10 lời khuyên cho việc viết
Sau 5 năm, hơn 400 bài viết, và hơn 300 học sinh
Nếu đây là lần đầu tiên bạn nhìn thấy bài viết của mình và tự hỏi: “Akwaaba Tùng là thằng quần què nào mà dám đưa ra 10 lời khuyên cho việc viết?”, mình xin phép được tự giới thiệu:
Mình từng là 1 học sinh rất dốt Văn và sợ viết bằng tiếng Việt khi còn đi học ở Việt Nam.
Tuy nhiên, việc viết trên Internet cho mình cơ hội để có 1 cái nhìn bao dung hơn với bản thân, để yêu việc viết, và tin rằng học dốt Văn ở trường không có nghĩa là mình sẽ không bao giờ viết được cái gì “có giá trị”.
Sau gần 5 năm hoạt động, viết hơn 400 bài blogs trên Internet, và 2 năm hỗ trợ hơn 300 học sinh bắt đầu hành trình blogging, mình nghiệm ra được 10 bài học mà mình nghĩ sẽ có ích cho bạn trong hành trình viết của riêng mình.
10 bài học này đến từ chiêm nghiệm cá nhân của mình, nên mình mong bạn có thể đọc chúng với sự rộng lượng và phản tư cần thiết. Bạn không nên coi những điều mình viết ở đây là chân lý mãi không đổi. Hãy coi 10 bài học này là mở đầu cho 1 cuộc trò chuyện văn minh về việc viết😊
1. “Ăn ngon” thì mới “viết ngon” được
Chất lượng Content bạn tiêu thụ ảnh hưởng tới Chất lượng Suy nghĩ của bạn và Chất lượng Suy nghĩ của bạn tỉ lệ thuận với Chất lượng Content bạn tạo ra.
Thông tin là đồ ăn cho trí óc.
“Bạn không thể tiêu thụ đồ ăn kém chất lượng và kỳ vọng mình sẽ khỏe mạnh. Giống như bạn không thể nạp những thông tin kém chất lượng và kỳ vọng suy nghĩ của mình sẽ xuất sắc.” - Shane Parrish, Clear Thinking
Muốn tạo ra những content chất lượng, bạn cần “ăn” những content chất lượng.
2. Kiểm soát cảm hứng. Đừng để cảm hứng kiểm soát mình. (Với hệ thống lưu trữ ý tưởng)
Cảm hứng cũng là 1 loại cảm xúc. Muốn biến sáng tạo thành nghề thì phải kiểm soát được cảm hứng, chứ không nên để cảm hứng kiểm soát mình (quá nhiều).
Cảm hứng thường đến vào lúc ta không lường trước được.
Vì cảm hứng đến vào những lúc ta không lường trước được, và ta không biết bao giờ mình sẽ cần sử dụng những ý tưởng đó, việc tốt nhất ta có thể làm để chuẩn bị cho những ngày “mùa đông đói ý tưởng”, là xây dựng 1 nhà kho lưu trữ nguyên liệu cho việc viết.
Người viết tốt không có nhiều cảm hứng hơn người bình thường. Họ chỉ giỏi hơn người bình thường trong việc nắm bắt và lưu trữ những cảm hứng này thôi.
Bạn có thể đọc thêm về cách xây dựng hệ thống lưu trữ ý tưởng của mình
3. Nội dung là vua. Format là vương quốc.
Trong thế giới viết lách trên Internet, mình đã nhìn thấy quá nhiều bloggers thất bại vì format (hình thức), chứ không phải vì nội dung.
Rất nhiều bài viết khiến việc đọc trở nên quá vất vả cho độc giả. Không phải vì nội dung của họ khó hiểu hay “cần thông minh mới hiểu”, mà vì format của họ quá khó để theo dõi.
Cách con chữ được bố trí (format), trong thời đại này của content, quyết định xem độc giả có đọc bài viết của bạn hay không.
Format bài viết là tôn trọng công sức và thời gian của cả mình và độc giả.
Nếu bạn đã mất 4 tiếng để viết rồi, đừng tiếc thêm 30 phút để format lại bài viết cho dễ đọc nhé.
Nội dung là vua. Format là vương quốc.
Chả ai ai quan tâm ông Vua là ai, nếu Vương quốc đó xấu cả.
4. “Cho ai?” là câu hỏi đầu tiên bạn cần trả lời
1 lời khuyên sáo rỗng, nếu đúng người, đọc đúng thời điểm sẽ không sáo rỗng.
Chê self-help thì có khi bạn không cần self-help. Chê tik tok thì có khi bạn không cần tik tok. Chê triết học thì có khi bạn không cần triết học.
Bạn không cần, nhưng biết đâu người khác cần?
Trước khi trả lời câu hỏi “Liệu X có tốt không?”, bạn phải trả lời được câu hỏi “Tốt cho ai?”
