"Biết sớm" mình muốn làm gì, để làm gì?
Kids who know early what they want to do seem impressive...
Kids who know early what they want to do seem impressive, as if they got the answer to some math question before the other kids. They have an answer, certainly, but odds are it's wrong. - Paul Graham
Tạm dịch: “Những người biết rất sớm mình muốn làm gì trông có vẻ ấn tượng, kiểu là người đầu tiên tìm ra đáp án 1 bài toán trong lớp vậy. Họ có 1 đáp án, nhưng khả năng cao là đáp án đó sai.”
Mình đọc được câu này trong bài “How To Do What You Love” và nó dính với mình ngay vì 2 lý do.
I.
Thứ nhất, mình từng là 1 học sinh giỏi Toán. Trong 1 lớp học thêm Toán của mình hồi cấp 1, thầy sẽ đọc đề 7 bài toán đầu giờ, cả lớp sẽ làm, ai xong bài nào trước lên chấm bài đó. Làm đúng 10 điểm về chỗ. Làm sai về chỗ làm lại. Cuối giờ, những bạn có nhiều điểm 10 nhất thì được thầy đọc tên đầu tiên (oách).
Dù lớp có rất nhiều bạn giỏi, nhiều bạn vào Ams 2, top đầu chuyên toán Ams và Sư Phạm cấp 3, mình vẫn tự hào vì luôn nằm trong top 5 của lớp, nhờ tốc độ và sự chính xác của mình.
Từ lớp học đó, sự ám ảnh của mình với tốc độ hình thành. Nhanh còn vào top. Nhanh là tốt.
II.
Lý do thứ hai mình thích câu quote này vì mình từng là 1 người hay được miêu tả là “biết sớm thứ mình giỏi và muốn làm” (giáo dục). Cụ thể:
Mình “may mắn” được tiếp xúc với hoạt động ngoại khóa mảng giáo dục, cụ thể là điều phối trại hè, từ rất sớm - ngay kỳ 2 lớp 10.
Mình cũng may mắn được làm việc với những anh chị rất giỏi và tử tế trong tổ chức đầu tiên mình tham gia (CKP).
Mình tiếp tục may mắn khi được đẩy lên vị trí trưởng trại rất nhanh (sau 1 năm) vì tổ chức không có người đủ “rảnh” để lên thay trưởng trại cũ 🤣
Mình lại may mắn tìm được những đồng đội rất giỏi - những người chịu trách nhiệm cho 99% thành công của trại hè đầu tiên mình lead.
Sự thành công sớm đó cho mình sự tự tin (không có quá nhiều cơ sở) để tiếp tục nuôi ước mơ làm giáo dục. Mình tham gia hội thảo giáo dục quốc tế ở Việt Nam, điều phối trại hè quốc tế ở Trung Quốc, thỉnh thoảng lên mạng viết về giáo dục cũng được hưởng ứng, và học đại học ngành Nghiên cứu Giáo dục.
Khi vừa bước chân vào đại học thì trên giấy tờ, mình đã có “4 năm hoạt động trong mảng giáo dục rồi.” Việc này cho mình rất nhiều lợi thế và sự tự tin khi apply các chương trình, công việc, funding liên quan đến giáo dục.
III.
Tuy nhiên, “bất lợi” của việc phát triển 1 focus từ quá sớm là: Mình có xu hướng nói “không” với những cơ hội trong các mảng ngoài giáo dục, chỉ vì mình có nhiều “kinh nghiệm” hay “chuyên môn” với giáo dục hơn.
Đen hơn nữa, nếu mình không nói không thì phía bên kia cũng nói.
Mình học được bài học này khi interview vòng cuối ở một công ty tư vấn chiến lược nhỏ. Ngay đầu buổi phỏng vấn, anh VP xem qua hồ sơ của mình và nói rằng: “Em nên quay lại và tập trung vào nhánh giáo dục, bên đấy cơ hội cạnh tranh của em cao hơn nhiều.” Mình cũng chỉ biết trả lời “Vầng em cũng nghĩ thế 🤣”
Dĩ nhiên, mình không nhận được việc.
