Input Goal (Mục tiêu Đầu vào)
Tôi muốn viết 30 phút mỗi ngày.
30 phút ngồi viết gì cũng được. Viết xong đem cất vào ngăn bàn cũng được, đăng lên MXH cũng được. Miễn bạn dành thời gian trong ngày để viết đủ 30 phút là hoàn thành mục tiêu. Viết là thành công.
Blogger hệ input tập trung vào xây dựng thói quen viết hằng ngày.
Output Goal (Mục tiêu Đầu ra)
Tôi muốn ra 1 blog mỗi tuần.
Bạn không cần biết mình sẽ viết bao nhiêu phút mỗi ngày. Bạn không viết 6 ngày cũng được. Miễn là cuối tuần, bạn có 1 bài post cho anh em đọc là hoàn thành mục tiêu. Lên bài là thành công.
Blogger hệ output tập trung vào đảm bảo tần suất ra bài đều đặn.
Outcome Goal (Ước mơ)
Tôi muốn có 100,000 followers.
Không cần viết. Làm gì ra 100,000 followers là hoàn thành mục tiêu. Nổi tiếng là thành công.
Điểm khác nhau lớn nhất giữa Input, Output Goal với Outcome Goal chính là tính tự quyết.
Với Input hay Output Goal, bạn rất ít phụ thuộc vào người khác. Bạn quyết định liệu mình có thể dành 30 phút mỗi ngày để viết và cải thiện kỹ năng hay không. Bạn cũng quyết định tần suất lên bài của bản thân (1 tuần/bài hay 1 bài mỗi ngày). Đạt được mục tiêu hay không là hoàn toàn do bạn.
Với Outcome Goal, có quá nhiều yếu tố bạn không kiểm soát được. Có đủ 100,000 người quan tâm về chủ đề bạn chia sẻ không? Họ đang nằm ở xó xỉnh nào trên Internet? Nội dung hay là một chuyện, làm thế nào để nội dung đó viral? Đạt được mục tiêu hay không do bạn 1 phần, do các biến số khác 9 phần.
Trong cả 3 loại mục tiêu này, outcome goal là dài hơi và khó đạt được nhất. Tuy nhiên, đây lại là mục tiêu chúng ta tập trung vào nhiều nhất. “Tôi muốn nổi tiếng như ABC”, “Tôi muốn mỗi post phải có 100 shares”, “Tôi muốn có 100K followers”…
Việc này tạo ra một vấn đề mà rất nhiều các bloggers gặp phải: họ chùn bước trước sự vĩ đại của chính ước mơ của mình.
Họ quên mất rằng: Ước mơ dù lớn đến đâu cũng phải bắt đầu từ những bước nhỏ mà bạn có thể kiểm soát được, như là xây dựng thói quen và một quy trình sáng tạo tốt.
Bản chất ước mơ của bạn không hề xấu. Chỉ đáng tiếc khi nó mãi chỉ là ước mơ thôi.
Lời khuyên đầu tiên của mình là: Hãy bẻ nhỏ ước mơ thành những checkpoint nhỏ nhất (output goals) và xây dựng hệ thống thói quen để giúp bạn đạt được những checkpoint này (input goals).
Tập trung vào những mục tiêu bạn kiểm soát được.
—
Phải đến năm 2024 (tức là 4 năm rưỡi từ khi mình bắt đầu viết), mình mới thực sự chuyển đổi mindset để tập trung 90% vào input goal trong sáng tạo.
Mặc dù chưa bao giờ có outcome goal (là năm nay phải được bao nhiêu followers hay lên bao nhiều tờ báo), nhưng những output goals mình tự đặt ra như 1 tuần phải có ít nhất 2 bài cũng từng tạo ra vài giai đoạn creative burnout khá kinh khủng cho mình trong 4 năm qua.
Sự kết hợp của việc không có ý tưởng để viết và áp lực “phải viết” là 1 trạng thái rất đáng sợ.
Là 1 creator (hay chúng ta có thể gọi là public creative), việc không xuất hiện public đều đặn và sợ bị lãng quên là 1 cảm giác rất thật. Không giống những artist (hay private creative), việc không xuất hiện public, vài năm ra 1 tác phẩm là chuyện bình thường, thì việc xuất hiện đều đặn rất quan trọng với creator.
Creator bị đánh giá bởi output và tần suất cho ra output vì đây là những thứ duy nhất công chúng có thể nhìn thấy. Khán giả Internet sẽ không quan tâm bạn dành bao nhiêu thời gian và công sức nghiên cứu cho 1 sản phẩm sáng tạo nếu họ không nhìn thấy sản phẩm nào. (Và kể cả khi nhìn thấy thì họ có thể cũng không quan tâm).
Nếu 1 creator tập trung quá nhiều vào output, họ có thể thỏa hiệp chất lượng của content (dựa trên tiêu chuẩn sáng tạo của chính bản thân họ).
Nếu 1 creator không quan tâm đến output và chỉ tập trung vào việc tạo ra tác phẩm “hoàn hảo” nhất, tốc độ học tập từ data và thực hành của họ sẽ trở nên chậm hơn rất nhiều. Tệ hơn, họ có thể sẽ không bao giờ công khai bất cứ 1 tác phẩm nào của mình hết.
Mình nghĩ để đi bền vững, 1 creator cần phải cân bằng cả chất lượng bài viết lẫn tần suất lên bài.
Để làm được việc này, sau đây là 4 điều luật mình đang thử nghiệm trong năm 2024:
1. Tập trung vào input goal, tin vào process
Sẽ có những session viết mình dành 2 tiếng ra và không hoàn thành được bài viết nào, nhưng mình vẫn có thể thoải mái đứng dậy để đi làm việc khác, vì mình tin là session viết tiếp theo mình có thể hoàn thành bài viết đó.
