1 lời khuyên sáo rỗng, nếu đúng người, đọc đúng thời điểm sẽ không sáo rỗng.
Chê self-help thì có khi bạn không cần self-help. Chê tik tok thì có khi bạn không cần tik tok. Chê triết học thì có khi bạn không cần triết học.
Bạn không cần, nhưng biết đâu người khác cần?
Có 1 bài học mà sáng tạo nội dung và kinh tế học dạy mình, đó là trước khi trả lời câu hỏi “Liệu X có tốt không?”, mình phải trả lời được câu hỏi “Tốt cho ai?”
Khi nghe tập Have a Sip với anh Đinh Đức Hoàng, mặc dù vô cùng tâm đắc với nhiều điều anh nói, có một ý khiến mình cấn vô cùng. Ở phút 20, anh Hoàng và chị Thùy Minh so sánh sách báo với những phương tiện sáng tạo nội dung mới hơn như video và hình ảnh, những nội dung mang tính “ăn liền” với một thái độ rất trịch thượng.
Nên tản văn chút dưới đây, có 3 điểm chính mà mình khá bất đồng với ẩn ý sau những chia sẻ của anh Hoàng:
1, Anh nói là có những việc, như kích thích trí tưởng tượng độc giả, video không thể làm được mà chỉ chữ nghĩa mới làm được. Thế điều ngược lại có đúng không? Có nhiều thứ hình ảnh và âm thanh làm được, mà chữ nghĩa đâu làm được.
Định dạng nào cũng có điểm mạnh và giới hạn riêng của nó. Vì thế, nội dung ở định dạng nào nên là sự thỏa hiệp giữa điểm mạnh của người sáng tạo (creator) và nhu cầu của khán giả mục tiêu (target audience). Bạn viết có thể hay đấy, hình ảnh đấy, nhưng biết đâu khản giả của bạn cần 1 hình minh họa đáng nhớ, hay 1 podcast tự sự ấm cúng?
Chả có định dạng nào là làm được tất cả mọi thứ và phù hợp cho tất cả khán giả cả.
2, Anh Hoàng nói về content creation bây giờ tập trung nhiều vào giải trí quá như thể đó là một điều xấu. Lý do anh quan ngại là người ta vui nhưng chưa chắc người ta đã “hạnh phúc lâu dài”. Thế nào là hạnh phúc? Thế nào là hạnh phúc lâu dài? Mình là ai mà đánh giá người ta có hạnh phúc hay không?
Anh Hoàng có thể thấy những content “ăn liền”, “giải trí” không có giá trị, nhưng nhiều người tìm thấy giá trị trong đó: vui - xả stress - quên buồn. Đi cày cho tư bản 10 tiếng 1 ngày, mệt cả não cả người, chả nhẽ về nhà muốn coi tik tok giải trí cũng phải thấy tội lỗi? Có phải bất cứ ai, vào bất cứ lúc nào cũng cần những nội dung “mở mang đầu óc” đâu?
3, Trên hết, mình không đồng ý với thái độ của anh mà mình cho là khá trịch thượng, khi anh cho rằng sách báo là bề trên, là đỉnh cao của các định dạng nội dung. Mình thấy thái độ này xuất hiện rất nhiều trong cộng đồng “thích chữ”, bao gồm cả mình trước đây. Mà không chỉ trong cộng đồng thích đọc và viết, tik tok thì kêu đọc tốn thời gian, podcast thì chê blog không gần gũi, indie thì chê pop mainstream, pop thì chê indie nghèo…
Tại sao chúng ta cứ phải đì 1 nhóm khác xuống để tôn mình lên?
Chính mình cũng từng chê tranh biện với MUN chả giống gì giao tiếp thực tế, từng tuyên bố đọc sách là phương pháp thu nạp kiến thức hiệu quả nhất, còn video là thứ xem vội quên mau. Mình làm vậy mà quên rằng mỗi người có một hoàn cảnh riêng khiến họ cần những thứ khác mình.
Và khác mình không có nghĩa là tồi hơn hay kém hơn.
Mình chơi với nhiều Blogger, YouTuber, Tik Toker, Podcaster - những người sáng tạo nội dung. Và mình ngưỡng mộ tất cả các bạn. Các bạn có thể chọn sự an toàn, nấp sau màn hình tiêu thụ nội dung và comment chê ỏng chê eo. Nhưng các bạn chọn hành động. Dám sáng tạo. Dám phục vụ một nhóm đối tượng cụ thể. Dám bị ghét.
Trước khi phê phán 1 nội dung sáng tạo online và cách ai đó sử dụng thời gian của họ, mình mong bạn tự hỏi bản thân câu hỏi này: Nội dung này dành cho ai? Vì nếu nó không dành cho bạn, thì lướt tiếp đi, Internet còn nhiều thứ mà.
Chốt lại là, chả có gì là đỉnh cao hơn, giá trị hơn, hay thượng đẳng hơn, chỉ có 2 loại nội dung: nội dung cho mình và nội dung không cho mình.
Khóa học “Học Cách Học” của MỞ chính thức mở đơn đăng ký cho cohort #1. Hai người đứng lớp là 2 người tôi nghiêng mình kính nể nhất trong chuyện học trọn đời, các bạn có thể xem thêm thông tin chi tiết ở đây:
Tôi cũng dạy blogging. Đăng ký danh sách chờ Writing on The Net #2