Nếu được làm lại quá trình đó thì mình sẽ highlight những công việc liên quan đến business skills trong CV và buổi phỏng vấn. Nhưng hồi đó 19 tuổi non mà :))
IV.
Việc “biết” sớm mình thích làm gì giới hạn cơ hội phát triển rộng về mặt kỹ năng cũng như kiến thức của mình. Lợi thế biến thành bất lợi.
Việc biết sớm “ước mơ”, “điểm mạnh”, “đam mê” của mình có tốt cho việc chọn một ngành học hay ngành nghề không? Có.
Nhưng việc biết và chuyên môn hóa sớm có tốt cho con đường sự nghiệp, thậm chí là cuộc sống, về lâu về dài không? Mình nghĩ các nhà nghiên cứu đầu ngành trong các môn khoa học xã hội cũng chưa trả lời được câu hỏi này với sự chắc chắn 100%.
Thế nào là chọn “đúng ngành đúng nghề”?
“Đúng” là cảm giác nhẹ nhõm khi biết mình đang học cái mình “thoải mái” với vào thời điểm đó à?
Hay “đúng” là dù trong lúc học và làm nó mình “khốn khổ khốn sở”, nhưng khi qua “ải” 4, 5 năm thì mình có những skills mà rất nhiều công việc cần và sẵn sàng trả rất nhiều tiền cho skills của mình? Vì việc học và upskill PHẢI KHÓ, PHẢI KHÔNG THOẢI MÁI chứ?
Hơn nữa, “Đúng” vào thời điểm nào? Đúng trong khoảnh khắc đó hay đúng về lâu về dài?
Khi kiến thức về công việc và trải nghiệm với industry còn chưa có, làm sao mà những đứa trẻ 16, 17 tuổi chọn “đúng ngành” được?
V.
Thế nên, những người trẻ như mình, “nghĩ là mình biết” mình muốn làm gì sớm, cũng chỉ có 1 lợi thế là được bắt đầu với 1 thử nghiệm rõ ràng: “Hết mình với môn này 1 thời gian, thử xem mình có thích và có tương lai ở đây không?”
Mình nghĩ điều chúng ta cần lưu ý khi còn trẻ là không overcommit 1 cách mù quáng với 1 career path nào. Phải biết điểm dừng, chấp nhận rằng có khi đứa trẻ 15 tuổi chọn sai, rằng mình cần gói ghém những thứ đã học được, và khám phá những con đường khác.
Nên mình thích câu quote của Paul, nó khiến những người “nghĩ mình biết” nghĩ lại, và những người chưa biết không cảm thấy áp lực với việc “phải biết NGAY”.
Với những người trẻ vẫn chưa biết mình THỰC SỰ thích làm cái gì, hay giỏi làm cái gì, bài viết phân tích quote ngày mai sẽ dành cho bạn:
The less sure you are about what to do, the more important it is to choose options that give you more options in the future. - Paul Graham, “When To Do What You Love”
Nhân dịp Writing On The Net cuối cùng diễn ra, mình muốn viết 30 mini-blogs cùng học sinh cho có khí thế 😀
Để tự đặt giới hạn cho bản thân (không thì không thể làm 2 việc và viết hằng ngày được), mỗi ngày mình sẽ viết khoảng vài trăm từ, về 1 quote mình rất thích, bối cảnh mình nhìn thấy quote đấy, và suy nghĩ của mình 😌
Rất mong được nghe suy nghĩ của mọi người!
#wotn7
em nhỏ 17 tuổi gửi mail cho anh cần bài này và em 23 tuổi cũng cần bài này 🥹 excited for your next posts!!!
Mình có 1 suy nghĩ sau khi đọc bài thì chỉ có 1 critical point là thời gian. Mình dành thgian để tìm hiểu và trải nghiệm, tự đúc rút bài học. Và vẫn còn thgian để trải nghiệm thêm những mảng khác. Trade off thôi bạn, mình càng có cơ hội tiếp xúc sớm nhận ra sớm và có nhiều thông tin đa chiều, sẽ đưa ra quyết định về lựa chọn đúng đắn hơn.