Khi viết, hãy ghi rõ bạn đang viết cho ai để tránh làm mất thời gian của những người không phải đối tượng mục tiêu.
5. Ôm ấp sự lộn xộn khi viết
Viết không phải là kết quả của tư duy; viết là phương tiện để tư duy hình thành. - Sonke Ahrens, How To Take Smart Notes
Viết, theo mình, là hành động “phiên dịch” những suy nghĩ lộn xộn trong đầu của 1 người thành 1 văn bản mà người khác có thể đọc và hiểu.
Cách chúng ta nghĩ thì lộn xộn. Nhưng cách chúng ta đọc, hoặc kì vọng từ văn bản, thì lại tuyến tính (linear).
Vì thế, chúng ta thường kì vọng việc viết cũng là 1 quá trình tuyến tính, đi từ suy nghĩ trong đầu tới bài viết hoàn chỉnh bằng 1 đường thẳng.
Nhưng thực tế thì, việc viết lộn xộn hơn như vậy rất nhiều.
1 bài viết hay cần nhiều bản nháp dở.
Người viết hay không phải là người viết câu nào là xuất sắc câu đấy. Người viết hay là người đã quá quen thuộc và thoải mái với những bản nháp dở của mình.
Họ biết phía bên kia sự lủng củng, rối rắm, và tối nghĩa của những bản nháp, là sự tinh gọn, trau chuốt, và sáng sủa của những bài viết hoàn chỉnh.
Điều đầu tiên chúng ta cần làm, là ôm ấp sự lộn xộn của suy nghĩ, như những em bé mới “ra đời”.
6. Đừng sợ lặp lại ý tưởng cũ
Theo mình, nỗi sợ lặp lại cái cũ là một nỗi sợ rất vô căn cứ của các nhà sáng tạo nội dung, bao gồm cả mình. Cái cũ mà hay, mà kết nối được với nhiều người, mà lại đúng cái mình muốn viết, thì tại sao lại không viết lại?
Những tay viết kinh khủng nhất của cả internet lẫn ngành xuất bản sách cũng chỉ nắm trong tay dăm ba ý tưởng chính, được xào đi xào lại, rồi gài gắm qua các bối cảnh khác nhau. Vốn dĩ họ thoải mái và tự tin với việc xào nấu là vì họ đã dành cả chục năm, thậm chí cả sự nghiệp để nghĩ ra được một ý tưởng vĩ đại, nên cả có gì phải xấu hổ khi nhắc lại nó cả.
Cái gì hay hãy nói 20 lần, theo 10 cách, cho 100 người khác nhau. Trên internet, luôn luôn có những người chưa đọc 1 bài viết nào của bạn cả hoặc những người đọc rồi nhưng quên mất. Sợ viết lại ý tưởng mà 95 người đã đọc? Hãy viết cho 30 người đã quên và 5 người chưa đọc bao giờ nhé.
Ý tưởng cũ, mà đúng người đọc, vào đúng thời điểm thì cũng có giá trị nhé :)
7. 10,000 followers không bằng 1,000 emails
Khi bạn post trên MXH, bạn phải canh giờ “vàng” (cho nhóm độc giả mục tiêu của mình), để nhiều người nhìn thấy nhất có thể. Nếu mình đăng 1 bài viết vào 3 giờ sáng, chắc chắn bài viết đó sẽ reach được tối đa là 6,000 người.
Khi bạn gửi 1 email, không quan trọng bạn gửi đi lúc nào, độc giả SẼ nhận được email của bạn.
1 email list khiến cho việc bạn phân phối nội dung (hoặc sau này có thể là thông báo phát hành 1 sản phẩm, tuyển dụng, nhờ vả…) dễ dàng hơn rất nhiều.
Ấn follow thì dễ lắm. Thuyết phục 1 người đưa email của họ và cho phép bạn gửi MỌI THỨ tới inbox của họ khó hơn nhiều.
Vậy nên, với mình, 1,000 emails có giá trị hơn 10,000 followers.
8. Viết hằng ngày dễ hơn là vài lần 1 tuần
Đặc biệt là khi bạn mới bắt đầu. Vì chỉ khi bạn mặc định ngày nào cũng sẽ tập gym/ viết blog/ đọc sách, bạn mới không cần phải tự hỏi: “Hôm nay mình có phải làm việc này không?”
2 chìa khóa của hình thành thói quen vẫn là: Giảm cường độ & Tăng tần suất.
Thay vì đặt mục tiêu tập gym 3 buổi/ tuần, mỗi buổi 2 tiếng, hãy tập hằng ngày, mỗi ngày 20 phút. Thay vì đặt mục tiêu viết 3 bài/ tuần, mỗi bài 2000 từ, hãy viết mọi ngày, mỗi bài 200 từ. Thay vì đặt mục tiêu đọc sách 3 buổi/ tuần, mỗi lần 30 phút, hãy đọc hằng ngày, mỗi ngày 10 phút.
