Đừng là người từ chối bản thân mình đầu tiên
Never disqualify yourself from something you haven't tried...
9 năm trước, khi đỗ vòng phỏng vấn cuối cùng của UWC Việt Nam, mình được add vào group Facebook cùng các bạn finalist và bắt đầu mường tượng được mình đang đối đầu với ai.
Những profile với các giải quốc gia và quốc tế, á quân “Chinh phục”, biết 3 ngôn ngữ, chơi 4 loại nhạc cụ dân tộc, chủ tịch của những dự án tình nguyện có tiếng… SOS!
Chắc năm nay giỏi bất thường thôi, thử research về alumni xem như nào.
“Forbes 30 under 30”, “tiến sĩ Harvard”, “thần đồng âm nhạc”, “á quân đường lên đỉnh Olympia”, cái quần què gì thế này???
Đêm đó vào group đọc intro của các bạn, lên mạng đọc bio của các alumni, mình chỉ thấy bất lực vì sự tầm thường của bản thân.
Một học sinh học lực average, chưa thành lập bất cứ một tổ chức nào, không biết chơi loại nhạc cụ nào, vốn liếng xã hội để nói chuyện về văn hoá và chính trị (thứ mình nghĩ UWC tìm kiếm) bằng âm.
(side story: trong vòng phỏng vấn alumni trước đó, khi được hỏi về 1 vấn đề chính trị mà mình quan tâm, mình trả lời là “môi trường” và không biết nói gì thêm - choke như phần thi vấn đáp hoa hậu 🤣*)*
Mình không xứng đáng được ngồi đây.
Mình không xứng đáng được ngồi đây.
Mình không xứng đáng được ngồi đây.
“Impostor Syndrome” đồ đó.
Mình chia sẻ về cảm xúc này với mẹ, và có thể nhìn thấy vẻ hãi hùng trên gương mặt của bà khi nghe mình nói về profile các bạn 😌 Nhưng, là 1 người có tư duy tích cực thượng thừa, mẹ vẫn có thể động viên mình, với đại ý là:
Đằng nào cũng ngồi đây rồi, thì cứ học và chơi hết mình thôi. Chắc chắn người ta cũng nhìn thấy điều gì đó đặc biệt ở con 😊
Mình yên tâm bay vào Sài Gòn thi vòng cuối với tinh thần học hỏi là chính…
9 tháng sau, mình trở thành người Việt đầu tiên theo học UWC Trung Quốc.
9 năm sau, mình sẽ là người điều phối chính cho vòng final của học bổng UWC Việt Nam năm nay.
Nếu các em đang và sẽ apply UWC nhìn vào hồ sơ của mình, hay 1 vài alumni nổi bật trên mạng, có lẽ các em cũng sẽ thấy “impostor” hay “không xứng đáng” như mình 9 năm trước.
Cảm giác này không chỉ áp dụng với học bổng UWC, nó áp dụng với rất nhiều “cuộc chiến” trong cuộc sống mà kết quả của chúng không phụ thuộc 100% vào những gì bạn có thể kiểm soát.
Cảm thấy mình “không đủ” khi apply 1 học bổng, thi tuyển 1 vị trí trong mơ, xây dựng 1 business, theo đuổi 1 ai đó…
Xin hân hạnh được giới thiệu với bạn, triết lý đầu tiên của mình về những “cuộc chiến trong cuộc sống”:
Triết lý #1: Đừng bao giờ tự “loại” bản thân khỏi 1 cuộc chiến bạn còn chưa đánh.
Thích một ai đó? Tán đi. Tỏ tình đi. Loại bạn là việc của họ.
Thích một học bổng/ công việc? Nghiên cứu đi. Apply đi. Loại bạn là việc của ban tuyển sinh/ tuyển dụng.
Thích build 1 business? Làm đi. Vừa học vừa làm. Không ai biết tất cả mọi thứ ngay từ đầu hết. Nếu thất bại, ít nhất bạn đã làm mọi thứ trong khả năng của mình để theo đuổi 1 ước mơ bạn tin vào.
Bạn sẽ không bao giờ biết mình có thể thắng 1 cuộc chiến hay không, nếu bạn không dám đánh nó.
Never disqualify yourself for something you haven’t tried. Let other people do it. And they’d better try damn hard to!
Loại bạn là việc của những người khác trong cuộc chiến, không phải việc của bạn.
Việc của bạn là biết mình muốn đánh cuộc chiến nào, và hết mình với nó.
Triết lý #2: Bạn sẽ không bao giờ biết chắc chắn cuộc chiến nào là thực sự quan trọng, nếu bạn không đánh thử nhiều cuộc chiến khác nhau.
Mình sẽ không thực sự biết việc “làm chủ” khó đến mức nào, nếu mình không làm thử trong hơn 1 năm qua (mặc dù đã đọc không biết bao nhiêu sách về tỉ lệ thất bại của startup). Bài học từ cuộc chiến “làm chủ”.
Mình cũng sẽ không thực sự biết việc “được làm thứ mình tin vào” quan trọng đến đâu, nếu không đi làm thuê cho 1 người rất giỏi HOW nhưng không tin vào WHY của họ. Bài học từ cuộc chiến “làm thuê”.
Mình cũng sẽ không biết ngưỡng “ở đủ gần và đủ xa” gia đình là ở đâu, nếu trong 8 năm vừa rồi, mình không sống xa bố mẹ các khoảng cách từ 10 bước chân → 2 giờ bay → 5 giờ bay → tới hơn 12,000km. Bài học từ cuộc chiến “sống xa gia đình”.
