Các con đến đây để học tập và mở mang đầu óc, với mục đích cuối cùng là xây dựng quê hương, chứ không phải từ bỏ quê hương. Các nước phát triển đâu cần các con. Quê nhà cần các con.” - cô Constance nói với tôi sau khi giải thích về ý nghĩa của Sankofa, vào ngày 30 tháng 4 - ngày Thống nhất.
Mục đích cuối cùng là xây dựng quê hương, chứ không phải từ bỏ quê hương.
Tôi lặng người đi 1 lúc. Chắc cô là người lớn đầu tiên nói với tôi những lời này ở trời Tây. Chúng tôi mới gặp nhau được 5 phút. Cô còn chưa biết tôi là ai, hay liệu tôi có đồng ý với những điều cô nói không, nhưng cô vẫn đặt trọn niềm tin vào lời nói của mình. Sự tự tin và quyết đoán của cô trong giây phút đó khiến tôi càng tin hơn vào lựa chọn trở về của mình.
Trong thời buổi bạn tôi, 10 đứa du học thì 8 đứa đấu tranh để ở lại, kiếm công ăn việc làm ổn định, nếu có thể thì nhập tịch và đưa gia đình sang sống... tôi thường xuyên cảm thấy lạc lõng. Việc được nói chuyện với những người giống mình - những người trẻ học tập và làm việc xa nhà, nhưng luôn hướng về quê hương, luôn làm tôi thấy yên lòng và có thêm động lực để trở về.
Trong tất cả 20 nước tôi từng đặt chân tới, Ghana vẫn là nơi tôi nhớ nhất - nơi làm tôi cảm thấy yêu Việt Nam nhất. Chắc cũng nhờ duyên số cho tôi gặp những người Ghana bất chấp và cứng đầu với tình yêu đất nước.
Tôi thấy bản thân mình trong họ, và không thấy cô đơn nữa.
Tôi viết những dòng này cho những người Việt xa xứ đang cảm thấy cô đơn với khát vọng trở về của mình. Để các bạn biết là mình không cô đơn đâu. Có nhiều trái tim yêu nước đang không ở Việt Nam lắm.
"Không ai có thể rời bỏ được quê hương. Sống trong nước, quê hương nằm dưới chân. Sống ở nước khác, quê hương nằm trong đầu. […] Khi quê hương dưới chân và quê hương trong đầu khác nhau, người ta liền tự biến thành những kẻ vượt biên liên tục, lúc nào cũng chòng chành ở giữa. Giữa quê nhà và đất khách. Giữa quá khứ và hiện tại. Giữa hoài niệm và dự phóng. Và, luôn luôn, giữa các biên giới.” - Nguyễn Hưng Quốc
Cho những “kẻ vượt biên” trong trí óc,
Mừng ngày Thống nhất! Sankofa!
—
P/s: Tôi có nhiều duyên nợ với Ghana quá. Người bạn thân đầu tiên của tôi ở Trung Quốc là người Ghana. Câu chuyện đi xin visa Ghana ở Malaysia là lý do tôi bắt đầu blog này (thế nên blog mới có từ “Akwaaba” trong tiếng Fante của người Ghana). Bài blog viral đầu tiên của tôi cũng là về Ghana. Rồi đến năm cuối đại học, người bạn thân nhất của tôi cũng là người Ghana.
Tôi rất muốn thúc đẩy mối quan hệ ngoại giao giữa 2 nước. Để Ghana có thể được đặt đại sứ quán ở Việt Nam. Bây giờ thì chưa biết làm thế nào, nhưng chắc chắn tôi sẽ tìm cách.