Mình tin là session viết tiếp theo mình có thể hoàn thành bài viết đó.
Đây là 1 niềm tin cực kỳ quan trọng khi sáng tạo, vì nó giải phóng mình khỏi output goal hồi xưa là “mỗi session phải viết cho xong 1 bài”.
Output goal đó rất quan trọng trong thời điểm mình mới bắt đầu viết (vì để càng lâu thì khả năng bỏ dở hoặc không đăng càng cao). Nhưng ở thời điểm hiện tại, nó không còn hữu dụng với mình nữa.
Niềm tin này, có thể được gọi là creative confidence, cần được xây dựng từ nhiều trải nghiệm sáng tạo và nghiêm túc với output goal, chứ không chỉ đến từ việc “thay đổi suy nghĩ”.
Chỉ khi bạn chứng minh được bằng output là “Đấy, tôi có thể dành vài sessions cho 1 bài, nghiên cứu thêm (input) để cải thiện chất lượng, VÀ không đánh mất “khí thế” khi đăng”, thì mình nghĩ niềm tin này mới thực sự vững chãi.
2. Đặt ra output goal hợp lý
Để nghiêm túc được với output goal, bạn cần tìm được 1 kỳ vọng hợp lý cho tần suất lên bài. Mình vẫn recommend học sinh sau thử thách viết 30 ngày của Writing On The Net là hãy thử nghiệm với tần suất 1 bài/ tuần.
So với những tần suất giãn hơn như 2 tuần hoặc 1 tháng/lần thì độ “nhớ nhung” của content được published 1 lần/tuần cao hơn đáng kể. Khán giả dễ có kỳ vọng hơn.
Cứ thứ Hai là đọc newsletter của Tùng, chứ không phải cứ thứ Hai đầu tiên và thứ ba của tháng (ai mà nhớ được tần suất này 🫠).
1 tuần cũng cho mình đủ thời gian để “ngâm” những bài viết dài và cần nhiều nghiên cứu, nhưng lại không quá nhiều thời gian để “overthink” quyết định có nên publish hay không. → Hoàn hảo với mình.
3. Sẵn sàng delay output nếu chưa sẵn sàng
Thứ Hai đến, nhưng tuần vừa rồi nhiều việc quá, chưa ngâm được ý tưởng nào đủ “say”, mình sẽ làm gì? Delay. Lùi lịch đăng bài lại.
Mình đã ở một giai đoạn trong hành trình làm sáng tạo mà mình nghĩ rằng việc delay bài viết 1 tuần để đưa nó từ điểm 5 lên điểm 9 có lợi cho mình hơn việc đăng 2 bài điểm 5 lên trong 7 ngày.
Cụ thể về giai đoạn này đã được mình phân tích (bằng tiếng Anh) ở bài The Creator to Creative Ladder.
Tóm lại là ở thời điểm hiện tại, mình đủ tin vào quy trình - các input goals tuần này sẽ giúp mình hoàn thành bài viết với chất lượng cao hơn - để có thể delay output.
NHƯNG, luật cuối cùng 👇
4. Không bao giờ delay 2 lần
Đối với cá nhân mình, việc delay 1 lần để tiếp tục suy nghĩ và cải thiện sản phẩm là oke. Nhưng đến lần thứ 2, mình coi đây là dấu hiệu của “overthinking”.
Một phẩm chất quan trọng và cần có của 1 creator (cũng như 1 innovator), theo mình, là lòng can đảm - để dám “ship” kể cả khi sản phẩm chưa sẵn sàng 100%. Hãy chấp nhận rằng bạn sẽ không bao giờ tạo ra bất cứ thứ gì “hoàn hảo” cả.
Hãy để disclaimer về những giới hạn của sản phẩm ở cuối, ghi nhận những giới hạn về suy nghĩ của mình, và chào đón những góp ý mang tính xây dựng.
Điều tuyệt vời (và cũng là đáng sợ nhất) của Internet chính là cơ hội được đối mặt với sự thật là “Ồ, mình sai rồi.” hay “Ồ, hóa ra còn có những góc nhìn như vậy nữa.”
Mình viết để nhận ra là mình còn thiếu sót,
chứ không phải để chứng minh bản thân hoàn hảo.
Túm lại là
Có 3 kiểu mục tiêu:
Input Goal: Tôi sẽ viết 30 phút mỗi ngày
Output Goal: Tôi sẽ publish 1 bài mỗi tuần
Outcome Goal: Tôi sẽ đạt 100,000 followers sau 3 năm
Tính tự quyết của từng kiểu mục tiêu giảm dần từ Input tới Outcome.
Tập trung vào những mục tiêu bạn kiểm soát được - những mục tiêu có tính tự quyết cao.
Để cân bằng được cả chất lượng và tần suất, bạn có thể thử:
Tập trung vào input goal, tin vào process
Đặt ra output goal hợp lý
Sẵn sàng delay output nếu chưa sẵn sàng
Không bao giờ delay 2 lần
Chúc bạn đưa ra được những mục tiêu sáng tạo phù hợp để có thể đi thật bền trên hành trình này 😊
Disclaimer: Những lời khuyên trên được viết từ trải nghiệm cá nhân của mình trong thực hành sáng tạo trên Internet và có thể có nhiều thiếu sót. Mình rất mong nhận được góp ý của bạn qua email hoặc ở phần bình luận dưới bài viết 😊
Bài học ngày hôm này là: Gin Anh có thể sẽ đặt input goals cho việc viết để đạt đc KR outcome cho OKRs của công ty
Bài này quá là inspires luôn ạ. Đúng lúc e đang hơi burn out vì nhiều Outcome quá.