Có mất mát và hy sinh, mới có bài học và giác ngộ.
Có rất nhiều người đã nói và viết về những giá trị “thực sự” quan trọng trong cuộc sống. Từ tài liệu của những tôn giáo lâu đời nhất đến video tiktok bạn xem ngày hôm qua, ai cũng có quan điểm và ý kiến về điều gì là thực sự quan trọng.
Việc tham khảo những quan điểm này là tốt, vì riêng việc nghĩ về câu hỏi “thứ gì là thực sự quan trọng” thôi, theo mình, đã là tốt rồi. Những quan điểm / “lời răn” này cũng có thể đến từ rất nhiều chiêm nghiệm và trải nghiệm của rất nhiều người.
Nhưng, giống như lời Ray Dalio trong Principles:
Adopting pre-packaged principles without much thought exposes you to the risk of inconsistency with your true values.
Tiếng Việt: “Việc áp dụng các nguyên tắc có sẵn mà không suy nghĩ kỹ lưỡng, sẽ khiến bạn đối mặt với nguy cơ sống trong mâu thuẫn với những giá trị thật của bản thân.”
Có những bài học bạn phải tự mình rút ra, bằng trải nghiệm và chiêm nghiệm cá nhân. Không có đường tắt.
Hãy cẩn thận với những bài học của người khác, vì có thể cuộc chiến họ đánh rất khác bạn.
Nếu có thể, hãy tự đánh cuộc chiến của mình. Tự học.
Triết lý #3: Đừng chỉ đánh những cuộc chiến bạn biết mình sẽ thắng.
Dĩ nhiên, khi mới bắt đầu, việc xây dựng “sự tự tin” vào khả năng của mình bằng những chiến thắng nhỏ là quan trọng.
Ví dụ: trước khi app UWC, mình thi 1 học bổng trao đổi ngắn ngày, trước đó là 1 mùa hè học viết và apply thử vào bất cứ 1 chương trình miễn phí nào yêu cầu viết đơn bằng tiếng Anh. Việc đỗ kha khá (khoảng 90%) những chương trình ngắn ngày này là điểm tựa tinh thần rất lớn, cho mình can đảm để app 1 học bổng lớn như UWC.
Mình tin rằng sự tự tin là 1 kỹ năng có thể xây dựng được, bằng việc đánh những cuộc chiến nhỏ một cách thông minh, trước khi đánh 1 cuộc chiến lớn.
Nhưng, khi đã có 1 level tự tin nhất định vào khả năng của mình, điều nên làm là đánh những cuộc chiến khó hơn, lớn hơn, quan trọng hơn.
Tiếp tục đánh những cuộc chiến nhỏ, những cuộc chiến bạn biết chắc mình sẽ thắng, chỉ phục vụ mục đích vuốt ve cái tôi của bản thân, nghĩa là bạn đã chấp nhận mình chỉ giậm chân tại chỗ.
Câu chuyện
Gặp mình sau khi thông báo quyết định dừng MỞ, anh the1ight (1 học sinh của mình) có ví quyết định đó như 1 quote Master Aemon nói với Jon Snow trong “Game of Thrones”:
To k!ll the boy, and let the man be born.
Anh Quang nói đúng quá, mình mất ngủ luôn đêm hôm đó. Lăn qua lăn lại suy nghĩ về cuộc sống Tùng “tự do - làm sếp - được yêu quý” mình sẽ buông, và cuộc sống Tùng “làm thuê + áp lực cao” mình sắp dấn thân vào.
Mình biết mình dừng MỞ để đánh những cuộc chiến lớn hơn, khó hơn, quan trọng hơn với mình.
Và qua những cuộc chiến đó, mình sẽ trưởng thành hơn. Let the man be born!
Lời kết
Mình bắt đầu bài viết này với mục tiêu chia sẻ triết lý #1 là chính. Trong quá trình đó, mình “nhận ra” 2 triết lý còn lại.
Nên với mình, #1 vẫn quan trọng nhất. Khi hiểu được #1, mình cảm thấy một khi mình đã muốn, thì không có cuộc chiến nào là quá lớn cho mình nữa. Đánh có thể thua, nhưng chắc chắn vẫn dám đánh.
Nếu bạn chỉ nhớ được 1 điều sau khi đọc, mình thực sự mong đó là tên bài viết này - được đặt lại bởi Việt Quang.
“Đừng là người từ chối bản thân mình đầu tiên.”
Có rất nhiều người sẽ cố gắng “loại” bạn trong những cuộc chiến của cuộc đời. Mình chỉ mong bạn không tự làm vậy với chính mình!
Hết thư tuần này 🫡
Hẹn gặp lại khi mình muốn viết tiếp 😌
Tùng
Bài viết hay và truyền cảm hứng quá ạ. Cảm ơn anh vì bài viết này đến đúng lúc em cần. Em thấy chạm nhất là phần đừng tự loại mình khỏi cuộc chiến mà mình chưa đánh. Và em cũng thường mắc phải việc chuẩn bị quá lâu để có thể đảm bảo mình sẽ luôn đạt được mục tiêu, trong khi có nhiều "cuộc chiến" phải bắt đầu trước đã rồi mới có bước đi tiếp. Anw chúc anh Tùng sẽ tiếp tục có những bước tiến xa trên hành trình sắp tới ạ :D
Cảm ơn bạn Tùng vì bài viết nha. Rất truyền động lực để thử cái mới.