Không giống như những ngày học cấp 3 ở Trung Quốc, nơi mình và tất cả bạn bè đều có chung 1 mục tiêu duy nhất là được nhận vào đại học, cuộc sống ở Mỹ là những tháng ngày vật vã đi tìm “cộng đồng” của mình.
(Cộng đồng ở đây, đối với mình, là những người cùng chung mục tiêu, giá trị, hoặc lý tưởng sống.)
Ở đại học, những người mình được tiếp xúc đều có những mục tiêu khác nhau, và khác mình. Có bạn muốn trở thành giáo sư, có bạn muốn trở thành cầu thủ bóng đá, có bạn chỉ cần qua môn, có bạn muốn bảng điểm hoàn hảo, có bạn muốn có internship ngay kì học đầu tiên, có bạn muốn gap year, nhiều bạn muốn kiếm thật nhiều tiền, có bạn muốn giúp thật nhiều người…
4 năm đại học, mình luôn cảm thấy mình không thực sự thuộc về 1 cộng đồng nào cả.
Mình tham gia câu lạc bộ đá bóng, leo núi, cắm trại… Học Nghiên cứu Giáo dục, mình cũng tham gia các buổi gặp gỡ do khoa tổ chức, nhưng những chủ đề các bạn thảo luận xa với những vấn đề mình muốn giải quyết quá. Mê khởi nghiệp, năm nào mình cũng tham gia hoặc hỗ trợ tổ chức Hackathon cho trường. Tự mình cũng thử đứng ra tổ chức các buổi gặp mặt hàng tuần cho các học sinh hứng thú với khởi nghiệp. Nhưng tất cả chỉ dừng lại ở mức “thử nghiệm” chứ không lên được đến mức “đam mê” như mình mong muốn.
Những cộng đồng mình thử bước chân vào hoặc bỏ công xây dựng vẫn thiếu “lửa”. Chúng “nửa vời” quá. Chúng dễ dàng quá. Chúng là những hoạt động ngoại khóa mà mọi người thích đến thì đến, thích đi thì đi. Chính vì điều này, người ta không đủ nghiêm túc để cống hiến thời gian, sức lực, và trí tuệ của mình.
Không tìm được cộng đồng trong trường, mình quyết định tự đi xây dựng cộng đồng của mình trên mạng. Bắt đầu từ Akwaaba - nơi mình chia sẻ rất nhiều về khát vọng trở về và cống hiến cho Việt Nam của 1 du học sinh; cho tới CKP, Akwaaba Journey, rồi MỞ - những dự án mình xắn tay lên làm để dần dần hiện thực hóa khát vọng đó.
Mình hy sinh những ngày cuối tuần để họp với team khi các bạn đi quẩy với ngủ nướng. Trong tuần, mình sẵn sàng làm qua loa 1 bài tập trên lớp, để có thêm thời gian chỉnh slide bài giảng cho thật hoàn hảo.
Những đánh đổi này nhiều lúc khiến mình băn khoăn tại sao mình vẫn đang ngồi đây, ở 1 nơi không ai thực sự hiểu mình, học những thứ chắc mình sẽ áp dụng 5% trong đời, và luôn cảm thấy như 1 kẻ ngoài cuộc.
Mình dần từ bỏ ước mơ tìm thấy 1 cộng đồng dành cho mình trong trường. Mình từ chối nhiều lời mời phỏng vấn của báo trường, và những lời mời chia sẻ ở các sự kiện lớn nhỏ vì mình nghĩ sẽ chẳng ai hiểu những trăn trở của mình về chảy máu chất xám ở 1 nước nghèo, hay đam mê của mình với khởi nghiệp, giáo dục, và nền kinh tế sáng tạo.
Cho đến ngày hôm qua.
Trưa hôm qua, mình “tìm thấy” Laith (”Lết”) và Ginnetho (Gin-nét-thô). Tuy có đá bóng với nhau gần 2 năm, bọn mình chưa bao giờ có dịp thảo luận về những chủ đề ngoài thể thao bao giờ.
Ginnetho chắc là người “may mắn” nhất trong 3 đứa. Cậu có cả quốc tịch Anh và Ghana. Chú của Ginnetho là 1 trong những cựu học sinh “sừng sỏ” nhất trường mình - founder của Đại học Lãnh đạo Châu Phi, người truyền cảm hứng cho rất nhiều khát vọng về giáo dục của mình. Nhà ngoại Ginnetho có truyền thống 3 đời làm khởi nghiệp và giáo dục, nhà nội có truyền thống 3 đời làm thương mại.
Trong 3 đứa bọn mình, nếu phải đánh cược xem thằng nào sẽ thành công nhất, mình chắc chắn sẽ cược hết vào Ginnetho. Nền tảng gia đình của cậu tốt quá. Ginnetho có quan hệ, có khả năng, và có cả sự khiêm tốn của những người thực sự xuất sắc.
