Những tuần cuối cùng của quãng đời sinh viên, tôi mới bắt đầu sống như cái cách tôi ước mình đã sống gần 4 năm qua.
Tôi gọi đây là “Hiệu ứng cuối cấp”.
“Hiệu ứng cuối cấp” xảy ra khi chúng ta nhận ra cái kết của 1 hành trình đang ở ngay trước mắt mình. Cuối cấp 3, cuối đại học, cuối kỳ thực tập, cuối trại hè, cuối 1 chuyến đi, thậm chí là cuối đời.
Đó là khi chúng ta tự hỏi bản thân: “Còn gì mình muốn làm mà vẫn chưa làm không?” hay “Có điều gì mình sẽ tiếc nếu không làm trước khi mọi thứ kết thúc không?”
Với 2 câu hỏi đó, lối sống của tôi những ngày cuối đại học rời khỏi mode “tối ưu hiệu quả” và chuyển sang mode “chống tiếc”.
Trước đây, ưu tiên hàng đầu của tôi ở đại học là sự hiệu quả (hoặc tốc độ). Tôi thường hiệu quả nhất khi làm việc một mình. Tôi cố gắng làm mọi bài tập 1 mình và chỉ làm việc nhóm khi bắt buộc. Tôi thích ăn trưa 1 mình vì nó nhanh, nghĩa là tôi sẽ có thêm thời gian ngủ trưa. Tôi có 1001 lý do để từ chối những cuộc hẹn đi chơi với bạn bè.
Gần đây, tôi tận dụng mọi cơ hội để dành thời gian với những người tôi yêu quý. Tôi bắt đầu mê việc làm bài tập với bạn bè để thỉnh thoảng nghỉ ngơi và buôn chuyện. Tôi hóng đến bữa trưa để đi ăn với thằng em tôi quý nhất trường. Tôi nói không ít hẳn đi và nói có nhiều lên. Tôi chủ động rủ mọi người đi ăn, đi chơi, đi làm. Tôi sắp xếp các buổi gặp mặt để giới thiệu những người bạn tôi quý với nhau.
Tôi nhận ra tôi yêu những người bạn của mình vô cùng. Tôi cảm thấy thời gian mình dành với họ thật có ý nghĩa, kể cả khi chúng tôi làm những việc rất vô nghĩa và “không hiệu quả”. Tôi sống mọi ngày như ngày mai mình sẽ mãi mãi rời khỏi ngôi trường này. Khoảnh khắc đó cũng chỉ cách tôi 14 ngày nữa thôi.
Nếu có tiếc gì, tôi chỉ tiếc tại sao mình không sống như những ngày qua sớm hơn. Tại sao chỉ khi cái kết gần kề thì tôi mới trân trọng những thứ tôi đang có? Quyền tiếp cận tới 1 cộng đồng tri thức, với những câu chuyện thú vị, đến từ khắp nơi trên thế giới, và chỉ cách tôi đúng 1 câu chào trong canteen.
Nhưng tôi hiểu rằng cái gì cũng có cái giá của nó, rằng nếu tôi chọn bạn bè 3 năm trước thì có lẽ bây giờ tôi sẽ tiếc mình đã không chọn sự hiệu quả. Cỏ luôn xanh hơn ở bờ bên kia mà.
Vậy tôi sẽ không ước mình đã sống như bây giờ sớm hơn nữa. Tôi ước mình đã sống cân bằng hơn. Tôi ước mình đã chọn bạn bè nhiều hơn 1 chút, và hiệu quả bớt đi 1 chút.
Tôi hiểu rõ tầm quan trọng của việc đầu tư vào 1 tương lai tốt đẹp. Duy trì điểm số trên trường, giữ gìn sức khỏe, lên kế hoạch sự nghiệp từng năm, kiếm tiền để tự lo mọi thứ, duy trì blog này như 1 portfolio… đều là những việc quan trọng.
Nhưng dành thời gian với bạn bè, khám phá thành phố, làm quen với các bạn mới… cũng quan trọng không kém. Đến gần cuối hành trình này, bên cạnh 1 tương lai tốt đẹp, tôi mới nhận ra tầm quan trọng của việc đầu tư vào 1 hiện tại đáng nhớ.
Rồi tôi cũng sẽ quên hết những lần làm việc “hiệu quả” để nộp bài trước deadline 1 tuần. Nhưng tôi sẽ không bao giờ quên cái đêm tôi dừng viết bài blog này để giúp Ginnetho làm bài thi đến tận 2 giờ sáng, hay con cá 45 đô tôi, Trung và Tâm ăn sau khi 2 đứa giúp tôi hoàn thành luận văn tốt nghiệp, hay ngày tôi cúp học để nói chuyện cùng 2 người bạn đam mê khởi nghiệp và yêu nước.
“Hiệu quả” và “Đáng nhớ” không liên quan đến nhau lắm.
Dĩ nhiên là khi rời khỏi đại học, tôi sẽ biết ơn mọi quyết định mình đã đưa ra, vì chúng khiến tôi trở thành tôi của hiện tại. Những việc tôi từng làm cho tương lai đều là cần thiết. Chỉ vì chúng ta không nhớ 1 sự kiện, không có nghĩa là nó không quan trọng.
Nhưng 1 sự kiện ta nhớ thì chắc chắn là quan trọng rồi.
Tôi biết ơn những lần mình đã chọn tương lai.
Và tôi sẽ nhớ những lần mình đã chọn hiện tại.
Nếu bạn chỉ tập trung vào tương lai, bạn sẽ không tận hưởng được hiện tại. Nhưng nếu bạn chỉ tập trung vào hiện tại, bạn có thể sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong tương lai.
Sống không phải là lựa chọn giữa 1 tương lai tốt đẹp hay 1 hiện tại đáng nhớ.
Sống là biết được vào thời điểm nào cần ưu tiên cái gì.
Sống là cân bằng cả 2.
Nếu bạn là 1 người “sống vì tương lai” (future-oriented), tôi mong bạn có thể tận hưởng hiện tại hơn 1 chút. Nếu bạn là 1 người “hết mình trong hiện tại” (present-oriented), tôi hy vọng bạn có sự chuẩn bị cho tương lai của mình.
Để khi “Hiệu ứng Cuối cấp” đến, bạn sẽ có ít tiếc nuối hơn tôi bây giờ.
Ôi câu này touching quá ạ: “Tôi cảm thấy thời gian mình dành với họ thật có ý nghĩa, kể cả khi chúng tôi làm những việc rất vô nghĩa và “không hiệu quả”.”
Em cũng là người thích ở một mình, nhưng em hiểu là miễn em còn sống thì em khó mà thiếu “hơi người” được. Nên là em vẫn dành thời gian vài buổi/tuần để đi chơi, after all thì em thấy mình giàu đẹp hơn qua các mối quan hệ và sự tương tác.
Ở góc nhìn của em, sống tốt ở hiện tại cũng là sự chuẩn bị cho tương lai. Có lẽ hiện tại và tương lai đối với mỗi người sẽ có một định nghĩa khác nhau. Em thì hiện tại cũng chính là tương lai dù bất kể là việc gì. Nó không đồng nghĩa mình không có dự tính gì cho tương lai. Có bạn từng nói với em "cứ (dự) tính đi nhưng đừng có dính". Ngày mai, đâu ai biết được...