Dĩ nhiên là bạn sẽ không chỉ dừng lại ở việc tập gym 10 phút hay đọc 3 trang sách mỗi ngày suốt cả phần đời còn lại, mà bạn sẽ tăng dần độ khó của những hành vi này, một khi bạn cảm thấy chúng đã trở thành thói quen tự động.
Xây dựng thói quen không phải là 1 đích đến, mà là một hành trình cải thiện không ngừng.
Bước đầu tiên: viết hằng ngày 😉
9. Tìm độc giả là nhiệm vụ của bạn. Đi tìm bạn không phải là nhiệm vụ của họ.
James Clear là tác giả của Atomic Habits (234 tuần liên tiếp nằm trong top 10 đầu sách bán chạy nhất của The New York Times).
Trước khi xuất bản Atomic Habits, James Clear cũng đã có hơn 500,000 email subscribers - tức là tiếng tăm của ổng cũng đã thuộc top 0.01% người viết trên thế giới rồi.
Dẫu vậy, James vẫn chăm chỉ đi book tour, vẫn chuẩn bị hơn 200 podcast trước ngày xuất bản 6 tháng, vẫn dậy vào 6h sáng để xuất hiện trong những buổi ghi hình lớn để quảng cáo về sách của mình.
James không chỉ là 1 tác giả sách. Ông tư duy như 1 doanh nhân: “Sản phẩm tốt phải đi kèm với sales tốt. Không có nhưng.”
Ông từng nói rằng: “Tìm độc giả là nhiệm vụ của tôi. Đi tìm tôi không phải là nhiệm vụ của họ.”
Bao nhiêu người viết, hay tác giả sách suy nghĩ và làm được như vậy?
Với các blogger mới bắt đầu (như mình và chắc là nhiều bạn đọc blog này nữa), chúng ta là ai mà nghĩ rằng “tôi không cần quảng cáo bài viết của mình”, rằng “viết hay tự nhiên người đọc sẽ đến”?
Nếu bạn nghĩ đến chuyện bắt đầu viết, và mơ về 1 ngày được xuất bản sách, hãy nhớ rằng:
Tìm độc giả là nhiệm vụ của bạn. Đi tìm bạn không phải là nhiệm vụ của họ.
10. Đừng quá ám ảnh với “niche”
Có 2 loại “niche” trong sáng tạo nội dung:
Niche Nội Dung: Chủ đề bạn viết.
Khi từ “niche” xuất hiện, hầu hết chúng ta sẽ nghĩ về niche nội dung. Có niche nội dung giúp cho người đọc dễ dàng miêu tả blog của bạn hơn.
Ví dụ: Tuấn Mon viết về Productivity, Hoàng Long viết về chuyện học và quản lý kiến thức, James Clear viết về thói quen, Hiếu TV nói về tài chính cá nhân…
Nhưng cũng có Niche Format: Cách bạn viết.
Niche format chính là phong cách của người viết. Người đọc khó miêu tả niche format hơn rất nhiều (so với niche nội dung). Ví dụ: Tùng dùng đồ thị, Tim Urban dùng người que, Paul Graham viết long-form siêu logic…
Sau gần 5 năm và hơn 400 bài blogs, mình mới hòm hòm nhìn ra “niche” của bản thân là gì. Vậy nên, khi mới bắt đầu, bạn không cần biết niche của mình là gì.
Đừng ép mình chỉ được sáng tạo trong 1 khuôn khổ nội dung hoặc format nhất định.
Hãy cho phép bản thân tự do sáng tạo, tự do khám phá những chủ đề bạn muốn viết và thử nghiệm mọi cách bạn muốn viết về chúng.
Học cách tận hưởng quá trình sáng tạo. Làm nó đủ lâu, và niche của bạn sẽ xuất hiện thôi.
Bài viết thuộc thử thách Viết Đều và Hay của Writing On The Net Alumni.
Mình đã từng viết rất nhiều khi còn lại cử nhân. Sau đó ngừng viết khi học thạc sĩ vì nhận ra hiểu biết của mình quá nhỏ bé. Giờ đây khi làm NCS, được đọc bài của bạn, mình lại sẵn sàng để ùng nổ thêm nữa.
Tks
cảm ơn bạn về những lời khuyên hưu ích, mình đàng trên hành trình bắt đầu tập luyện thói quen viết hằng ngày. Có lúc chẳng biết viết về nội dung gì thì mình sẽ viết theo kiểu như nhật kí hằng ngày, tự chiêm nghiệm lại bản thân đã làm gì trong 1 ngày, cần rút ra bài học gì.