Ginnetho chỉ nói về mình khi được hỏi. Và hôm qua là lần đầu tiên mình biết cu cậu đang bắt đầu 1 công ty nhập khẩu hoa quả sấy từ Ghana sang Mỹ, dự kiến sẽ đạt doanh thu 10 ngàn đô trong năm nay?!
Nó mới là sinh viên năm 2.
Laith đến từ Palestine, có lẽ là 1 trong những người thông minh và sắc bén nhất mình từng được gặp. Laith bắt chuyện bằng việc hỏi mình về blogging, lý do mình bắt đầu, những khó khăn mình gặp phải, quy trình viết lách, và xin mình vài lời khuyên cho trang blog của cậu về Kinh tế, Công nghệ và Khởi nghiệp.
Hết Blogging, Laith bắt đầu hỏi mình về MỞ - câu chuyện sáng lập, tầm nhìn, tương lai... Người mình bắt đầu ấm lên vì được nói về thứ mình thực sự đam mê.
2 cu cậu lắng nghe chăm chú, cho mình đủ các loại phản ứng từ ngạc nhiên, trầm trồ ngưỡng mộ, cho đến phản biện vì chưa tin, nhưng quan trọng nhất là tò mò.
Nhiều người có thể giả vờ ngạc nhiên, giả vờ ngưỡng mộ, nhưng không ai có thể làm giả được sự tò mò. Tò mò tức là quan tâm. Tò mò là hiểu, hoặc muốn hiểu.
Tò mò tức là quan tâm. Tò mò là hiểu, hoặc muốn hiểu.
Từ khởi nghiệp, bọn mình nhảy sang nói về chảy máu chất xám, về “quê hương trong tim” và “quê hương dưới chân”, về khát vọng trở về và những khó khăn, thậm chí là tính khả thi của khát vọng đó.
Laith nghe mình và Ginnetho kể về những gì bọn mình muốn làm ở Việt Nam và Ghana với ánh mắt của một người có nhiều ước mơ bị đè nén bởi thực tế. Thực tế là ở quê hương Palestine của cậu, người người nhà nhà đang mất mạng (”People are dying left, right, and center.”)
“Em thèm lắm, nhưng 3 năm rồi em chưa dám về nhà. Em sợ chết.”
Câu nói của Laith làm mình với Ginnetho lặng đi 1 lúc. Mình nghĩ về Việt Nam, về 5 ngày mình ở Ghana, về những đặc quyền mình có khi là công dân của 1 đất nước đang trong thời bình. Tự hỏi “Mình sẽ làm được gì cho quê hương với những đặc quyền này?”
2 tiếng trôi qua với đầy đủ các cung bậc cảm xúc, từ sự ngạc nhiên khi khám phá ra những thứ không tưởng tượng được về nhau, sự ngưỡng mộ những gì người kia làm, cho đến sự xúc động khi được thổ lộ tình yêu quê hương, bọn mình nhìn nhau như tìm thấy tri kỉ.
Ngày hôm qua là lần đầu tiên sau gần 4 năm ở đại học, mình thực sự cảm thấy được quan tâm và được hiểu. Mình không còn cảm thấy như 1 kẻ ngoài cuộc nữa.
Mình nghĩ sau 4 năm, mình đã tìm thấy cộng đồng dành cho mình rồi. 1 cộng đồng nhỏ thôi, nhưng vẫn là 1 cộng đồng - 1 nơi dành cho những kẻ yêu quê hương và đam mê khởi nghiệp. Hơi muộn, nhưng vẫn may mắn hơn không bao giờ.
—
Ai trong chúng ta cũng có nhu cầu cảm thấy được thuộc về. Ai trong chúng ta cũng xứng đáng tìm thấy 1 cộng đồng dành cho mình. Nếu bạn may mắn, cộng đồng đó có thể tồn tại trong công ty hoặc trường học của bạn. Nhưng nếu không, cộng đồng đó chắc chắn đang tồn tại ở đâu đó trên Internet.
Lý do mình tìm thấy bạn - người đang đọc những dòng này, hay những đồng nghiệp, và các học sinh của mình ở MỞ, chính là nhờ việc chia sẻ câu chuyện, ước mơ, trăn trở của mình trên Internet, rất nhiều lần, và rất lâu. Mình tin là bạn cũng có thể làm vậy.
Mình mong bạn có đủ can đảm để lên tiếng, để nói về những điều bạn thực sự đam mê. Vì có 1 ai đó trên Internet cần nghe câu chuyện của bạn.
i love love love this blog post so much fren!! also Laith’s writings are all such a delight to read!!! (https://www.laithalayassa.com/tag/essays/)
Dạ anh ơi, có thể em chưa theo dõi anh quá lâu nên không biết anh đã có viết một bài nào về kiểu vì sao anh lại mong muốn về Việt Nam cống hiến... chưa ạ?🥹 Nếu anh có viết rồi thì cho em xin link bài đấy để đọc được không ạ? Còn nếu chưa thì em mong anh có thể viết một bài như vậy để em có thể lấy thêm cảm hứng ạa!! Em cảm ơn anh ạa!!🤗❤️🔥